New Zealand lo bị Trung Quốc trả đũa vì vụ Huawei
Một chuỗi sự việc gần đây làm dấy lên nỗi lo rằng Trung Quốc đang trở nên “lạnh nhạt” với New Zealand...
Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern - Ảnh: Getty/Bloomberg.
|
Khi một chuyến bay của hãng hàng không Air New Zealand tới Thượng Hải bị buộc phải chuyển hướng hồi đầu tháng này, nhiều người không mấy bận tâm và cho rằng đó chỉ là một sự cố nho nhỏ do lỗi tài liệu.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, đây là sự việc đầu tiên trong một chuỗi sự việc làm dấy lên nỗi lo rằng Trung Quốc đang trở nên "lạnh nhạt" với New Zealand sau khi nước này ban lệnh cấm sử dụng thiết bị của tập đoàn Huawei trong các mạng viễn thông thế hệ tiếp theo (5G).
Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, phủ nhận có bất kỳ xích mích nào với Trung Quốc, phe đối lập của nước này đang kêu gọi Chính phủ của bà Ardern cải thiện quan hệ với Bắc Kinh để tránh xảy ra những hệ quả tiêu cực về mặt kinh tế.
"Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc có trị giá hơn 27 tỷ Đôla New Zealand về thương mại hai chiều", phát ngôn viên về đối ngoại của Đảng Quốc gia đối lập Todd McClay viết trong một bài chuyên mục đăng trên tờ New Zealand Herald hôm Chủ nhật. "Nguy cơ quan hệ với Trung Quốc xấu đi là một rủi ro lớn. Điều đó làm suy giảm sự chắc chắn trong nền kinh tế và tạo ra bấp bênh cho các nhà xuất khẩu và các công ty du lịch của chúng ta".
Theo Bloomberg, bất kỳ sự lạnh đi nào trong mối quan hệ New Zealand-Trung Quốc cũng có thể gây ảnh hưởng sâu rộng trong nền kinh tế của quốc gia Nam Thái Bình Dương vốn đang trong quá trình đàm phán nâng cấp thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với Bắc Kinh. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand, chiếm 1/4 tổng kim ngạch ngoại thương của nước này. Cùng với đó, lượng du khách Trung Quốc tăng mạnh đã giúp đưa ngành du lịch New Zealand trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho xứ kiwi.
New Zealand - quốc gia thành viên của liên minh tình báo "Five Eyes" (tạm dịch: "Năm mắt"), cùng với Mỹ, Australia, Canada, và Anh - không phải là nước đầu tiên có nguy cơ đương đầu với sự đáp trả từ Trung Quốc liên quan đến Huawei.
Kể từ khi Canada bắt Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu của Huawei theo đề nghị của Mỹ hồi tháng 12, Trung Quốc đã bắt hai công dân Canada và tuyên án tử hình một người Canada đã bị bắt trước đó vì tội buôn lậu ma túy. Ở Australia, các nhà xuất khẩu thịt bò và rượu vang phàn nàn về thủ tục hải quan bị trì hoãn khi hàng vào Trung Quốc, sau khi Canberra cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động chính trị và truyền thông Australia.
Sự không hài lòng của Trung Quốc với New Zealand có thể xuất phát từ việc Chính phủ của bà Ardern hồi tháng 11 năm ngoái cấm Huawei cung cấp thiết bị 5G cho các nhà mạng viễn thông của nước này. Động thái của New Zealand diễn ra sau hành động tương tự của Australia, và được cho là dưới sức ép của Mỹ. New Zealand nói công nghệ 5G của Huawei đặt ra rủi ro về an ninh quốc gia, và đánh giá này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh từ phía Trung Quốc.
Trước đó, hồi tháng 6, một tài liệu về chiến lược quốc phòng của New Zealand nhận định rằng ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương là một mối quan ngại.
Đầu tháng 2 này, Air New Zealand, một hãng hàng không do Chính phủ New Zealand nắm quyền kiểm soát, buộc phải chuyển hướng. Nguyên nhân của vụ việc được cho là xuất phát từ một tài liệu có đề cập đến Đài Loan.
Nhưng chỉ vài ngày sau, các dấu hiệu khác của mối quan hệ song phương xấu đi đã xuất hiện.
Lễ phát động năm du lịch New Zealand 2019 của Trung Quốc ở Wellington bị hoãn vì các quan chức cấp cao của Trung Quốc không thể tham dự. Công ty xuất khẩu hải sản Sanford cho biết nhiều lô hàng cá hồi tươi sống của nước này bị hoãn thông quan vào Trung Quốc. Một tờ báo Trung Quốc nói nhiều du khách nước này đang hủy tour đi New Zealand do lệnh cấm đối với Huawei và quan hệ chính trị căng thẳng.
Một chuyến thăm Bắc Kinh đã được lên lịch từ trước của bà Ardern để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bị hoãn lại.
"Những sự việc xảy ra đồng thời dẫn tới cảm giác như Trung Quốc đang không vui với New Zealand", giảng viên cấp cao về chính trị và quan hệ quốc tế Stephen Noakes thuộc Đại học Auckland nhận xét.
Ông Noakes cho rằng chưa thể kết luận chắc chắn rằng Trung Quốc có "lạnh nhạt" với New Zealand hay không, nhưng nếu điều đó là thật, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn.
"Quan hệ Canada-Trung Quốc đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Nhưng tôi không cho rằng New Zealand cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Chúng ta mới chỉ đang đồn đoán rằng mối quan hệ không được tốt đẹp như tuần trước mà thôi", ông nói.
AN HUY
VNECONOMY
|