Thứ Sáu, 01/03/2019 15:57

7,5 và 3 triệu tỉ đồng

Quy mô 3 triệu tỉ đồng thoạt nhìn tưởng to, nhưng thực chất một tỷ trọng rất lớn của 3 triệu tỉ đồng kia vẫn nằm trên... giấy.

Phát biểu trong hội nghị ngành chứng khoán tuần trước, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cập nhật số liệu mới: hiện tổng tín dụng cấp qua kênh ngân hàng đã xấp xỉ 7,5 triệu tỉ đồng, tương đương 130% GDP, trong khi quy mô thị trường chứng khoán mới đạt khoảng 3 triệu tỉ đồng.

Quy mô 3 triệu tỉ đồng ấy thoạt nhìn tưởng to, nhưng thực chất tác dụng và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế lại không phải như vậy. Khoảng 7,5 triệu tỉ đồng tín dụng của ngân hàng là con số thực, là số đã và đang cho vay, tiền đã tới tay người vay và được sử dụng để sản xuất, kinh doanh. Còn một tỷ trọng rất lớn của 3 triệu tỉ đồng kia vẫn nằm trên... giấy. Vì sao vậy?

Đến nay đã có hơn ngàn doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên cả ba sàn. Tuy nhiên số lượng cổ phiếu bình quân có thể giao dịch của các doanh nghiệp lại quá thấp do Nhà nước và các chủ sở hữu khác không giao dịch. Chính vì thế quy mô thị trường chứng khoán “phồng” ra, nhưng quy mô thực có thể giao dịch vẫn nhỏ. Bởi thế mới có chuyện các tổ chức đầu tư quốc tế tầm cỡ, các quỹ ngoại quản lý hàng chục tỉ đô la Mỹ trở lên không vào Việt Nam. Những giao dịch của họ trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ/ngày, thì họ biết mua gì, bán gì?

Thử nhìn những blue-chips thượng hạng. Nhà nước đang sở hữu 74,8% cổ phần Vietcombank (VCB). Các cổ đông khác như Mizuho Bank nắm 15%, GIC 2,55%, đều không giao dịch hàng ngày. 7,65% là tỷ lệ cổ phần tối đa có thể mua bán hàng ngày của ngân hàng này. Với VietinBank (CTG) tỷ lệ cổ phiếu có thể giao dịch là 7,78% và với BIDV (BID) còn thấp hơn, chỉ có 4,72%. Ở Sabeco (SAB) tỷ lệ cổ phiếu có thể giao dịch cũng không khá hơn, có 10,04%; ở tập đoàn Xăng dầu Petrolimex (PLX) là gần 6,4%; ở Tổng công ty Khí (GAS) là 4,24%; ở Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là 4,6%... Tại hàng loạt tổng công ty khác tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước cao vọt, mà liệt kê ra thì tốn kém giấy mực. Ngay cả doanh nghiệp đầu đàn như Vinamilk (VNM), Nhà nước vẫn còn 36%, và một số tổ chức ngoại đầu tư lâu dài, ít giao dịch.

Bộ Tài chính chưa bao giờ công bố dữ liệu chính thức quy mô giao dịch thực của thị trường chứng khoán là bao nhiêu. Bộ phận thống kê của Hose, Hnx và các công ty chứng khoán chỉ còn cách lấy giá trị giao dịch hàng ngày của ba sàn cộng lại, rồi tính bình quân để ra lượng giao dịch thực của một năm. Ngay cả giá trị giao dịch bình quân của quí, của năm cũng khó phản ánh chính xác quy mô thị trường chứng khoán bởi nhà đầu tư nay bán mai mua. Đây là sự khác biệt với số dư cho vay của ngân hàng luôn có kỳ hạn ngắn/dài. Còn vay qua đêm, mời lên thị trường liên ngân hàng.

Những năm gần đây, Bộ Tài chính đề cập nhiều đến thị trường trái phiếu, xem đó như một kênh huy động vốn thành công. Không ai phủ nhận điều đó cả, nhưng dư luận xã hội rất tỏ tường khoảng 70-90% giá trị trái phiếu chính phủ phát hành là do các ngân hàng thương mại mua tùy từng thời điểm. Thông qua mua trái phiếu chính phủ, ngân hàng chẳng khác nào cấp tín dụng cho Kho bạc Nhà nước. Chưa kể trái phiếu phát hành được chủ yếu để đảo nợ, giảm lãi suất và gia tăng kỳ hạn. Bộ Tài chính lấy nguồn trái phiếu phát hành sau để trả cho trái phiếu đáo hạn, chứ giải ngân sử dụng trái phiếu huy động được cho đầu tư phát triển rất thấp, ít năm đạt chỉ tiêu đề ra.

Bây giờ phải nhìn thẳng vào sự thật để tháo gỡ cho thị trường vốn. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam vẫn là nguồn chính hỗ trợ GDP do thị trường vốn yếu kém và sự yếu kém chậm được cải thiện. Cơ quan quản lý ngành ngân hàng nhất quán trong lộ trình hạ thấp dần tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng quá cao không thể không mang lại rủi ro. Theo thống kê của các định chế tài chính thế giới, nếu tín dụng cứ tăng trưởng 20%/năm thì chắc chắn nền kinh tế khủng hoảng, còn tăng trưởng tín dụng 15-20%/năm thì vài năm sau là khủng hoảng. Đến nay NHNN đang tìm cách giảm dần tăng trưởng tín dụng mà vẫn đảm bảo hỗ trợ GDP nhờ sự thuận lợi của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 đã nói: “Phải chăng ngân hàng Việt Nam đang phải gánh quá sức”. “Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường tài chính còn hạn chế là khung pháp lý còn bất cập, có độ trễ so với xu hướng và sự phát triển của thị trường tài chính”, ông nhấn mạnh.

Sửa đổi Luật Chứng khoán cần phải được đẩy nhanh tốc độ và quản lý ngành chứng khoán phải chuyển mình, trước hết phát động và có kế hoạch thực hiện cụ thể năm 2020 như một năm bản lề thu hút tiền vào chứng khoán. Sự nâng hạng thị trường có khả năng diễn ra vào năm sau sẽ khó mang lại hiệu quả nếu chúng ta không chuẩn bị toàn diện ngay từ bây giờ. Nâng hạng không phải là đôi đũa thần khi mà trình độ thị trường vẫn còn lẹt đẹt ở cận biên. 

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   110 Công ty bị cảnh báo trên Hệ thống giao dịch UPCoM cho nhà đầu tư (01/03/2019)

>   01/03: Đọc gì trước giờ giao dịch?  (01/03/2019)

>   VCG sẽ mua lại 23.6 triệu cp quỹ trong 2 quý đầu năm 2019 (28/02/2019)

>   HNX bổ nhiệm tân Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành (28/02/2019)

>   Chỉ số chứng khoán chính của Hồng Kông có tên gọi là gì? (02/03/2019)

>   Hang Seng Index là chỉ số chứng khoán chính của Hồng Kông (01/03/2019)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 01/03 (01/03/2019)

>   HOSE: Quy định về điều kiện và mức giá dịch vụ giao dịch áp dụng cho Tổ chức tạo lập thị trường quỹ hoán đổi danh mục tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phô Hồ Chí Minh (28/02/2019)

>   Dệt may Huế bị xử phạt 60 triệu đồng (28/02/2019)

>   Danh hiệu cổ phiếu nào tăng mạnh nhất sàn HOSE kể từ đầu năm 2019 đến nay thuộc về cổ phiếu của CTCP Dược Hậu Giang (28/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật