AGF có hồi sinh như 10 năm trước?
CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) có năm 2008 kinh doanh sai hướng và trượt dài trong lợi nhuận, may thay vị cứu tinh đã xuất hiện nhanh chóng kéo AGF đi tiếp. 10 năm sau, với bề dày hơn 30 năm, AGF lại đang lụi tàn trong thua lỗ và mất đi vị thế đã từng. Liệu giờ đây AGF có thể hồi sinh một lần nữa?
*Niên độ của AGF năm 2008 từ 01/01/2008 đến 31/12/2008, năm 2018 từ 01/10/2017 đến 30/09/2018.
Năm 2008: Làm ăn lao dốc, được đại gia nhảy vào cứu vớt
Một năm sau khi cổ phần hóa, năm 2002, cổ phiếu AGF chính thức được niêm yết tại HOSE. Khoảng thời gian 2006-2007, AGF được biết đến đơn vị có tiếng trong ngành thủy sản đặc biệt là mảng cá tra khi khối lượng và giá trị xuất khẩu năm 2006 đứng thứ 2 toàn ngành và đứng vị trí thứ 4 năm 2007.
Nguồn: VASEP
|
Kể từ dạo ấy, AGF rơi vào cảnh khốn khó, năm 2008 đánh dấu năm tụt dốc lợi nhuận sau những tháng ngày hoàng kim, lãi ròng cả năm chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng, giảm 67% so năm 2007. Không lâu sau, CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) đã chủ động chào mua công khai cổ phiếu AGF, đến tháng 1/2010, HVG hoàn tất việc nâng sở hữu tại AGF lên 51%.
Vào thời điểm bấy giờ, cổ đông chờ đợi AGF sẽ trở lại vị thế đã từng trước khi vấp chân ngã. Và trái ngọt đã đến, doanh thu của Công ty năm 2011, năm 2012 tăng gần gấp đôi so với những năm trước, lần lượt đạt 2,762 tỷ đồng và 2,811 tỷ đồng so với con số 1,780 tỷ đồng của năm 2010.
Năm 2011, AGF còn được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chứng nhận là doanh nghiệp nằm trong top 3 về xuất khẩu cá tra.
Năm 2018: Khó khăn chồng chất, chìm trong thua lỗ
Thế nhưng “cây” AGF không cho trái ngọt mãi mãi sau khi được giúp sức, năm 2015, AGF nhận cú sốc đầu tiên khi chính thức báo lỗ, báo hiệu cho chuỗi ngày đen tối sắp đến.
Đỉnh điểm, năm 2018 được cho là năm khổ trăm bề khi AGF bị ảnh hưởng kết quả kinh doanh không thuận lợi từ năm 2017 (lỗ hơn 187 tỷ đồng), khiến cho các ngân hàng siết chặt vốn vay dẫn đến tình trạng thiếu nguồn vốn cho sản xuất, thiếu thức ăn cho vùng nuôi, thiếu sản lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Cũng vì không đủ nguyên liệu sản xuất mà AGF đã tạm ngưng 2 nhà máy chế biến. Khấu hao máy móc, thiết bị thì không đủ bù cho các chi phí phát sinh, nhất là lãi vay. Ngoài ra, AGF còn các khoản nợ phải thu khó đòi buộc phải trích lập dự phòng,…
Chưa hết, AGF còn dính phải vụ kiện chống bán phá giá cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ nên ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Bằng chứng là doanh thu thuần cả năm chỉ đạt gần 1,285 tỷ đồng, giảm 43% so năm 2017. Do kinh doanh dưới giá vốn, AGF ghi nhận lỗ gộp 43 tỷ đồng. Tuy các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh so với năm 2017, nhưng AGF vẫn lỗ xấp xỉ 190 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến cuối niên độ 2018, AGF lỗ lũy kế 282 tỷ đồng lớn hơn vốn điều lệ là 281 tỷ đồng. May thay, sau kiểm toán, lỗ lũy kế chỉ là 270 tỷ đồng, AGF đã tránh được việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc.
Học hỏi việc bán tài sản từ “người mẹ” Hùng Vương?
Về phía HVG, sau khi thâu tóm AGF, Tập đoàn này có thêm “đôi cánh” tung bay cao hơn trong ngành và dần trở thành “đại gia” cá tra những năm liền đó.
Nhưng niềm vui không trọn vẹn khi "đại gia" này kinh doanh tuột dốc và phải cay đắng ghi nhận khoản lỗ ròng 49 tỷ đồng niên độ 2016 và khoản lỗ ròng kỷ lục 713 tỷ đồng niên độ 2017. Chữa cháy cho tình trạng đáng báo động, HVG đã mạnh tay cơ cấu lại Công ty khi bán hết các bất động sản, các dự án nuôi heo cùng việc buông tay các công ty con. Kết quả đáng ngạc nhiên, HVG thoát lỗ và có khoản lời đầu tiên vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng trong niên độ 2018.
Vận dụng được bài học đắt giá trên của “người mẹ” HVG, AGF dự tính bán 2 nhà máy đông lạnh AGF8 và AGF9 tại An Giang, cùng 2 vùng nuôi Nha Mân, An Nhơn tại Đồng Tháp. Đồng thời chuyển nhượng dự án khu nhà ở tập thể công nhân tại An Giang cho đơn vị khác thực hiện.
Những tưởng việc bán đất cơ cấu các khoản nợ được trình tại ĐHĐCĐ nhưng trước thềm Đại hội, AGF lại có Nghị quyết HĐQT hủy việc bán 2 nhà máy và 2 vùng nuôi do được nghe báo cáo của Tổng giám đốc về tình hình quý 1/2019 kinh doanh khả quan?!
Điểm chấm phá mới khi AGF thoát lỗ trong quý 1/2019
Theo BCTC mới nhất được công bố, bức tranh lợi nhuận dần được chấm phá những gam màu tươi sáng khi AGF đã thoát lỗ sau 2 năm liên tiếp đeo bám và có lãi ròng đạt gần 1.6 tỷ đồng.
Hành trình quý rồi khá khó nhằn khi AGF gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn lưu động, nguồn nguyên liệu khan hiếm nên doanh thu thuần không đạt kỳ vọng, giảm đến 47% so với cùng kỳ, đạt 270 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do giá xuất khẩu tăng và hoạt động cho thuê nhà máy chế biến mang lại hiệu quả tốt nên trong kỳ nên lãi gộp ở 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ Công ty ghi nhận lỗ gộp 55 tỷ đồng. Phần lợi nhuận gộp trên phần nào bù đắp cho được các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp,… và quan trọng là giúp AGF đổi vận.
Chứng trường: Từ huy hoàng đến lụi tàn
AGF niêm yết trên HOSE chính thức vào ngày 03/05/2002 với giá chốt phiên 30,500 đồng/cp. Đi cùng với kết quả tươi sáng những năm đầu giá cổ phiếu như diều gặp gió tăng, tăng và tăng, ngày 27/02/2007 cổ phiếu AGF đạt đỉnh 45,956 đồng/cp (giá cổ phiếu đã điều chỉnh), gấp 1.5 lần ngày đầu chập chững lên sàn.
Kể từ thời điển thăng hoa đạt đỉnh, cổ phiếu AGF đổ dốc “đứng” chỉ còn ở quanh mức mệnh giá vào năm 2009. Về chung nhà với HVG, cổ phiếu AGF dần có đà tăng trở lại nhưng chỉ tăng đến giá ngày đầu niêm yết.
Trong năm 2018, AGF gặp phải vận đen khi nhiều lần bị rơi vào diện kiểm soát hay hạn chế giao dịch do những lần chậm công bố thông tin theo quy định. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tâm lý đến nhà đầu tư và làm cho cổ phiếu AGF mất giá dần.
Bỏ qua những ngổn ngang của năm cũ, AGF đang mong chờ bức tranh tươi sáng cho tương lai. Điều tốt lành là thị trường năm 2019 được đánh giá tích cực với ngành thủy sản khi các mức thuế chống bán phá giá vào Mỹ đều giảm mạnh. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại tiếp tục là cơ hội đối với thủy sản Việt Nam tại 2 thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc.
Với kết quả kinh doanh có khởi sắc cùng những diễn biến tốt cho ngành thủy sản, AGF sẽ vựt dậy bằng chính sức mình? Hay kịch bản “anh hùng cứu mỹ nhân” năm 2008 xảy ra lần nữa…
Phương Nguyễn
FILI
|