SBV: Doanh nghiệp FDI một thời được săn đón giờ ra sao?
CTCP Siam Brothers Việt Nam (HOSE: SBV) - ông lớn FDI chuyên sản xuất dây thừng và lưới đánh cá - từng được săn đón vào những ngày đầu niêm yết. Giờ đây, cổ phiếu của doanh nghiệp này lại đang trải qua giai đoạn "rơi" chưa có hồi kết, sau vết xe đổ của kết quả kinh doanh.
Vừa qua, ông Vimuttiratna Sawatyanon – người có liên quan của ông Veerapong Sawatyanon – Chủ tịch HĐQT Công ty đã đăng ký mua 10,000 cp SBV.
Nếu việc mua cổ phiếu được thực hiện thành công hoàn toàn, ông Vimuttiratna sẽ nắm giữ 75,530 cp sau các giao dịch, tương ứng gần 0.28% tỷ lệ sở hữu. Các giao dịch sẽ được thực hiện thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ ngày 13/02-14/03/2019.
Kể từ cuối tháng 11/2018, đây đã là đợt mua cổ phiếu SBV lần thứ ba của ông Vimuttiratna. Tuy vậy, xét về số lượng cổ phần đăng ký mỗi đợt cũng không phải là đáng kể (tổng cả 3 đợt là 20,600 cp).
Bên cạnh đó, mới vừa qua, SBV cũng đã đăng ký một đợt mua lại thỏa thuận 600,000 cp làm cổ phiếu quỹ. Tuy vậy, sau khi kết thúc thời gian đăng ký thực hiện giao dịch (04/12/2018 – 03/01/2019), Công ty không gom được bất kỳ cổ phiếu nào với lý do không thương lượng được giá cả.
Những diễn biến kể trên xảy đến trong giai đoạn lao dốc của cổ phiếu SBV, giữa bối cảnh kết quả kinh doanh của Công ty đi xuống sau nhiều năm tăng trưởng ổn định.
Khởi đầu năm 2018 với mức giá 35,500 đồng/cp, kết phiên chiều 12/02/2019, SBV đứng giá 11,500 đồng/cp, giảm gần 68% so với thời điểm đầu 2018.
Diễn biến giá cổ phiếu SBV từ khi niêm yết
Thanh khoản xét trong một năm qua của cổ phiếu SBV ở mức thấp, khối lượng giao dịch bình quân 9,353 cp/ngày. Và xét trong khoảng thời gian một tháng trở lại đây thì còn thấp hơn nữa, với khối lượng giao dịch bình quân 4,552 cp/ngày.
Kinh doanh đi xuống kể từ ngày lên sàn
Năm 2018 là bước lùi đầu tiên về doanh thu của SBV, sau một thời gian dài mà sự tăng trưởng đã trở thành điều quen thuộc đối với ông lớn ngành dây thừng và lưới đánh cá này.
Đáng nói, sự sụt giảm doanh thu diễn ra giữa giai đoạn Công ty triển khai mở rộng công suất. Theo đó, SBV đang đầu tư xây dựng nhà máy Siam Plastic số 2, với công suất thiết kế của dự án mở rộng lên đến 4,000 tấn/năm (theo Nghị quyết ngày 30/08/2018). Vào thời điểm 31/12/2018, tài sản cố định của SBV là 130 tỷ đồng và hàng tồn kho gần 116 tỷ đồng, đều tăng hơn gấp đôi so với đầu năm 2018.
2018 cũng là năm mà SBV chứng kiến cú rơi về lợi nhuận, khi lãi ròng giảm đến gần 65% so với năm trước (theo số liệu công bố mới nhất).
Quý 3-4/2018, SBV chỉ đạt các con số lợi nhuận vỏn vẹn lần lượt 3.2 tỷ và 5.6 tỷ đồng. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp quý 4/2018 của SBV giảm xuống mức thấp 30.3%, sau thời gian dài Công ty duy trì được sự tích cực đối với tỷ lệ biên lãi gộp.
Tại BCTN công bố hồi đầu năm 2018, Ban Tổng Giám đốc Công ty cũng chia sẻ rằng họ bị đè nặng bởi áp lực vì cổ đông đã “quen” một SBV có tỷ lệ lợi nhuận gộp luôn nằm trong top đầu các công ty niêm yết. Trong khi đó, cùng với những nỗi lo từ biến động giá nguyên liệu, SBV lại là cái tên chính bị cạnh tranh trên thị trường, giữ được thị phần và đảm bảo có sự tăng trưởng là điều không dễ dàng.
Giải trình cho việc lợi nhuận sau thuế quý 4/2018 giảm 86% so với cùng kỳ năm trước, SBV cho biết những nguyên nhân chính là do tăng trích lập dự phòng, tăng chi phí nguyên vật liệu, tăng lương nhân công, thị trường ngư nghiệp gặp khó khăn. Thêm vào đó, theo yêu cầu quản lý của hệ thống mới, Công ty cũng ghi nhận thêm 9.3 tỷ đồng chi phí khuyến mãi giai đoạn 2016 – 2017 vào năm 2018, và trích lập toàn bộ chi phí khuyến mãi của năm 2018.
Nỗi lo từ các khách hàng?
Một điểm đáng chú ý tại bảng cân đối của SBV là phải thu ngắn hạn khách hàng tăng mạnh trong năm vừa qua. Vào thời điểm 31/12/2018, khoản mục này ghi nhận hơn 157 tỷ đồng, tăng gần 36% so với đầu năm 2018.
Theo BCTC soát xét bán niên 2018, một phần đáng kể các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng liên quan đến Cửa hàng Ngọc Tỷ và Công ty TNHH Thương mại Nghĩa Thái. Theo thuyết minh của SBV, Ngọc Tỷ và Nghĩa Thái lần lượt thuộc sở hữu của 2 Thành viên HĐQT là bà Lê Thị Ngọc và ông Huỳnh Văn Tỷ. Kể từ ngày 07/05/2018, do đã không còn là các bên liên quan, các giao dịch giữa SBV và 2 tổ chức này đã không còn được ghi nhận tại thuyết minh của BCTC soát xét bán niên 2018 (ông Tỷ và bà Ngọc không còn là Thành viên HĐQT SBV từ ngày 07/05/2018).
Tại BCTC kiểm toán năm 2017, doanh thu mà SBV bán hàng cho 2 tổ chức kể trên lên đến hơn 261 tỷ đồng, gần một nửa doanh thu Công ty.
Vĩnh Thịnh
FILI
|