Bà đỡ của doanh nghiệp xã hội
Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho rằng, phát triển doanh nghiệp xã hội là con đường kết hợp được cả trí tuệ, kiến thức kinh doanh với những mục tiêu cao cả từ trái tim.
Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng. Ảnh: Thu Uyên
Được biết câu chuyện của các doanh nghiệp xã hội (DNXH) là động lực để bà cùng các đồng nghiệp CSIP tìm mọi cách vận động đưa DNXH vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014. Vậy lý do vì sao bà chọn DNXH là con đường để theo đuổi?
Bà Phạm Kiều Oanh: DNXH đã có những phát triển bước đầu tiên và ít nhất sau 4 năm được đưa vào luật, Việt Nam đã có thêm hàng chục mô hình doanh nghiệp hoạt động vì cộng đồng.
Những ngày đầu thành lập CSIP để hỗ trợ DNXH, nhiều người còn chưa biết DNXH là gì, thậm chí họ còn băn khoăn liệu việc kết hợp các vấn đề xã hội với kinh doanh có thực sự giải quyết được các vấn đề xã hội hay không.
Câu chuyện của CSIP cùng nhiều tổ chức hoạt động vì xã hội khác chính vì mục tiêu truyền thông cho DNXH, cho mọi người thấy được tầm quan trọng của DNXH với đời sống của người dân nhất là bà con các vùng sâu vùng xa, các địa phương nghèo khó ở mọi miền đất nước.
Đối với CSIP, việc DNXH được đưa vào các văn bản luật cũng là dấu mốc để chúng tôi chính danh trên con đường hỗ trợ các doanh nghiệp tại địa phương. Và mục tiêu kinh doanh để xóa đói giảm nghèo, để giải quyết các vấn đề môi trường, để đạt được những mục tiêu bền vững của thiên niên kỷ không chỉ là triết lý của CSIP mà còn là ước muốn của riêng cá nhân tôi.
Tôi luôn tâm niệm DNXH là con đường kết hợp được cả trí tuệ, kiến thức kinh doanh với những mục tiêu cao cả từ trái tim.
Ba năm gần đây thực hiện dự án về DNXH tại hai tỉnh Hòa Bình và Lào Cai, bà và CSIP đã có những trải nghiệm gì?
Bà Phạm Kiều Oanh: Đây là một dự án mới và cũng là dự án đầu tiên CSIP triển khai về phát triển DNXH tại cộng đồng. Tại hai tỉnh Hoà Bình và Lào Cai, CSIP ưu tiên những doanh nghiệp do người dân tộc thiểu số, người nghèo đứng lên gây dựng với mục tiêu chia sẻ khó khăn, giúp họ làm giàu bền vững.
Đó chính là bước đầu tiên trong dự án của CSIP, dần dần truyền thông về DNXH tại cộng đồng. Qua truyền thông kết hợp làm việc trực tiếp tại địa phương, chúng tôi tìm ra những nhân tố, những bà con là những người lãnh đạo tại cộng đồng. Đó là những người không chỉ có khát vọng làm kinh doanh mà còn có năng lực, khả năng quản trị, quản lý doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một thách thức của CSIP sau khi gặp gỡ được những người chủ doanh nghiệp tương lai là làm thế nào để giúp đỡ họ giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài. Đó là những vấn đề còn nhiều vướng mắc như nguồn vốn, cơ sở hạ tầng, tìm kiếm thị trường, mô hình kinh doanh và cả các rào cản pháp lý.
Với bà con có lẽ một khó khăn lớn khi làm doanh nghiệp là về nguồn vốn, nhưng theo chúng tôi thách thức lớn nhất nằm ở nhân tố con người. Nhu cầu được “cho con cá” của bà con còn rất nhiều, nhưng khả năng tạo dựng được lòng tin để thu hút vốn, gây dựng hoạt động kinh doanh đủ sức thuyết phục lại có hạn chế.
Theo bà đâu là những khó khăn lớn nhất đối với DNXH ở thời điểm hiện tại?
Bà Phạm Kiều Oanh:Theo tôi, khó khăn nằm ở yếu tố con người. Muốn DNXH thực sự phát triển thì cần tìm được những lãnh đạo không chỉ có khát vọng làm kinh doanh mà còn có ý chí cầu tiến, không ngừng cải thiện kĩ năng lãnh đạo và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình. Thực tế phát triển dự án cho thấy có nhiều bà con rất muốn làm nhưng năng lực lại hạn chế, có bà con đủ khả năng nhưng lại thiếu vốn.
Vì vậy, tôi thiết nghĩ nếu CSIP tiếp tục với hoạt động DNXH thì mục tiêu hàng đầu vẫn là phát triển con người, trau dồi những tố chất, năng lực cho các lãnh đạo DNXH mà chúng tôi gọi là những nhà lãnh đạo chân đất - hạt nhân của sự thay đổi.
Bên cạnh đó, rào cản pháp lý cũng là một thách thức lớn. Chúng ta chưa có hệ thống pháp luật hỗ trợ cho việc thành lập các quỹ từ thiện tư nhân rộng rãi như tại một số nước phát triển. Hầu hết nguồn vốn các DNXH có hiện tại đều là vốn tự có và vốn đi vay ngân hàng. Song việc vay tiền ngân hàng với tư cách pháp nhân DNXH đang gặp khó khăn hơn so với vay vốn dưới tư cách hộ gia đình. Nếu những rào cản pháp lý được giải quyết thì chắc chắn hoạt động của doanh nghiệp xã hội sẽ phát triển hơn.
Vậy bà có thể đưa ra một vài khuyến nghị cho các DNXH của Việt Nam để giải quyết khó khăn về năng lực kinh doanh, khả năng thu gọi vốn đầu tư và một vài đề xuất chính sách để thúc đẩy đầu tư xã hội cho các cơ quan nhà nước?
Bà Phạm Kiều Oanh: Với các DNXH, trước tiên người lãnh đạo cần hiểu rõ thực trạng phát triển và nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp mình cũng như có chiến lược kinh doanh và kế hoạch huy động nguồn vốn rõ ràng. Bên cạnh đó, các DNXH cần chủ động tìm hiểu động cơ, yêu cầu đầu tư của từng nhóm các nhà đầu tư xã hội khác nhau. Trên cơ sở đó, DNXH cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết về năng lực, về thị trường và đối tác… để có thể tiếp nhận đầu tư một cách có hiệu quả.
Với các cơ quan nhà nước, tôi thiết nghĩ cần tạo nhiều hơn những chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh. Mức cho vay phải hợp lý mới kinh doanh hiệu quả và tránh lãng phí vốn nhà nước. Các DNXH tại cộng đồng cũng cần được tạo điều kiện về đất đai, được tư vấn đồng hành, cầm tay chỉ việc để phát triển kinh doanh.
Một trong số những vai trò của DNXH hiện nay là thúc đẩy bình đẳng giới. Bà đánh giá thế nào về vai trò này, CSIP đã có những hoạt động nào để thúc đẩy vai trò này của doanh nghiệp xã hội?
Bà Phạm Kiều Oanh:Trong 10 năm qua, CSIP cùng các đối tác đã ươm tạo gần 200 doanh nghiệp và doanh nhân xã hội. Số doanh nghiệp này đã giúp tạo việc làm cho hơn 100.000 người và cải thiện sinh kế chủ yếu cho người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số,…
Cụ thể với các chị em phụ nữ, CSIP cũng có nhiều hoạt động giúp chị em phát triển kinh tế và nâng cao đời sống. Nhiều DNXH hiện nay do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo, chị em tập trung vào một số lĩnh vực như thổ cẩm, thủ công, du lịch sinh thái,…và thường gặp khó khăn khi phát triển kinh doanh nông nghiệp sạch, nông nghiệp có sử dụng nhiều yếu tố công nghệ.
Bản thân cũng là một người phụ nữ làm các công tác phát triển xã hội, phục vụ cộng đồng, tôi cũng đội ngũ CSIP tìm hiểu những khó khăn, cản trở chị em trong quá trình lãnh đạo để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ.
Tôi luôn mong muốn khuyến khích chị em làm doanh nghiệp, giúp chị em gỡ bỏ khó khăn và tâm lý phụ nữ thì không thể làm doanh nghiệp. Từ đó các DNXH sẽ tạo ra công ăn việc làm và tăng thu nhập cho một số chị em phụ nữ. Đồng thời năng lực làm việc của chị em phụ nữ được cải thiện, tham gia vào làm kinh tế, tạo ra giá trị sản xuất.
Xin cảm ơn bà!
Tô Lan
Nhà quản trị
|