Sao đổi ngôi trong ngành xây dựng 2018
Bức tranh kinh doanh ngành xây dựng niêm yết năm 2018 đã không còn những gam màu sáng như năm trước. Bên cạnh đó, đã có sự thay đổi đáng kể trong xếp hạng lãi lỗ, thậm chí ông lớn CII bị đẩy xuống gần cuối bảng.
Năm 2018, theo báo cáo mới đây từ Bộ Xây dựng, ngành xây dựng tăng trưởng 9.2% (năm 2017 là 8.7%), cao hơn nhiều so với những dự đoán trước đó.
Mặc dù vậy, chỉ số ngành xây dựng niêm yết trong năm 2018 vẫn luôn biến động theo chiều hướng giảm và mức độ biến động không quá lớn như VN-Index.
Biến động chỉ số ngành xây dựng và VN-Index trong năm 2018
|
Theo thống kê của Vietstock, 124 doanh nghiệp xây dựng niêm yết đã tạo ra 145,141 tỷ đồng doanh thu thuần và 7,614 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2018. So với năm 2017, doanh thu thuần tăng nhẹ 3% nhưng lãi ròng giảm đến 28%. Đáng lưu ý, toàn ngành chỉ có 2 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 1,000 tỷ đồng là REE và CTD (cùng kỳ có CTD, CII, REE, VCG có lợi nhuận trên 1,000 tỷ đồng).
Trong đó, có 106 doanh nghiệp báo lãi, 14 doanh nghiệp báo lỗ, 48 doanh nghiệp có lãi tăng trưởng, 54 doanh nghiệp giảm lãi, 6 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ, 4 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi và 4 doanh nghiệp vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2018.
Ngôi vương đã đổi
Vị thế dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành năm nay đã không còn thuộc về CTD như thường lệ mà thay vào đó là CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE). Lãi ròng REE tăng gần 30% lên 1,784 tỷ đồng chủ yếu do lợi nhuận mảng kinh doanh điện tăng vượt trội so với cùng kỳ . Tính riêng trong quý 4, lợi nhuận từ mảng này đạt 303.5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 58.9 tỷ đồng nhờ vào việc hoàn nhập các khoản đầu tư trong kỳ cũng như lợi nhuận tăng cao từ các công ty liên kết như CTCP Nhiệt điện Phả Lại, CTCP Thủy điện Thác Mơ.
Với doanh thu thuần 28,561 tỷ đồng và lãi ròng 1,510 tỷ đồng, CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đã rớt xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng lãi ròng cao nhất toàn ngành năm 2018. Đây cũng là năm đầu tiên quý 4 không phải là quý có doanh thu cao nhất trong năm đối với CTD.
Ngoài ra, Công ty tiếp tục ghi nhận các khoản phải thu tăng mạnh tương tự như ở năm 2017 với 8,583 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng, tương ứng tăng hơn 41% so với đầu kỳ, kéo dòng tiền âm gần 934 tỷ đồng trong năm 2018.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng lợi nhuận trong năm 2018 với con số lãi gần 637 tỷ đồng. Trong năm 2018, tổng giá trị trúng thầu của HBC vào khoảng 18,000 tỷ đồng, riêng các dự án thuộc Vingroup đạt giá trị 3,873 tỷ đồng.
Top 10 doanh nghiệp xây dựng niêm yết đạt lãi ròng cao nhất năm 2018. Đvt: Tỷ đồng
|
CIG, SRA tăng nhưng có vững?
Xét về tương đối, CTCP COMA 18 (HOSE: CIG) là đơn vị có lãi ròng tăng trưởng cao nhất ngành với kết quả đạt được gần 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 230 triệu đồng. Tuy nhiên, kết quả cả năm này phần lớn nhờ vào lãi 16 tỷ đồng ở quý 2 do Công ty chuyển nhượng thành công bất động sản nhà máy cơ khí, 2 quý cuối năm lợi nhuận chỉ ở mức 200-300 triệu đồng.
Đơn vị này cũng cho biết thêm, do hoạt động kinh doanh bất động sản, thi công xây lắp cũng như gia công cơ khí không mang lại hiệu quả nên Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh sang lĩnh vực thi công hạ tầng khu công nghiệp và cho thuê cơ sở hạ tầng có sẵn. Tuy nhiên, thời gian đầu chuyển đổi mô hình chưa phát sinh doanh thu mà chỉ phát sinh chi phí. Riêng dự án khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương dự kiến từ năm 2022 trở đi mới có nhà đầu tư thuê.
Tính đến ngày 31/12/2018, hàng tồn kho của CIG ghi nhận trên 327 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu kỳ và chiếm 45% tổng tài sản. Bên cạnh đó, nợ phải trả của đơn vị này gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu, ghi nhận trên 517 tỷ đồng.
Không chỉ có cổ phiếu tăng trưởng nóng với tỷ lệ 394.89% trong năm 2018, kết quả kinh doanh của CTCP Sara Việt Nam (HNX: SRA) cũng bội thu khi gặt hái gần 104 tỷ đồng lãi ròng, doanh thu thuần vượt ngưỡng 392 tỷ đồng, gấp 9-10 lần kết quả đạt được so với năm liền trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất SRA có được trong 13 năm trở lại đây, kể từ năm 2006. Theo như giải trình từ phía Công ty, sở dĩ kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ vào việc Công ty đẩy mạnh hoạt động bán hàng ở các công ty con, chủ yếu là bán máy móc và thiết bị y tế.
Top 10 doanh nghiệp tăng trưởng lãi cao nhất 2018. Đvt: Tỷ đồng
|
S99, PXI thay đổi vận hạn như thế nào?
Kết niên 2018, CTCP SCI (HNX: S99) đã lấy lại được vị thế của mình với kết quả lãi ròng xấp xỉ 46 tỷ đồng. Không chỉ thoát lỗ (năm 2017 lỗ 15 tỷ đồng) mà S99 còn đạt được kỷ lục lợi nhuận từ năm 2005 đến nay.
Tổng doanh thu thuần cả năm của Công ty đạt trên 805 tỷ đồng, trong đó hợp đồng xây dựng mang về gần 747 tỷ đồng, chiếm 93% tổng nguồn thu. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng tăng mạnh, cao gấp đôi cùng kỳ với đóng góp trên 43 tỷ đồng. Trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay gần 22 tỷ đồng và lãi bán các khoản đầu tư trên 19 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2018, S99 đang nắm giữ các chứng khoán kinh doanh dài hạn gồm GEX, PCT, SDA và VTX với tổng giá trị gần 48 tỷ đồng. Trong đó, giá gốc của cổ phiếu GEX đã giảm 58% so với đầu kỳ, chỉ còn 38 tỷ đồng, dự phòng 8.3 tỷ đồng.
Sau 2 năm báo lỗ liên tiếp kể từ năm 2016, cuối cùng CTCP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (HOSE: PXI) cũng có lãi 1.8 tỷ đồng trong năm 2018 nhờ cứu cánh ở quý cuối năm. Trong quý 4/2018, giá trị khối lượng thi công tại một số công trình đã được nghiệm thu, thanh quyết toán, riêng doanh thu từ dự án 33A Đường 30/4 mang về cho Công ty hơn 387 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty cũng tiết giảm được các khoản chi phí, điển hình là giảm 85% chi phí lãi vay từ 4 tỷ đồng ở cùng kỳ về 700 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu quý 4 của PXI tăng đột biến từ 24 tỷ đồng ở cùng kỳ lên 436 tỷ đồng và từ lỗ 13 tỷ đồng ở quý 4/2017 vươn lên lãi 11.5 tỷ đồng ở quý 4/2018.
Những doanh nghiệp chuyển từ lỗ (2017) sang lãi (2018). Đvt: Tỷ đồng
|
Ông lớn CII có một năm kinh doanh tệ nhất trong 12 năm qua
CTCP Vinaconex 21 (HNX: V21) là đơn vị giảm lãi mạnh nhất với lợi nhuận cả năm chỉ được 22 triệu đồng. Doanh thu cả năm đạt trên 78 tỷ đồng, song giá vốn đã “ngốn” 82% doanh thu. Thêm vào đó, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cộng lại cũng gần 15 tỷ đồng nên với kết quả có lãi là điều ăn may đối với đơn vị này.
Nhưng điều khiến nhà đầu tư bất ngờ nhất có lẽ là CII (CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, HOSE: CII) khi doanh nghiệp này có mức lợi nhuận thấp nhất trong 12 năm qua, tính từ năm 2007. Lãi ròng năm 2018 của CII chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm mạnh 94% so với năm 2017.
Theo dự kiến trước đó, lợi nhuận từ dự án Thủ Thiêm River Park do CII hợp tác với HongKong Land có tổng vốn đầu tư hơn 9,300 tỷ đồng được ghi nhận vào quý 4/2018 sẽ đẩy CII tiến sát với kế hoạch. Bên cạnh đó, Dự án Lakeview 2 cũng được dự kiến thu đến 95% vào cuối năm 2018. Kế hoạch là vậy, kết niên 2018 CII chỉ mới thực hiện được 7% kế hoạch năm. Hiện tại, CII vẫn chưa giải trình nguyên nhân vì sao.
Tính đến ngày 31/12/2018, tổng nợ phải trả của CII ghi nhận hơn 14,480 tỷ đồng, gần gấp 2 lần vốn chủ sở hữu, trong đó tổng dư nợ vay đã hơn 10,544 tỷ đồng. Trong vay và nợ thuê tài chính dài hạn của Công ty, trái phiếu chiếm hơn 1,254 tỷ đồng.
Top 10 doanh nghiệp xây dựng niêm yết giảm lãi mạnh nhất năm 2018. Đvt: Tỷ đồng
|
PVX, MCG, PXS, PII,... là những đơn vị báo lỗ nặng nhất
Với kết quả lỗ 191 tỷ đồng trong năm 2018, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) sắp chạm đến ngưỡng lỗ lũy kế 3,600 tỷ đồng. Kịch bản kinh doanh dưới giá vốn tiếp tục lặp lại khiến PVX lỗ gộp gần 59 tỷ đồng. Tính đến cuối kỳ, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn tăng gần 20 lần lên 516 tỷ đồng (Công ty không thuyết minh khoản mục này); nợ dài hạn của Công ty cũng tăng 123% so với đầu năm lên 848 tỷ đồng.
Năm 2018 tiếp tục là một năm lỗ nặng đối với CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (HOSE: MCG) khi đơn vị này báo lỗ gần 145 tỷ đồng.
Theo giải trình của Công ty, kết quả kinh doanh 2018 đi lùi do kiểm toán yêu cầu hồi tố trích lập bổ sung dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn đối với khoản đầu tư vào công ty liên kết là CTCP Xây dựng Thủy lợi MECO Sài Gòn và dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Nếu như kết quả kiểm toán 2018 không có gì thay đổi, CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (HOSE: PPI) buộc phải hủy niêm yết do báo lỗ 3 năm liên tiếp. Tình hình kinh doanh của PPI không có sự chuyển biến, một số công trình cũ bị cắt giảm khối lượng đã làm giảm doanh thu buộc PPI không thoát khỏi kịch bản kinh doanh dưới giá vốn.
Top 10 doanh nghiệp xây dựng niêm yết lỗ nặng nhất năm 2018. Đvt: Tỷ đồng
|
Ngành xây dựng năm 2018 không có quá nhiều ưu ái cho các doanh nghiệp niêm yết trong ngành. Vì lẽ đó mà không ít doanh nghiệp có kết quả đi ngược lại kỳ vọng.
CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (HOSE: PXS) lần đầu tiên báo lỗ hơn 72 tỷ đồng trong khi đơn vị này từng lãi vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Kết quả kinh doanh của PXS thực chất đã đi lùi từ năm 2017 nhưng đến năm 2018 càng biểu hiện rõ ràng hơn.
Được biết trong quý 4/2018, các dự án tìm kiếm mới của Công ty không nhiều, đơn giá thấp, phần lớn các dự án là chuyển tiếp từ các năm trước. Trong khi đó, các dự án như Long Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt chậm triển khai nên sản lượng và doanh thu không bù đắp được chi phí.
Ngoài ra, thực trạng giá dầu xuống thấp đã tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của PXS, kéo biên lãi gộp của đơn vị này sụt giảm.
Những doanh nghiệp chuyển từ lãi (2017) sang lỗ (2018). Đvt: Tỷ đồng
|
Hiện tại vẫn còn 4 doanh nghiệp xây dựng niêm yết chưa công bố BCTC quý 4/2018 bao gồm SDE, MEC, VMI và HID.
Những doanh nghiệp chưa công bố BCTC quý 4/2018. Đvt: Tỷ đồng
|
Nguyên Ngọc
FILI
|