An Phát tính gì ở Mỹ?
An Phát nhắm đến mục tiêu doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2025.
An Phát Holdings (APH), công ty mẹ của Công ty Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA), mới đây đã công bố thông tin về kế hoạch đầu tư nhà máy tại Mỹ mang tên An Phát USA.
Kế hoạch táo bạo
Nhà máy này dự kiến xây trong khoảng 1 năm, chuyên sản xuất túi vi sinh phân hủy hoàn toàn, túi PE và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhà máy có thể đi vào hoạt động từ đầu năm 2020 và trước mắt, sẽ cung cấp sản phẩm cho thị trường Bắc Mỹ. APH không tiết lộ số tiền đầu tư nhưng cho biết nhà máy tại Mỹ sẽ được lắp đặt khoảng 300 dàn máy hiện đại, với công nghệ cao, tự động hóa đồng bộ.
APH không phải là doanh nghiệp đầu tiên có những hoạt động đầu tư ở Mỹ. Trước đó, năm 2013, Công ty Vĩnh Long từng thông tin về việc đầu tư 5 triệu USD để sản xuất tủ chứa, tủ bếp và phân phối tại Bắc Mỹ. Hay Vinamilk, Nutifood cũng có những động thái tại Mỹ. Vinamilk từng đầu tư 7 triệu USD và sau đó tiếp tục rót vốn để sở hữu 100% cổ phần tại Driftwood. Nutifood thì bắt tay với nhà phân phối Delori để đưa dòng sữa Pedia Plus sang 300 siêu thị ở Mỹ và hướng tới đạt 100 triệu USD từ thị trường này.
Nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã đặt văn phòng, chi nhánh ở Mỹ. Nhưng bước đi mở nhà máy trực tiếp ở Mỹ như cách của APH là hiếm hoi. Bởi lẽ đầu tư nhà máy tại Mỹ rất tốn kém và phức tạp. Nhiều công ty phải chi ra hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỉ USD để xây nhà máy ở Mỹ. Ví dụ Hyundai, Subaru đã chi gần 400 triệu USD mở rộng nhà máy tại xứ cờ hoa.
Đầu tư nhà máy ở Mỹ còn phải thỏa mãn các tiêu chí khắt khe về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ... Chi phí nhân công tại Mỹ cũng rất cao, gấp 2-3 lần các nước châu Á. Trong khi đó, chính quyền các bang ở Mỹ lại có yêu cầu cao về mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Khi doanh nghiệp không thực hiện được như cam kết, các bang sẽ cắt giảm, xóa bớt các ưu đãi dành cho họ. Điều này là một phần lý do khiến Foxconn (Đài Loan) phải xem xét lại kế hoạch đầu tư 10 tỉ USD vào nhà máy ở Mỹ.
Các doanh nghiệp cũng ít có động lực mở nhà máy ở Mỹ vì nền công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho các tập đoàn sản xuất nằm hầu hết ở Trung Quốc, Ấn Độ... Đây là lý do Apple chưa thể đưa hoạt động sản xuất lắp ráp của mình về Mỹ dù Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nhắc nhở.
Tuy nhiên, với khoảng cách chi phí nhân công đang thu hẹp dần, một nền sản xuất ngày càng tự động hóa, nhất là với chính sách bảo hộ tăng cường từ phía Mỹ thì việc đặt nhà máy ở Mỹ đã được nhiều công ty xem xét. Từ 2 năm trước, vì ngại chính sách của ông Trump mà Samsung, LG đều đã khởi xây nhà máy ở Mỹ, dù 2 công ty này đã bán hàng vào Mỹ hàng thập niên qua. Về phía Việt Nam, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone (VCS), từng chia sẻ Công ty có thể sẽ xây nhà máy ở Mỹ nếu Mỹ áp thuế bảo hộ quá cao lên sản phẩm đá nhân tạo của VCS.
Còn một lý do nữa để dòng vốn đầu tư từ các ông chủ Việt có thể đổ vào Mỹ là các cơ hội định cư tại Mỹ. Theo Bloomberg, số người đi theo diện thị thực đầu tư định cư EB-5 vào Mỹ năm 2017 tăng hơn 4 lần lên so với năm 2014. 2 năm trước đó, Việt Nam cũng chỉ đứng sau Trung Quốc trong những nước có di cư tới Mỹ đông nhất. Số liệu cập nhật từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp vào Mỹ của các ông chủ Việt chiếm đến 52,9 triệu USD, cao thứ 3, chỉ sau vốn đầu tư vào Lào và Úc.
Đâu là lý do?
Trở lại câu chuyện APH, trước khi xây nhà máy ở Mỹ, APH đã hoạt động tại Mỹ, thông qua công ty thành viên là AAA. AAA đã xuất khẩu bao bì mỏng vào Mỹ, bên cạnh việc thâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật, châu Âu (EU), UAE... Xuất khẩu đang chiếm hơn 90% tổng doanh thu của AAA. Trong đó, EU là thị trường truyền thống, đóng góp doanh thu chủ lực (44%), còn Nhật, Mỹ là những thị trường mới mở từ 4-5 năm nay, chiếm xấp xỉ 30% và 20% doanh thu xuất khẩu của AAA, theo báo cáo của AAA. Các sản phẩm của APH đã có mặt tại hơn 100 quốc gia. Từ năm 2020, khi nhà máy An Phát USA vận hành, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch APH cũng là Chủ tịch AAA, cho biết, Công ty sẽ tiến gần khách hàng toàn cầu hơn, cung cấp các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường. APH đề ra con số doanh thu 1 tỉ USD từ thị trường Mỹ năm 2025.
|
APH là tập đoàn mới thành lập khoảng 2 năm, cho mục tiêu đầu tư chi phối ở AAA và triển khai các kế hoạch M&A mở rộng, tạo thành hệ sinh thái bền vững cho doanh nghiệp. Chính vì thế, ngoài kế hoạch đầu tư nhà máy ở Mỹ, APH còn triển khai nhiều thương vụ M&A đáng chú ý. Đó là mua lại Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark và đổi thành An Phát Complex. Đây là cứ điểm sản xuất của các công ty An Trung, An Vinh, An Cường với các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao…
Vì thế, ông Nguyễn Lê Trung, CEO của AAA, kỳ vọng An Phát Complex sẽ giúp lợi nhuận ròng của AAA năm 2019 tăng trưởng vượt trội, với kế hoạch đặt ra là 510 tỉ đồng, từ mức hơn 200 tỉ đồng của năm ngoái. Hay APH đã đầu tư nắm giữ cổ phần ở Nhựa Hà Nội, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực linh kiện ô tô, xe máy. APH cũng hợp tác với Gelex để kinh doanh, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt là bắt tay với VinFast để lập công ty sản xuất nhựa ô tô.
Nếu xét ở phạm vi này, APH hiện là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đầu tư tạo chuỗi giá trị khép kín trong ngành nhựa kỹ thuật cao, nhựa “xanh”. Với 11 công ty thành viên, kinh doanh trong 6 lĩnh vực chính là nhựa sinh học, nhựa bao bì, nhựa kỹ thuật, nhựa gia dụng, hóa dầu và xơ sợi, với 12 nhà máy trên cả nước, APH đang cho thấy, kế hoạch đầu tư nhà máy tại Mỹ và mở rộng mạng lưới kinh doanh quốc tế là khả thi.
Ngọc Thủy
nhịp cầu đầu tư
|