Sống tối giản
Ngày càng nhiều người, nhất là người trẻ, hướng đến cuộc sống tối giản, giải phóng tinh thần khỏi những phức tạp của cuộc sống vật chất hiện đại.
Ảnh: Quý Hòa
|
Ngày Black Friday, trong lúc người người tấp nập ngược xuôi mua sắm trên những con đường trung tâm TP.HCM, buổi nói chuyện về chủ đề “Mặc tối giản” của nhà thiết kế Sĩ Hoàng vẫn chật kín người, phần nhiều là những người trẻ thuộc thế hệ millennial trở đi. Nhiều người bỗng nhận ra xu hướng tối giản khuyến khích người ta bỏ sự lệ thuộc vào vật chất, quẳng đi rất nhiều gánh nặng lâu nay họ vô tình tự đặt lên vai mình.
Phong cách tối giản (Minimalism) bắt nguồn ở châu Âu từ sau Thế chiến thứ hai. Khởi đầu từ nghệ thuật hội họa, phong cách tối giản lan sang những lĩnh vực khác như âm nhạc và kiến trúc, từ đó đi vào đời sống con người qua cách ăn mặc, ẩm thực, phong cách sống... Tại Việt Nam, tối giản được biết đến nhiều trong vài năm trở lại đây cùng với việc kết nối dễ dàng của giới trẻ. Những phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây, lối sống đơn giản của những CEO nổi tiếng thế giới, hay văn hóa ẩm thực đơn giản nhưng tinh tế của người Nhật là những tác nhân thúc đẩy lối sống tối giản trong giới trẻ và những người có tư tưởng cởi mở, đặc biệt tại thành thị.
Nhập môn của lối sống này được nhiều người nổi tiếng cho rằng, nên bắt đầu từ việc “thanh lý” căn phòng riêng. Khi mở cánh cửa của lối sống tối giản, họ thấy rằng tối giản đang là thước đo văn minh. Và theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, “sống tối giản để hạnh phúc hơn”.
Ăn
Ở phương Đông, người Nhật là bậc thầy về phong cách tối giản. Kiến trúc tối giản có sự tương đồng giữa văn hóa truyền thống và Thiền tông Nhật. Kiến trúc tối giản hướng đến bản chất của kiến trúc là không gian, đề cao bản chất của không gian và vật liệu. Chính vì vậy, kiến trúc tối giản hòa nhập với văn hóa truyền thống Nhật, tạo nên không gian mang tính thiền và những giá trị văn hóa mới thông qua kiến trúc.
Nền ẩm thực tại những thành phố lớn của Việt Nam như TP.HCM chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Nhật trong những năm gần đây, mà Morico là một điển hình. Từ chuỗi thương hiệu nổi tiếng về các món tráng miệng Nhật, những người chủ trẻ đã phát triển nên thương hiệu nhà hàng cà phê phong cách Nhật đương đại Morico.
Phong cách tối giản trong ẩm thực mà Morico theo đuổi ngay từ những ngày đầu tuân thủ nguyên tắc cơ bản của việc đề cao vật liệu và trình bày đơn giản. Vị ngon của từng món ăn, thức uống đến từ sự tươi ngon của chính nguyên vật liệu tạo nên chúng, trong lúc các món ăn lưu giữ vị thuần khiết đến mức có thể.
“Ăn để nuôi dưỡng tâm hồn là triết lý của Morico”, Giám đốc Marketing Nguyễn Thanh Vân đã gắn bó 8 năm với Morico bộc bạch. Họ tin rằng thức ăn có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm hồn, do đó luôn chọn những nguyên liệu tươi ngon, lành mạnh để khách hàng không chỉ được ăn ngon mà còn có tinh thần thoải mái để đón nhận cuộc sống. Tối giản không có nghĩa là đơn giản, sự khắt khe trong việc tạo ra món ăn, tác phẩm nghệ thuật ẩm thực, thể hiện trong quá trình phát triển và thử nghiệm nhiều lần trước khi ra sản phẩm mới, hay mỗi loại sốt và mứt đều được các đầu bếp tận tay chế biến từ trái cây tươi, không chứa chất bảo quản để những món tráng miệng đều giữ được hương vị tư nhiên, chân thật nhất.
Hiện nay phong cách sống tối giản đang được các bạn trẻ đón nhận, nhất là những bạn đam mê văn hóa Nhật, nhưng vẫn còn khá hạn chế. “Hy vọng rằng trong tương lai phong cách này sẽ được nhiều người chào đón hơn, khi cuộc sống ngày càng chú trọng chất lượng hơn số lượng”, Vân tâm sự.
Mặc
Đã có nhiều ví dụ về những người thành công trên thế giới, như Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Bill Gates chỉ có một phong cách ăn mặc trong suốt cuộc đời của họ. Cựu Tổng thống Barack Obama cũng chỉ mặc mỗi bộ vest xám hoặc xanh. Lý do là vì “tôi cố gắng giảm số quyết định mà mình đưa ra. Tôi không muốn ra quyết định về cái mà tôi ăn hay mặc. Bởi vì tôi có quá nhiều quyết định khác phải thực hiện... Bạn không thể trải qua hết một ngày mà bị xao nhãng bởi những thứ vặt vãnh”, ông Obama nói.
Trong giới nghệ sĩ Việt, không khó để nhận ra ca sĩ Cẩm Vân, Khánh Ly cũng trung thành với một kiểu trang phục. Không mất nhiều thời gian cho việc lựa chọn trang phục mỗi ngày, họ có nhiều thời gian thư giãn và tự do sáng tạo theo sở thích của mình, có thời gian để thực hiện những điều ưu tiên trong cuộc sống.
“Mặc tối giản để có nhiều thời gian cho bản thân, để thực hiện được những ước mơ cho sự nghiệp và đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn”, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhận xét.
Nhà thiết kế này nói thêm: “Việc sử dụng hạn chế về màu sắc là đặc trưng dễ nhận diện nhất của phong cách này”. Thông thường, có không quá 3 màu trong không gian nội thất theo phong cách tối giản, bao gồm một màu nền, một màu chủ đạo và một màu nhấn. Tương ứng như vậy trong thời trang, phong cách tối giản thường chọn màu đơn sắc với thiết kế đơn giản, thậm chí giản lược mọi chi tiết trong khi vẫn hướng đến sự thanh lịch và tinh tế.
Ngoài việc giúp cuộc sống gọn gàng và tiết kiệm hơn, cách ăn mặc tối giản nhưng lịch thiệp còn đóng góp cho việc giao tiếp hiệu quả, khi mà theo công thức của Albert Mehrabian, Giáo sư danh dự về tâm lý học của Đại học UCLA, thái độ và tác phong ảnh hưởng đến 55% thành công của cuộc tiếp xúc.
Ở
“Trong chuyện ở, tối giản chú trọng 3 yếu tố công năng sử dụng, thiết kế và thói quen sinh hoạt”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Thiết kế Nội thất CNC, nhận định. Phong cách tối giản khiến người dùng tinh gọn các món đồ dùng đang sử dụng, hạn chế số lượng tích trữ để tích hợp nhiều công năng vào cùng một sản phẩm nội thất. Việc thiết kế chỉ sử dụng các đường nét thiết kế giản đơn, các đường thẳng và khung để tạo kết cấu.
Không chỉ là một phong cách trang trí nội thất và kiến trúc, phong cách tối giản còn biểu hiện được phong cách sống của chủ nhân. Với phương châm loại bỏ những gì không cần thiết, phong cách này đòi hỏi thói quen của gia chủ như hạn chế mua sắm đồ dư thừa theo sở thích, loại bỏ các món đồ không dùng đến sau 6 tháng và có kỹ năng dọn dẹp nhà cửa khoa học. Vì vậy, “thiết kế tối giản chỉ là một khía cạnh, giữ gìn sự ngăn nắp, gọn gàng mà vẫn sống đầy đủ thư thái là một khía cạnh khác của lối sống tối giản này”, ông Hà bình luận.
Đã từng thiết kế cho một số gia đình trẻ muốn mang không gian tối giản đến với căn hộ mới của họ, ông Hà nhận thấy số lượng gia đình đến với lối sống này còn rất thấp, chỉ khoảng 1-2% khách hàng của Công ty. Các gia đình trẻ và cấp tiến, có kiến thức và thời gian nghiên cứu, xây dựng thói quen sinh hoạt kiểu tối giản là đối tượng của thiết kế theo trường phái tối giản.
Thống kê của Google Trend cho thấy xu hướng tối giản đang tăng dần theo thời gian, với mức tăng 20% so với năm 2017, thể hiện sự rối tung của cuộc sống bộn bề khiến nhiều người tìm đến phong cách tối giản để giúp cuộc sống nhẹ nhàng hơn. “Tuy xu hướng sống của xã hội hiện nay rất khó dự đoán nhưng nghệ thuật tối giản đang ngày càng được chào đón”, ông Hà nhận định.
Thanh Hằng
Nhịp cầu đầu tư
|