Thứ Sáu, 08/03/2019 09:00

Bà Nguyễn Bạch Điệp: “Chính ở FPT Retail cũng đã có quá nhiều thử thách và rất năng động rồi”

Từ một nhân viên thực tập làm việc không lương suốt một năm trời, đến nay, để ngồi vào vị trí “cai quản” chuỗi cửa hàng điện thoại FPT Shop, chinh phục chuỗi nhà thuốc Long Châu,… bà Nguyễn Bạch Điệp đã trải qua không ít thăng trầm. Nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai bởi bà vẫn luôn tự gây áp lực và thử thách cho bản thân khi còn cách xa đối thủ.

Cùng trò chuyện với nữ doanh nhân Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP FPT Retail (HOSE: FRT) nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03 về chuyện nghề, chuyện người…

Trong năm 2018, FPT Retail đã mở thêm 60 cửa hàng, nâng tổng số lượng cửa hàng lên con số 550, doanh số trung bình của mỗi cửa hàng cũng tăng so với năm 2017, đạt 2.4 tỷ đồng. Mặc dù ra đời sau so với những doanh nghiệp bán lẻ khác, nhưng bí quyết nào để FPT Retail kinh doanh hiệu quả như vậy, thưa bà?

Các tiêu chí để FPT Retail mở một cửa hàng là khu vực đông dân cư, như kiểu khoanh vùng đếm số nóc nhà, gần chợ, trường học, trung tâm thương mại… rồi traffic (giao thông) xe cộ qua lại. Đồng thời, địa điểm tốt nhất nữa là dựa vào cửa hàng của đối thủ, đó là điểm an toàn do mình đo được lượng khách hàng cũng như doanh thu của cửa hàng đó như thế nào.

Mặc dù mình mở theo cửa hàng đối thủ thì sẽ tăng tính cạnh tranh hơn, nhưng thực ra trong thị trường nói chung, khách hàng thông thường sẽ trung thành với thương hiệu nào đó, nhưng cũng có khách hàng trung tính. Ví dụ như trong mấy ngàn sản phẩm, FPT Shop mạnh sản phẩm này, đối thủ mạnh sản phẩm khác, khách hàng sẽ chọn bên nào phù hợp với phân khúc sản phẩm của mình. Giống như kiểu bạn uống Coca Cola với Pepsi, về bản chất cả hai sản phẩm này mình đều không phân biệt được ông nào hay hơn ông nào nên có người uống cái này có người uống cái kia, vì thế cả hai đều có thị phần. Điện thoại cũng kiểu như vậy, cũng có những khách hàng trung thành với một thương hiệu và cũng có những khách hàng trung tính hơn, vì thế họ có thể tham khảo bên này bên kia rồi mới lựa chọn.

Còn các dịch vụ, chương trình thì các cửa hàng đều rất giống nhau nên rất khó để nói sự khác biệt giữa hai bên. Tuy nhiên, FPT Shop có thế mạnh ở dòng phân khúc cấp cao, có thể nhờ lịch sử trước đây, hồi FPT làm showroom cho nhiều hãng như Nokia, Samsung nên mức độ đầu tư rất hoành tráng. Đồng thời, FPT Retail cũng là Công ty đầu tiên đưa Apple về Việt Nam với những cửa hàng kiểu brand shop như F.Studio… Thương hiệu cho FPT Shop được tạo nên từ những trường hợp như vậy với dòng sản phẩm cao cấp để người tiêu dùng chọn.

FPT Retail bước chân vào ngành bán lẻ dược phẩm giữa lúc thị trường điện thoại, mảng bán lẻ chính của Công ty, đang dần bước sang giai đoạn bão hòa. Theo bà, nhận định này có đúng không?

Về bản chất, mảng điện thoại đã hơi bão hòa rồi, bởi tăng trưởng của thị trường điện thoại chỉ còn vài %/năm, nên chuỗi nhà thuốc sẽ là hướng đi trong tương lai giúp FPT Retail tăng trưởng thêm. Còn năm 2019 này, chuỗi nhà thuốc chưa đủ lớn để đóng góp nhiều về sự tăng trưởng doanh thu vào Công ty.

Dù vậy, ở mảng điện thoại, FPT Shop vẫn sẽ cố tìm thêm những hướng đi mới, khai thác những kênh khác nữa để có mức tăng trưởng 15%, ví như trả góp (dư địa còn 10%), kênh bán hàng cho doanh nghiệp, F.Friends… tức Công ty sẽ chủ động đi tìm khách hàng nhiều hơn là khách hàng tự tìm đến.

Nhìn xa hơn, động lực nào sẽ thúc đẩy tăng trưởng của FPT Retail trong thời gian tới, chuỗi cửa hàng công nghệ FPT Shop, F.Studio hay nhà thuốc Long Châu?

FPT Shop vẫn là mảng kinh doanh chính trong năm 2019, còn Long Châu và F.Studio vẫn chưa nhiều. Cụ thể, theo kế hoạch năm 2019, doanh thu Công ty đặt ra là 17,700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 560 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so năm 2018.

Trong cơ cấu doanh thu, phần của Long Châu đóng góp 500 tỷ đồng. Còn F.Studio kế hoạch ban đầu là mở 100 cửa hàng trong 3 năm nhưng một phần do chính sách của Apple chưa thuận lợi, cộng với sản phẩm của họ đợt vừa rồi chưa đủ tốt nên tạm thời Công ty sẽ dừng lại, tức không đầu tư vào đây quá nhiều. Còn kế hoạch trong tương lai vẫn phụ thuộc vào chính sách và sản phẩm của Apple có thay đổi hay không, lúc đó FPT Retail mới quay lại đặt mục tiêu cho chuỗi này.

Ngoài ra, Công ty còn đặt mục tiêu doanh thu phụ kiện năm nay phải đạt 1,000 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so năm ngoái. Có nhiều cách để đạt được con số này như thay đổi nhà cung cấp, chọn lựa lại sản phẩm với phân khúc giá hợp lý so với thị trường hơn, hoặc đầu tư vào việc huấn luyện nhân viên…

Công ty cũng đặt mục tiêu bán hàng qua kênh online năm nay tăng trưởng nhanh hơn từ 25-30%, còn mảng offline là 15%. Nguyên nhân là vì ngày càng có nhiều người không có thời gian ra cửa hàng nên đặt hàng giao đến nhà.

FPT Shop hiện đã đạt con số 550 cửa hàng rải đều tại 63 tỉnh thành, tất nhiên vẫn tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và TPHCM.

Nói về kết quả kinh doanh năm 2018, bà có thể cho biết trong đó đã có sự đóng góp của chuỗi nhà thuốc Long Châu như thế nào? Tiến độ mở rộng chuỗi nhà thuốc có đúng như kế hoạch đề ra và Công ty có gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai hay không, thưa bà?

Năm 2018, FPT Retail đã mở được 20 cửa hàng thuốc Long Châu, năm 2019 này kế hoạch là 50 cửa hàng nữa, như vậy là từ đây đến cuối năm sẽ có khoảng 70 cửa hàng thuốc.

Long Châu hiện chia làm hai loại, một là cửa hàng cũ đang hoạt động và cửa hàng mới mở. Trong giai đoạn 2018 đến nay, FPT Retail đã mở nhiều mô hình cửa hàng với nhiều tiêu chí khác nhau để thử nghiệm như loại to, nhỏ, ở khu đông đúc dân cư hay đi cặp chung với các cửa hàng của FPT Shop để tối ưu hóa mặt bằng. Trong thời gian thử nghiệm mô hình thì có cái đạt, có cái không đạt, kiểu này kiểu kia nên mình cũng nhìn ra được nhiều vấn đề, từ đó rút ra được việc nào cần tập trung. Và hướng tập trung được ưu tiên hàng đầu vẫn là mở các nhà thuốc lớn, còn đi theo FPT Shop thì tùy thuộc vào quá trình đánh giá hiệu quả hoạt động của cửa hàng đó, nếu hiệu quả chưa được tốt thì sẽ ngăn ra để bán thêm một nhóm sản phẩm, từ đó có thêm doanh thu.

Ngoài ra, về mặt tương lai lâu dài, Công ty muốn thuận tiện cho khách hàng, ví như những khách hàng mua mặt hàng chuyên sâu thì mình cũng có những cửa hàng loại to với đầy đủ mọi nhóm hàng sản phẩm, còn đối với những khách hàng chỉ cần mua những loại thuốc đơn giản cơ bản như cảm cúm, sốt và muốn gần nhà thì mình cũng phải có những cửa hàng loại bé.

Thêm một loại nữa là trong năm nay, FPT Shop có kế hoạch mở từ 70-100 shop tiếp theo, trong quá trình mở shop như vậy nếu gặp mặt bằng có diện tích to, giá tiền hơi cao, mà nếu một mình FPT Shop sử dụng thì hơi phí, Công ty sẽ cân nhắc mở đồng thời 2 cửa hàng. Một số điểm đã thử nghiệm mô hình 2 cửa hàng tại TPHCM như Lê Văn Khương, Nguyễn Oanh, Hồng Bàng… và cũng có những hiệu quả cũng như khó khăn riêng.

Thực ra kinh doanh thuốc hơi mất thời gian hơn so với điện thoại. Bởi khác nhau ở chỗ, ngày xưa mua thuốc người ta thường mua bằng uy tín, niềm tin, ví như bao nhiêu năm nay người dân quen mua ở một cửa hàng này với ông dược sĩ đó, khi chuỗi của mình đến thì phải mất thời gian để thuyết phục người tiêu dùng chuyển hướng sang để cảm nhận sự khác biệt như từ giá cả, hàng hóa, phục vụ tốt hơn… Vì thế, doanh thu kinh doanh thuốc thường tăng chậm nhưng vẫn đều, cho nên kết quả cuối cùng cần một khoảng thời gian nữa mới nhìn ra được hiệu quả của nó.

Năm nay, FPT Retail sẽ xây dựng toàn bộ hệ thống cho chuỗi nhà thuốc Long Châu, từ quy trình vận hành đến logistics… Việc mở nhà thuốc Long Châu có lợi thế lớn khi dựa 70% trên hệ thống phần mềm của FPT Shop nên việc xây dựng rất nhanh, chỉ mất vài tháng chứ không mất cả năm như ngày xưa. Tuy nhiên, quá trình vận hành cũng gặp hai khó khăn chủ yếu như về tuyển dụng, đào tạo nhân sự. Thứ hai là giấy phép phức tạp hơn, bởi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến sức khỏe con người nên cần có sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Hiện, mở một cửa hàng mất khoảng 30-45 ngày để xin giấy phép.

Còn theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, tăng trưởng của ngành dược là 15-16%/năm, nhưng vấn đề quan trọng là có đến 30,000 - 40,000 cửa hàng nhỏ lẻ, giống như mảng điện thoại cách đây hơn 10 năm, các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ rất nhiều. Sau đó, mô hình chuỗi cửa hàng ra đời đã mang lại cho khách hàng nhiều trải nghiệm tốt hơn, uy tín hơn nên thu hút khách hàng. Từ đó, chuỗi tăng mạnh nhờ lấy thị phần của những cửa hàng nhỏ kia chứ không phải từ tăng trưởng bình thường của thị trường. Và mảng thuốc hiện nay cũng tương tự như vậy, và đây là thời điểm bắt đầu.

Nhóm cổ đông lớn mới sau khi mua cổ phần của FPT Retail đã có tác động gì vào chuyện nhân sự cũng như hoạt động kinh doanh của Công ty, thưa bà?

Chưa thấy có động thái gì từ cổ đông lớn này. Nhưng theo tôi nghĩ, nếu ban điều hành hiện tại vẫn giữ được các chỉ số tốt như hiện tại thì chắc cổ đông cũng yên tâm nên không đưa thêm người vào.

Gắn bó với FPT Retail từ những ngày đầu, để có được vị trí như ngày hôm nay, có lúc nào bà phải đối mặt với thất bại chưa và bà giải quyết ra sao? Bà có ý định tìm một môi trường mới để thử thách bản thân hơn không?

Khó khăn gặp vô cùng nhiều, nhưng qua 20 năm, tôi chưa bao giờ có ý định rời khởi FPT. Điều khiến tôi gắn bó với FPT đến từ việc môi trường ở đây tạo điều kiện cho tôi phát huy được tố chất, rồi sau đó được công nhận, lĩnh thưởng. Nếu đi ra một môi trường khác thì niềm tin đó gần như bằng không và phải chứng minh lại từ đầu, dù bạn có nổi tiếng đến đâu đi chăng nữa thì người khác cũng sẽ nhìn nhận bạn khi bạn chứng minh bạn làm được gì. Và một phần nữa là bạn cũng sẽ không được toàn quyền quyết định xử lý công việc theo tố chất mà mình có.

Để nói rời khỏi FPT Retail là không. Bởi ở đây, tôi cũng đang ổn, không có vướng mắc gì lớn để ảnh hưởng đến tâm lý hay bức xúc gì để mà phải ra đi. Với lại, không hẳn đi ra ngoài là thử thách bản thân, mà chính ở đây cũng đã có quá nhiều thử thách và rất năng động rồi.

Chưa kể bài toán của tôi không chỉ dừng ở chỗ phải hoàn thành kế hoạch với Công ty, mà là đối thủ cơ. Nghĩa là tôi có thể hoàn thành kế hoạch với Công ty, nhưng khoảng cách với đối thủ còn khá xa như thế này thì tự mình đã gây áp lực và thử thách cho mình rồi.

Vậy kim chỉ nam để đạt được thành công như ngày hôm nay của bà là gì, thưa bà?

Theo tôi, ở đây chỉ là vấn đề nhận thức thôi. Khi tôi bước chân vào làm ở FPT, năm đầu tiên không có một đồng lương nào nhưng vẫn làm một năm trời dù lúc đấy rất khổ sở như đi xe đạp bể bánh xe không có tiền vá… nhưng lúc đó làm vì thích nhiều hơn. Rồi tôi đặt mục tiêu đơn giản rằng đây là thời điểm mình tích lũy kinh nghiệm hơn tất cả mọi thứ khác.

Và đúng thật, sau khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thì tôi có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau như thuyết phục được như Prudential, thuốc lá 3 số mua hàng với dự án triệu đô. Từ đó, tôi xây dựng giải pháp cho khách hàng, tự nhiên mình lớn dần lên, có nhiều kinh nghiệm để xử lý vấn đề, tự động giúp công việc tăng dần, Công ty nhìn thấy năng lực và cứ thế lên đến vị trí này.

Còn bây giờ, tôi nhìn thấy rất nhiều nhân viên họ chỉ quan tâm đến chuyện nhảy việc và cứ hay oán trách tại sao mình làm nhiều vậy mà chỉ được thế này thế kia. Nhưng họ không nghĩ rằng, những kinh nghiệm họ tích lũy được thì sau này khi họ ra đi, toàn bộ kinh nghiệm đó đi theo họ, đó chính là tài sản của chính họ, để thành công hơn về sau nữa. Nhưng họ không cảm nhận được việc đó, tức nhận thức của họ không tốt.

Quan trọng là thái độ làm việc của mình, khi giao việc gì thì tôi bị một cái sĩ diện là phải làm việc đó thật tốt, tôi không muốn người khác nhìn mình bằng con mắt chẳng làm được việc gì cả, thành ra tôi cố hết sức. Và khi đó cơ hội nó đến.

Là nữ lãnh đạo doanh nghiệp, bà thấy phụ nữ có ưu thế và khó khăn gì?

Theo quan điểm cá nhân tôi, nữ giới không có ưu thế trong độ liều, có một chút cẩn trọng hơn trong mọi công việc, từ đó nhiều khi cũng mất cơ hội. Tôi cũng từng có lúc vuột mất cơ hội nhưng cũng cho qua rất nhanh để tập trung vào mục tiêu khác.

Yếu tố thứ hai là độ nhanh nhạy trong việc lĩnh hội về công nghệ mới, còn nam thì họ nắm bắt được nhanh hơn. Nữ thiên hướng về mặt quản trị nhiều hơn. Đó cũng là một phần không thuận lợi bằng nam giới.

Bà cân bằng giữa công việc và gia đình như thế nào?

Về gia đình và con cái thì tôi vẫn chu toàn được chứ cũng không có vấn đề gì gọi là đánh đổi khi ngồi vào vị trí này. Gia đình vẫn sinh hoạt bình thường, nhất là nguyên ngày Chủ nhật, tôi đã dành riêng cho gia đình hoàn toàn, còn mỗi ngày đi làm thì tối về vẫn duy trì những việc chung như ăn cơm tối chung, hay sáng đi làm thì tranh thủ đưa con đi chung. Vẫn có sự giao lưu trong gia đình bình thường, không đến mức gọi là hoàn toàn không thể không quan tâm.

Minh An

Ảnh: Chí Kiên

Fili

Các tin tức khác

>   LDG: Thông báo đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT (06/03/2019)

>   VIS: Quyết định của HĐQT về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc (06/03/2019)

>   FGL: Thay đổi nhân sự (06/03/2019)

>   HSA: Thay đổi nhân sự (06/03/2019)

>   GLC: Thay đổi nhân sự (06/03/2019)

>   GLC: Thay đổi nhân sự (06/03/2019)

>   VTB: Nghị quyết và Biên bản HĐQT về bầu Chủ tịch HĐQT (06/03/2019)

>   VTB: Nghị quyết và Biên bản HĐQT về bầu bổ sung Thành viên HĐQT (06/03/2019)

>   VTB: Nghị quyết và Biên bản HĐQT về miễn nhiệm Thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT (06/03/2019)

>   SD5: Thay đổi nhân sự (06/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật