Nhà băng nào mở rộng mạng lưới nhiều nhất năm 2018?
Để tạo ra lợi nhuận, ngoại trừ kinh doanh hiệu quả, mở rộng mạng lưới, tăng thêm điểm giao dịch luôn là một trong những chỉ tiêu mà các nhà băng dùng để đo lường giá trị thương hiệu.
Tính trên 21 ngân hàng cập nhật được, trong năm 2018, số lượng điểm giao dịch tăng nhiều nhất là LienVietPostBank (LPB), tăng thêm 161 điểm giao dịch. LPB lại tăng thêm 3 chi nhánh và 158 phòng giao dịch trong năm 2018. Đây được xem là số lượng mở nhiều nhất, nâng tổng số điểm giao dịch của LPB lên 388, đó là chưa kể đến 1,398 phòng giao dịch bưu điện đang hoạt động.
Cách xa anh bạn về nhất, tuy chỉ tăng thêm 45 điểm giao dịch nhưng HDBank (HDB) vẫn giành nhì bảng. Cụ thể, HDB đã mở thêm 5 chi nhánh và 40 phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch lên 285 điểm.
Xếp sau đó là BIDV (BID), và KienLongBank (KLB) mở thêm 17 điểm giao dịch; Sacombank (STB) mở thêm 14 điểm giao dịch; Vietbank và TPBank (TPB) cùng mở thêm 11 điểm giao dịch. Các nhà băng như MSB, BAB, OCB, VPB, VCB, ACB, TCB và VIB mở thêm nhưng với số lượng nhỏ từ 1 – 9 điểm giao dịch.
Thậm chí một số nhà băng còn đóng cửa bớt chi nhánh, phòng giao dịch. Số lượng giảm nhiều nhất là MBB khi đóng cửa 86 điểm giao dịch. Trong đó, MBB tăng thêm 5 chi nhánh nhưng lại giảm bớt 91 phòng giao dịch; kéo theo tổng số điểm giao dịch năm 2018 chỉ còn 198 điểm.
Xét về tổng số điểm giao dịch, hiện tại, BIDV (BID) đang dẫn đầu với 1,062 điểm, mặc dù trong năm nay đã đóng cửa một phòng giao dịch. Sau đó là Sacombank với 566 điểm, các nhà băng “tư nhân” còn lại như LPB, ACB và TCB dao động từ 300 - 400 điểm giao dịch; HDB, MSB, VPB, EIB từ 200 – 300 điểm giao dịch.
Trong khi đó, dường như các ông lớn “Nhà nước” lại chẳng mặn mà đến chuyện mở rộng chi nhánh, chỉ có VCB mở thêm 5 chi nhánh nâng tổng số điểm giao dịch lên 106 điểm, còn lại CTG không mở thêm mà còn giảm 2 điểm giao dịch, duy trì với con số 157 điểm giao dịch.
Biểu đồ điểm giao dịch tăng thêm của các ngân hàng tính đến 31/12/2018
|
Với số điểm giao dịch tăng thêm, các nhà băng cũng đã làm tăng thêm số lượng nhân viên đang làm việc. Tính trong năm 2018, VPB đang dẫn đầu với 2,239 nhân viên mới, đồng thời đây cũng là nhà băng đang dẫn đầu về số lượng nhân viên với 26,065 người. Tiếp sau đó là OCB và MBB, khi tăng lần lượt 1,812 người và 1,457 người. TCB cũng tăng thêm 1,429 nhân viên mới trong năm, đưa tổng số nhân viên đang hiện hữu lên 9,757 người. Các ngân hàng cổ phần như LPB, TCB, ACB, SCB tăng thêm trên 500 nhân viên trong năm 2018. Các nhà băng còn lại tăng với số lượng từ 100 – 300 nhân viên. Chỉ duy nhất PGBank đi ngược xu hướng, không tăng mà còn giảm 74 nhân viên.
Nếu xét về tổng số lượng nhân viên, ngoại trừ VPB đang dẫn đầu như đã nói ở trên, xếp sau đó là 2 anh cả “Nhà nước” BID và CTG lần lượt với 25,529 người và 23,836 người. Mở thêm 14 chi nhánh nhưng chỉ tăng thêm 283 nhân viên, STB hiện đang đứng thứ 4 với 18,818 nhân viên, trên cả “anh lớn” VCB là 17,216 người.
Những nhà băng cổ phần ở ngay sau đó với số lượng trên 10,000 nhân viên như MBB (14,551 người), HDB (13,888 người) và ACB (10,951 người). Các nhà băng còn lại cũng hoạt động với số lượng nhân viên từ 5,000 – 9,000 nhân viên như TCB, LPB, SCB, OCB…
Ngoại trừ, một số nhà băng trụ ở chiếu dưới với con số khiêm tốn hơn như SGB (1,429 người), PGBank (1,546 người), Vietbank (1,917 người)…
Số lượng nhân viên tại các ngân hàng tính đến 31/12/2018
|
Với số lượng điểm giao dịch tăng thêm cũng như số nhân viên mới, chỉ một phần nào phản ánh việc mở rộng phạm vi hoạt động của các nhà băng. Để biết được đâu mới là nhà băng kinh doanh giỏi nhất, đâu là ngân hàng có nhân viên làm việc hiệu quả nhất, còn phải chờ kết quả lợi nhuận và nhiều yếu tố khác chi phối.
Cát Lam
FILI
|