Những cuộc thanh tra "đình đám" trong năm 2018
Trong năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc trọng điểm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, qua đó đã thu hồi được về cho nhà nước số tiền lớn.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra ở nhiều lĩnh vực, được người dân đặc biệt quan tâm. Các kết luận thanh tra do cơ quan này ban hành đã gây "nóng" dư luận, nhiều vụ việc sau đó cơ quan công an đã khởi tố, điều tra.
TTCP đã kiến nghị xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc trọng điểm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, qua đó đã thu hồi được về cho nhà nước số tiền lớn.
Thương vụ MobiFone mua AVG
Trung tuần tháng 3-2018, TTCP đã công khai kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Đầu năm 2016, dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG được tiết lộ, tuy nhiên số tiền không được nhắc tới. Thời điểm đó Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đề nghị Bộ Công an đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật - trái với các quy định hiện hành.
Gần 2 năm sau, đầu tháng 3-2018, nội dung của hợp đồng này mới dần được biết đến khi bị Ban Bí thư đánh giá là "nghiêm trọng" và đề nghị các đơn vị liên quan sớm làm rõ để công khai.
MobiFone đã thu hồi toàn bộ số tiền trong thương vụ mua AVG
Kết luận của TTCP thời điểm đó đã chỉ rõ các vi phạm, khuyết điểm của các đơn vị, cá nhân liên quan như MobiFone, Bộ TT-TT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ...
Đến ngày 10-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220 Bộ luật Hình sự 2015) xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan.
Cùng ngày, cơ quan điều tra đã thực thi lệnh khởi tố bị can, bắt và khám nhà ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc MobiFone và ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ TT-TT).
Liên quan đến thương vụ mua bán này, ông Nguyễn Bắc Son đã bị cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2011 - 2016, xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2011 -2016.
Ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch HĐTV MobiFone, bị khởi tố vào tháng 7-2018
Đối với ông Trương Minh Tuấn, ngày 12-7-2018, Bộ Chính trị đã họp xem xét, thi hành kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ TT-TT đối với ông Tuấn.
Đáng chú ý, từ cuộc thanh tra này, giữa MobiFone và AVG đã hủy bỏ hợp đồng, thu hồi toàn bộ số tiền trong thương vụ mua bán này. Theo đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần của MobiFone tại AVG. Nhà mạng đã thu hồi lại toàn bộ số tiền và hoàn trả 95% cổ phần, chấm dứt dự án này.
Tổng số tiền MobiFone đã thu lại là hơn 8.775 tỉ đồng, trong đó gồm số tiền gốc mà MobiFone đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỉ và các chi phí khác. MobiFone cũng đã trả lại 344,66 triệu cổ phần cho các cổ đông của AVG.
Kết luận "nóng" về khu đô thị Thủ Thiêm
Kết luận kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM) mà TTCP ban hành vào đầu tháng 9-2018 là vụ việc được người dân chờ đợi nhất trong năm 2018.
Theo cơ quan thanh tra, trong quá trình thực hiện đầu tư dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP HCM và các sở, ngành liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm gây ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài.
Đã xảy ra nhiều sai phạm khi thực hiện dự án Khu đô thi mới Thủ Thiêm
Kết quả kiểm tra của TTCP cho thấy khi phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 13585 ngày 16-9-1998, UBND TP HCM điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền, tăng 4,3 ha không đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
UBND TP và các cơ quan liên quan không có kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nhà tái định cư trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; việc thực hiện còn chậm, còn một số hạn chế, bất cập dẫn đến phát sinh khiếu nại về chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư. Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm trên thuộc Công ty Đo đạc Địa chính - Công trình, Sở Địa chính, UBND quận 2 và UBND TP HCM.
Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP HCM xác định cụ thể trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm như kết luận đã nêu. Từ đó thực hiện kiểm điểm, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, tái định cư; lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ… để xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời công khai, nhận trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm, dẫn đến khiếu nại kéo dài.
Lùm xùm thâu tóm đất vàng hãng phim truyện
Câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam dính nhiều lùm xùm từ năm 2017. Quá trình cổ phần hóa dính nghi án "thâu tóm" hàng loạt khu đất vàng thuộc sở hữu của hãng phim này. Ngay sau đó, hàng loạt nghệ sĩ gạo cội đã lên tiếng phản đối, cho rằng có nhóm lợi ích đứng sau vụ cổ phần hóa. Lãnh đạo Chính phủ thời điểm đó đã yêu cầu TTCP vào cuộc thanh tra toàn diện quá trình này.
Cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam dính lùm xùm thâu tóm đất vàng
Đến cuối tháng 9-2018, TTCP đã công bố kết luận thanh tra Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, chỉ ra nhiều tồn tại và khuyết điểm. TTCP kết luận Hãng phim truyện Việt Nam ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội), góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty, tổ chức chuyên nghiệp quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung (quận 1, TP HCM) sai mục đích sử dụng, trái thẩm theo Luật đất đai.
Đặc biệt, việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện, tuy nhiên chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của hãng phim.
Bán cảng Quy Nhơn "rẻ như cho không"
Trong năm 2018, TTCP cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Đây là vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm khi tài sản Nhà nước bị bán rẻ.
Cơ quan thanh tra phát hiện Bí thư Tỉnh ủy Bình Đình đã gửi văn bản "thúc" tiến độ, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn là không đúng chức năng, nhiệm vụ.
Quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn có nhiều sai phạm
TTCP cũng chỉ rõ các vi phạm liên quan của Bộ GTVT trong việc thực hiện cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. TTCP phát hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn; việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp và giá trị cổ phần đã có những khuyết điểm, vi phạm.
Trước những khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước vì Bộ GTVT đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền.
Trong một cuộc họp về công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến bài học cổ phần hóa cảng Quy Nhơn và khẳng định việc bán cảng này "rẻ như cho không".
Thanh tra nhiều lĩnh vực "nóng" trong năm 2019
Theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019 của TTCP, cơ quan này sẽ tiến hành 18 cuộc thanh tra, trong đó có 14 cuộc chính thức và 4 cuộc dự phòng. Kế hoạch này không bao gồm thanh tra các vụ việc khác do Thủ tướng giao, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo.
Cụ thể, TTCP sẽ thanh tra việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (bao gồm sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn…) tại Bộ GTVT và Bộ Xây dựng. TTCP cũng sẽ thanh tra việc quản lý tài sản công và nhà đất tại Bộ Tài chính.
Liên quan đến việc quản lý nhà nước về đất đai, TTCP sẽ thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý đất đai và đầu tư xây dựng tại UBND các tỉnh: Ninh Thuận, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế...
Cũng trong năm 2019, TTCP dự kiến thực hiện nhiều cuộc thanh tra chuyên đề đối với những ngành, lĩnh vực mà dư luận xã hội có phản ánh tiêu cực, gây bức xúc, gồm: Thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc tại Bộ Y tế, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và một số bệnh viện trọng điểm...
Trong năm 2019, TTCP sẽ tăng cường thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực, tập trung những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh khi cần thiết.
|
Minh Chiến
Người Lao động
|