Chủ Nhật, 03/02/2019 19:00

Năm Mậu Tuất  - Lãnh đạo “ngã ngựa”, cổ phiếu có lao đao?

2018 có lẽ là năm ghi nhận nhiều cú “ngã ngựa” nhất từ trước đến nay của các vị lãnh đạo, từ các cơ quan Nhà nước cho tới doanh nghiệp, vì những sai phạm của… quá khứ. Điều đáng nói, trong số những vị lãnh đạo đó, có không ít người đang tại vị tại các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Và lẽ tất nhiên, cổ phiếu của các công ty nói trên đã phản ứng mạnh trước những thông tin tiêu cực này.

Từ PVD

Gần đây nhất, tháng 12/2018, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) – ông Đỗ Văn Khạnh (sinh năm 1961, là tiến sĩ địa chất dầu khí) bị bắt để điều tra về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Khạnh là diễn biến mới nhất trong quá trình cơ quan công an điều tra mở rộng giai đoạn 2 đại án Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) vì liên quan đến số tiền PVEP nhận chi lãi ngoài từ OceanBank.

Theo lời khai của bị án Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank và các đồng phạm, cũng như tài liệu điều tra thể hiện, Ngân hàng này đã chi lãi ngoài cho PVEP số tiền 76.5 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định việc nhận, sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất tại PVEP là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu thỏa thuận, móc ngoặc giữa lãnh đạo PVEP với lãnh đạo OceanBank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt, phạm vào tội "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

Liên quan đến việc nhận chi lãi ngoài từ OceanBank, ngày 10/12/2018, Cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam ông Trương Văn Tuyến - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và ông Phạm Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC).

Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm đại án OceanBank, Hội đồng xét xử tuyên y án bị cáo Hà Văn Thắm mức án chung thân, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc OceanBank) mức án tử hình về các tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Bản án cáo buộc ông Thắm, ông Sơn cùng các đồng phạm đã có nhiều sai phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng và gây thiệt hại OceanBank gần 2,000 tỷ đồng.

Trở lại với ông Khạnh, điều đáng nói là vị này bị bắt khi đang đương nhiệm Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD). Mặc dù ông Khạnh bị bắt không liên quan đến PVD nhưng trên báo cáo tài chính, tại thời điểm 30/09/2018, PVEP đang có nợ quá hạn tại PVD số tiền hơn 185 tỷ đồng, PVD đã phải trích lập dự phòng 132 tỷ đồng.

Sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu PVD đã ít nhiều phản ứng tiêu cực khi rớt gần 11% chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua với khối lượng sang tay không hề nhỏ, bình quân hơn 2 triệu đơn vị/phiên.

PVD cũng có khá nhiều thăng trầm trong 12 tháng qua
 Nguồn: VietstockFinance

…đến BSR

Vừa mới chân ướt chân ráo IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và lên sàn UPCoM chỉ gần 1 năm nhưng không ít sóng gió đã ập đến với CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR).

Tháng 5/2018, Cơ quan Công an Điều tra (Bộ Công an) đã bắt tạm giam, khởi tố ông Nguyễn Hoài Giang (sinh năm 1968) – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh trên, cơ quan điều tra đã bắt, khởi tố ông Phạm Xuân Quang – Kế toán trưởng BSR và trước đó là ông Vũ Mạnh Tùng – Phó Tổng giám đốc BSR. Ông Giang và đồng phạm bị cáo buộc đã nhận 19 tỷ đồng tiền lãi ngoài của OceanBank với khách hàng cần "chăm sóc đặc biệt".

Đến tháng 6/2018, ông Đinh Văn Ngọc (sinh năm 1973) - nguyên Tổng giám đốc BSR - cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Việc khởi tố, bắt giam bị can này là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại BSR.  

Chưa dừng lại ở đó, “năm hạn” của BSR tiếp tục đến khi tháng 11/2018, Cục phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) vào cuộc sau các lùm xùm như hạn chế đối tác vào đàm phán, vi phạm nguyên tắc về cạnh tranh, ký kết các hợp đồng bất bình đẳng với các đối tác khác nhau, nhiều dấu hiệu tiềm ẩn tiêu cực, gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp…

Loạt scandal ập đến, cổ phiếu BSR dù chỉ mới giao dịch trên UPCoM nhưng cũng sa sút hơn 40% kể từ những ngày đầu đến nay, hiện chỉ còn quanh mốc 13,000 đồng/cp dù trước đó có nhiều thông tin về các đối tác lớn đánh tiếng muốn tham gia làm cổ đông chiến lược như tổ hợp Liên doanh Wagan, GHN Group và Masters Depot cùng với Tập đoàn Tín Thành…

Tình hình kinh doanh cũng như biến động cổ phiếu BSR trong vòng 12 tháng qua

Và cả BID

Mặc dù không còn đương nhiệm tại Ngân hàng BIDV (BID) nhưng việc ông Trần Bắc Hà (sinh năm 1956, cựu Chủ tịch) cùng hai cựu Phó tổng Trần Lục Lang (1967) và Đoàn Ánh Sáng (1961) cùng loạt giám đốc chi nhánh đều bị bắt tạm giam lại liên quan đến hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trước khi bị khởi tố, ông Trần Bắc Hà cũng bị cáo buộc có nhiều sai phạm trong đại án Phạm Công Danh, liên quan đến việc BIDV cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vay 4,700 tỷ đồng.

Mặc dù tần suất xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực dày đặc, nhưng cổ phiếu BID tính chung trong 1 năm qua vẫn ghi nhận mức tăng 18%, riêng trong quý gần đây nhất (tức thời gian có thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt) giảm hơn 9%, hiện đang quanh mức 32,000 đồng/cp.

Những đợt sóng mạnh của BID trong thời gian qua

PNJ vẫn là câu chuyện dài

Liên quan đến hoạt động của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank, DAB), tháng 6/2018, bà Nguyễn Thị Cúc (Thành viên HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là quyết định điều tra mở rộng vụ án Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại DongABank). Trong vụ án này, bà Cúc được nhắc đến với vai trò nguyên Trưởng Ban kiểm soát của DongABank. Tuy nhiên, sau khi từ nhiệm Thành viên HĐQT tại PNJ đúng 1 ngày, bà Nguyễn Thị Cúc đã bị khởi tố.

Trước đó, từ tháng 12/2016, một số cựu lãnh đạo của DongABank cũng đã bị khởi tố vì vi phạm các quy định hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có nguyên Tổng giám đốc Trần Phương Bình. Ông Bình là chồng bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ.

Liên quan đến vụ án này, Bộ Công an cũng đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần hai, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị ra cáo trạng truy tố các bị can gây thiệt hại 3,608 tỷ đồng tại nhà băng này. Trước đó, tháng 7/2018, Viện kiểm sát từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án này. Một trong số các yêu cầu của phía Viện kiểm sát là làm rõ hành vi và trách nhiệm của bà Cao Thị Ngọc Dung, cổ đông DAB, liên quan đến việc mua cổ phần DongABank và việc PNJ kinh doanh vàng tài khoản với đối tác nước ngoài từ 2008 đến 2010.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PNJ đã có nhiều phiên liên tục giảm giá kể từ sau khi thông tin khởi tố được công bố, vốn hóa thị trường “bốc hơi” gần cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung 1 năm qua, cổ phiếu PNJ đã có cú hồi nhẹ gần 5% để về lại mức 90,000 đồng/cp.

Tình hình kinh doanh và biến động cổ phiếu PNJ trong vòng 12 tháng qua

Liệu VEA có gì bất thường đằng sau?

Mặc dù chưa phải là tin xấu như những trường hợp trên, nhưng thông tin sếp Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) bất ngờ đi nước ngoài dù chưa được Bộ Công Thương cho phép cũng khiến cổ đông lao đao.

Bởi đầu năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận về việc VEAM có khoản nợ quá hạn phải thu 1,121 tỷ đồng và 264 tỷ đồng của công ty con là CTCP Vận tải và Thương mại VEAM. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân.

Tháng 11/2018, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có văn bản giới thiệu các cán bộ công an phối hợp làm việc với HĐQT VEAM trong công tác phòng, chống tội phạm kinh tế và tham nhũng; phát hiện những sơ hở, thiết sót trong chính sách, cơ chế quản lý kinh tế là nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm để đề xuất các biện pháp khắc phục, ngăn chặn kịp thời.

Do chưa có biến động tiêu cực nên cổ phiếu VEA chỉ có vài “gợn sóng” nhỏ và trên đà đi lên trong thời gian qua.

Tình hình của VEA thời gian qua

Minh An

Fili

Các tin tức khác

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 15/01 (15/01/2019)

>   Thị trường hồi phục, dòng tiền chảy vào đâu? (14/01/2019)

>   Habeco trình bày lý do vi phạm quy định công bố thông tin (14/01/2019)

>   Tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán và các cổ phiếu ngành Bất động sản năm 2019 (14/01/2019)

>   14/01: Đọc gì trước phiên giao dịch đầu tuần? (14/01/2019)

>   VCG có HĐQT và Ban Kiểm soát mới sau ĐHCĐ bất thường (12/01/2019)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu tuần 14/01 (14/01/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 11/01: Đóng cửa trong sắc xanh (11/01/2019)

>   11/01: Đọc gì trước giờ giao dịch? (11/01/2019)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 11/01 (11/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật