Chứng khoán châu Á khởi sắc, riêng Trung Quốc đi ngược chiều gió
Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương phần lớn đều khởi sắc trong ngày thứ Năm (14/03), nối tiếp đà tăng trên Phố Wall đêm qua, khi các nhà làm luật Anh bác bỏ ý tưởng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.
Tính tới lúc 10h ngày thứ Năm (14/03 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 141.04 điểm (tương đương 0.66%), còn Topix tiến 0.71% vào đầu phiên. Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi cộng 0.11%.
Chỉ số ASX 200 của Australia tiến 0.04%. Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 74.58 điểm (tương đương 0.26%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Đi ngược chiều gió là chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc với mức giảm 25.9 điểm (tương đương 0.86%).
Trung Quốc sắp công bố một loạt dữ liệu kinh tế trong ngày thứ Năm (14/03), bao gồm số liệu sản lượng công nghiệp. Số liệu này sẽ cung cấp cái nhìn sâu hơn về tình hình nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đồng Bảng Anh được giao dịch ở mức 1.3275 USD vào lúc 8h13 giờ HK/SIN sau khi tăng hơn 2% so với đồng bạc xanh lên 1.3339 USD trước đó – mức leo dốc mạnh nhất kể từ tháng 4/2017.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm
Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày thứ Tư (13/03), được thúc đẩy bởi đà leo dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ, khi nhà đầu tư tỏ ra lạc quan với dữ liệu kinh tế mạnh mẽ. S&P 500 cũng đã vọt lên đỉnh cao mới từ đầu năm 2019 đến nay.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng phiên thứ 3 liên tiếp, tiến 0.7% lên trên mốc 2,800 điểm, một mốc quan trọng được theo dõi bởi nhà đầu tư. Chỉ số Dow Jones vọt 148.23 điểm lên 25,702.89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.7% lên 7,643.41 điểm.
Lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 tiến 0.7%, dẫn đầu bởi đà tăng 3.8% của cổ phiếu Nvidia. Cổ phiếu của các nhà sản xuất con chip ngập trong sắc xanh, với chứng chỉ quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF cộng 0.4%. Nhóm cổ phiếu công nghệ trở nên “nóng” hơn trong tuần này, khi đã vọt hơn 3.5%.
Cổ phiếu các công ty Facebook, Amazon, Netflix, Alphabet và Apple đồng loạt tăng điểm trong phiên ngày thứ Tư.
Chứng khoán Mỹ cũng nhận được hỗ trợ trong ngày thứ Tư sau khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết số đơn đặt hàng hàng hoá lâu bền không phòng ngừa tăng 0.8% trong tháng 1/2019, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất trong 6 tháng. Tổng số đơn đặt hàng hàng hoá lâu bền cũng tăng 0.4%, trái ngược hoàn toàn so với dự báo giảm 0.5% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv.
Bên cạnh đó, chi tiêu xây dựng tại Mỹ vọt 1.3% trong tháng 1/2018, ghi nhận tháng tăng mạnh nhất trong 9 tháng, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng trong đầu tư dự án công.
Dữ liệu này đã làm lu mờ dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn kỳ vọng.
“Đà tăng của lĩnh vực công nghệ, gần như có thể thấy lĩnh vực này đang cảm nhận được điều gì đó sắp diễn ra về vấn đề thương mại Mỹ-Trung”, Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược thị trường tại Prudential Financial, nhận định.
Đàm phán về Brexit
Nhà đầu tư trở nên lạc quan khi các nhà làm luật Anh bác bỏ ý tưởng rời EU mà không có thỏa thuận nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Lúc đầu, chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May đã yêu cầu Quốc hội Anh bỏ phiếu về việc loại bỏ kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Các thành viên của Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu một lần nữa vào đêm ngày thứ Năm (14/03) để mở rộng Điều 50.
Trong một diễn biến khác, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 96.501, giảm từ mức trên 97 trước đó trong tuần này. Đồng Yên Nhật – vốn được xem là một đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch ở mức 111.22 đổi 1 USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|