Nhịp đập Thị trường 21/02: Khối ngoại đang dẫn chúng ta đi
VN-Index có một cái kết cuối phiên điên rồ, không thể dự báo được. Chỉ số chính của TTCK Việt Nam đi ngang trong hầu hết phiên chiều, nhưng đến ATC thì tăng dựng đứng thêm 9 điểm. tổng cộng VN-Index tăng gần 17 điểm so với ngày hôm qua.
VN30 là động cơ đẩy chỉ số này. Thậm chí, đi sâu vào nhóm VN30, có thể thấy dấu vết giao dịch của khối ngoại, tức là họ có lẽ chính là nhân tố đẩy giá cổ phiếu. Khối ngoại đang dẫn dắt thị trường, dù chỉ tập trung vào một số mã vốn hóa lớn. 2 chỉ số phụ nhóm Mid Cap và Small Cap của chính sàn HOSE này đều giảm trong ít nhất nửa thời gian phiên chiều.
Điểm thú vị nữa trên sàn HOSE là VN-Index tăng mạnh, nhưng nhìn chung số cổ phiếu giảm giá lại nhiều hơn hẳn số tăng giá. Chỉ có nhóm VN30, số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 3 số giảm giá.
Khối ngoại giải ngân mạnh trong ngày hôm nay, có lẽ chủ yếu đến từ ETF. Trên HOSE, các mã được họ mua ròng mạnh là HPG, SSI, STB, VRE… và tất cả đều tăng giá. Tuy nhiên cũng có mã họ bán ròng mạnh, ví dụ như CTG, VJC hay EIB. Nhìn chung, khối ngoại tích cực mua bán ở cả 2 hướng mua và bán, ví dụ như MSN, VHM, VIC hay VRE.
HNX-Index giảm còn UPCoM-Index xập xình bất chấp sàn HOSE soi bóng. Lý do có lẽ đơn giản, HNX và UPCoM thiếu những mã bùng nổ như các mã trong VN30. VCS tăng trở lại, VCG và VGC tăng khá… nhưng HNX-Index vẫn chịu sức ép từ DBC, NTP…
2 mã VRE và VHM lại náo loạn sàn HOSE, nhất là VHM khi chỉ tăng trần vào đúng đợt ATC. Khối ngoại mua ròng ở đây và có lẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy giá cổ phiếu.
Nhóm dầu khí diễn ra phân hóa trong phiên chiều, cụ thể số mã giảm giá tăng lên. GAS tăng giá trở lại sau khi lình xình quanh tham chiếu. PVD, PVS vẫn tăng, PGS thậm chí tăng tới 7%, nhưng ngược lại BSR, DPM, PGD, PVT… lại giảm giá.
Hôm nay là phiên GD cuối cùng của hợp đồng Vn30F1902, và lượng GD chỉ đạt chừng 37.800 hợp đồng. quan trọng hơn là giá hợp đồng thấp hơn chỉ số Vn30. Thậm chí giá Hợp đồng tháng kế tiếp, vốn sẽ trở thành đích giao dịch chính từ ngày mai, là VN30F1903, cũng thấp hơn điểm số Vn30 đến 16 điểm. Phải chăng đây là dấu hiệu dự báo phiên điều chỉnh sẽ đến vào ngày mai, hay NĐT sẽ phải sửa sai cho hợp đồng này?
Phiên sáng: Đà tăng tập trung vào nhóm vốn hóa lớn
VN-Index sau khi đi ngang thì lại tiếp đà tăng, với lực đẩy từ VN30. Cuối phiên sáng, hai chỉ số này đứng ở 977.65 và 917.33 điểm, tăng tương ứng 0.76% và 0.61%. Chỉ số hai nhóm Mid Cap và Small Cap sàn HOSE thì không hề được như thế, cho thấy tâm điểm sáng nay vẫn chỉ loanh quanh nhóm vốn hóa lớn. Số cổ phiếu giảm giá trên HOSE vẫn nhiều hơn số tăng, nhưng ở nhóm VN30 thì ngược lại. Chỉ số tăng, bứt khỏi ngưỡng kháng cự dễ dàng, nhưng có vẻ như không “phân bố” đều cho các mã.
Thị trường tiếp tục đón nhận tin tốt từ cuộc chiến Mỹ - Trung, cụ thể theo Reuters, hai phái đoàn Mỹ & Trung quốc đã bắt đầu phác thảo những cam kết mang tính nguyên tắc để giải quyết bế tắc trong cuộc xung đột thương mại này. Nếu tiến triển tích cực kéo dài, rõ ràng chứng khoán toàn cầu lẫn Việt Nam sẽ hưởng lợi. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao chỉ số VN-Index tăng trở lại cuối phiên sáng nay.
Chỉ số hai sàn HNX và UPCoM cho thấy diễn biến kém “đẹp” hơn so với sàn HOSE. HNX-Index thậm chí còn rơi xuống dưới tham chiếu, do chịu sức nặng từ VNR, DBC, PVI, VCS hay cả ACB. UPCoM-Index tuy cũng từng rơi xuống dưới tham chiếu vào giữa phiên, nhưng đã gượng lại một chút và hiện cao hơn tham chiếu chừng 0.2%.
Ở góc độ ngành, bất động sản đang cho thấy nhiều diễn biến tích cực nhất. Bên cạnh gia đình Vingroup, nhiều tên tuổi như DXG,HDG, SJS, VCG, NLG, IJC, NTL… đều tăng giá sáng nay.
VHM sau 2 phiên tăng mạnh thì hiện dao động quanh tham chiếu, tuy vậy 2 thành viên cùng “gia đình” là VIC và nhất VRE lại tiếp tục bứt phá đi lên. Lượng khớp lệnh VRE sáng nay đã chính thức vượt cả ngày hôm qua.
VNM lại bứt lên kể từ giữa phiên sáng, hiện tăng hơn 3%. Khối ngoại mua lẫn bán khá tích cực sáng nay, và tổng thể là mua ròng. Có lẽ thông tin nâng hạng TTCK cũng tác động tốt lên tâm lý người mua VNM.
Khối ngoại tích cực mua bán trên HOSE, nhất là nhóm VN30. Các mã được họ chọn sáng nay là HPG, SSI, MSN, STB, VRE, VCB… và hầu hết các mã mua ròng đó cũng tăng giá. Ở chiều bán ròng, bất ngờ nhất là họ bán GAS, may thay cổ phiếu này lại tăng giá nhẹ. VJC cũng là mã bị họ bán ròng hơi khó hiểu.
10h30: "Trên đỉnh Phù Vân"
VN-Index hiện tại tăng hơn 0.4%, nhưng thực tế gần như là đi ngang sau ATO. VN30 tăng nhẹ hơn một chút so với chỉ số chính, nhưng rõ ràng là trụ đỡ quan trọng nhất, bởi VN30 “sở hữu” nhưng mã đang hot hiện nay như VIC, VHM, VNM hay MSN. Tổng số cổ phiếu giảm giá trên HOSE lẫn VN30 đã vượt số tăng giá, cho thấy nguy cơ điều chỉnh lại hiện hữu. Tuy nhiên, với diễn biến thông tin thuận lợi, bán khi điều chỉnh có khi lại trở thành bán hớ, điều vốn đã xảy ra trong vài phiên vừa qua..
Sàn HNX đang có dấu hiệu lui. Chỉ số HNX-Index bắt đầu cho thấy tốc độ giảm về tham chiếu tăng dần, sau khi cũng tăng ATO. Cổ phiếu dầu khí vẫn là lực đỡ cho chỉ số, nhưng ACB, SHB đã quay lại tham chiếu sau khi đã tăng đầu phiên. VNR vẫn giảm gần 6%.
Cổ phiếu “họ Vin” tiếp tục đỡ chỉ số, lần này là VRE. VHM đầu phiên giảm nhẹ, nhưng đã quay lại tham chiếu. VIC tiếp tục tăng gần 1.5%, tiếp đà bứt phá kể từ đầu tháng 2 này.
Nhóm ngân hàng vẫn duy trì trạng thái mong manh từ đầu phiên, với đa số mã đang chuyển nhẹ sang sắc đỏ. Tích cực nhất vẫn là LPB với kỳ vọng chuyển sàn. VIB cũng tăng 1% không rõ có nhờ sự lan tỏa từ LPB? Giảm mạnh nhất là EIB (-2%) kéo dài số phiên… điều chỉnh.
VJC tiếp đà lao dốc khó hiểu kể từ đầu tháng này. Sáng nay VJC giảm 1.5% về 118,000 đ/cp, với yếu tố khối ngoại bán ròng hơn 250,000 cp, chiếm hơn 50% tổng lượng khớp. Ngược lại, đối thủ HVN đang có 1 phiên hồi 1.6% cũng sau những phiên dài duy trì nến đỏ.
Trong nhóm chứng khoán, MBS bất ngờ tăng giá gần 7.5%. HCM vẫn giữ đà tăng khá gần 3.5%. Tuy vậy những cổ phiếu khác thì không được như thế. Ảnh hưởng tâm lý từ những thông tin trên sàn phái sinh có lẽ vẫn đang “ám” nhóm này.
Khối ngoại vẫn giao dịch tích cực trên thị trường, nhất là nhóm Large Cap. Họ bán ròng khá mạnh ở GAS, VJC… nhưng vẫn mua tốt ở MSN, HPG, BID, STB, VCB, PVD…
VCG tiếp tục tăng 2.6% lên 27,700 đ/cp, quay trở lại đỉnh giá cách đây gần… 10 năm. VCG có lẽ là cổ phiếu hiếm tăng giá mạnh sau khi Nhà nước thoái vốn.
Dù giao dịch có vẻ giảm, nhưng tổng lượng IO trên hợp đồng tương lai 1 tháng vẫn ở mức khá cao. Điều này có lẽ do quy định áp phí mới của VSD và HNX chưa có hiệu lực.
Mở cửa: Tăng không cần điều chỉnh
VN-Index tiếp tục mở cửa tăng hơn 2 điểm, bất chấp nhiều gợi ý rằng chỉ số đáng ra phải điều chỉnh. Chỉ số này đã tăng 4 phiên liên tiếp, tính cả sáng nay, và nếu bỏ qua phiên giảm nhẹ 15/02 thì tăng 8 phiên liên tiếp. Có vẻ như thị trường không cần phiên điều chỉnh. VN30 vẫn là động lực kéo chỉ số, nhưng sáng nay VHM đã “chấp nhận” giảm nhẹ. Thay vào đó là MSN.
Chỉ số sàn HNX sáng nay tăng điểm ngang với HOSE, dù mấy phiên trước đây kém tích cực hơn do thiếu cổ phiếu đủ “hấp dẫn” các ETF ngoại tiềm năng (nếu VN được nâng hạng). ACB, SHB, PVS, PVI là các mã vốn hóa lớn tăng giá của sàn này.
Các nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, dầu khí nhìn chung khá tích cực. Nhiều mã ngân hàng tăng giá nhẹ, nhưng có vẻ như sức hấp dẫn đang nguội bớt. Chỉ có LPB tăng hơn 3% nhờ kỳ vọng chuyển sàn. Đối với nhóm dầu khí, dù GAS đứng giá, nhưng PVD, PVS, POW và một số mã nhỏ hơn tăng giá, nhất là PGS tăng gần 8%.
Nhóm bảo hiểm bất ngờ có nhiều mã giảm, nhất là VNR giảm đến gần 6%. Chỉ có mỗi PVI tăng nhẹ 1,2% sau ATO.
Nhóm chứng khoán có vẻ chưa quay trở lại đường đua, sau tác động tâm lý đến từ sàn phái sinh, cụ thể là việc HNX và VSD áp phí. VND sáng nay tăng nhẹ hơn 0.8% nhưng vẫn chỉ coi là đi ngang tuần qua. SSI tương tự, riêng HCM bất ngờ tăng mạnh hơn 5% dù khối ngoại bán ròng.
Hoàng Nam
FILI
|