Hỏi cho ra lẽ vì sao Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh
Phấn đấu cật lực nhưng năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn bị hạ bậc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đốc thúc Chính phủ hỏi cho ra lẽ. Vào tháng 12 năm ngoái, lần đầu tiên diễn ra cuộc đối thoại trực tuyến về vấn đề này giữa người ở hai nửa bán cầu...
Thủ tướng đốc thúc hỏi cho ra lẽ nguyên nhân Việt Nam tụt hạng năng lượng cạnh tranh, môi trường kinh doanh.
|
Đầu cầu Việt Nam là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người cũng là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.
Ở đầu cầu Washington D.C, tại trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB), là bà Sylvia Solf, chuyên gia WB, người trực tiếp thực hiện nghiên cứu xếp hạng Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business).
Cuộc đối thoại xuyên lục địa này đã mang đến cho ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cảm nhận rất phấn chấn về khí thế của Chính phủ Việt Nam. "Dường như không còn chút khoảng cách địa lý nào, chúng tôi đối thoại rất sôi nổi, cùng bàn thảo làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh", ông Ousmane Dione hào hứng nói, "chúng tôi thấy quyết tâm cải cách và sự lắng nghe của Chính phủ Việt Nam là điều vô cùng đáng trân trọng. Mục tiêu "thăng hạng" môi trường kinh doanh của Chính phủ rất rõ ràng".
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam so sánh, với việc hỏi cho ra lẽ, cuộc đua nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cũng giống như đội tuyển bóng đá Việt Nam khi bước chân vào sân chơi châu Á, cùng với việc thôi thúc bản thân phấn đấu thì còn phải tìm hiểu các đội bóng khác, để tìm mọi giải pháp trụ hạng và vượt lên. Việt Nam chắc chắn không muốn chỉ cạnh tranh thứ hạng với các nước ASEAN hay trong khu vực châu Á về môi trường kinh doanh phải ở sân chơi toàn cầu.
Còn Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ, sau khi nhận được những trả lời về lý do tụt hạng của Việt Nam, Chính phủ nhìn nhận, "nếu không cải cách mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa thì chúng ta sẽ có nguy cơ tiếp tục tụt hậu trong ASEAN và thậm chí là tụt hậu so với chính mình".
Vào tháng 10 năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 (The Global Competitiveness Report 2018), trong đó xếp hạng Việt Nam đứng vị trí thứ 77 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng. Năm nay, 5 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng lần lượt là Mỹ, Singapore, Đức, Thụy Sỹ, Nhật Bản. Với vị trí xếp hạng này, Việt Nam đã tụt 3 bậc so với năm trước (năm trước Việt Nam xếp thứ 74/135). WB cũng công bố Bảng xếp hạng Doing Business 2018, với thứ hạng của Việt Nam là 69/190, giảm 1 bậc so với năm trước.
Cũng có những lý do khách quan dẫn đến kết quả tụt hạng của Việt Nam như việc các Báo cáo sử dụng phương pháp mới để đánh giá toàn diện các động lực của nền kinh tế toàn cầu trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không có trọng số, các yếu tố đều như nhau, nhưng Bộ trưởng Dũng nhìn nhận, "nguyên nhân chính vẫn là yếu tố chủ quan. Mặc dù chúng ta rất cố gắng, song so với cải cách của các nước trong khu vực thì không bằng, bước đi của họ dài hơn, nên chúng ta tụt hạng. Tuy chỉ số của ta vẫn cải thiện hơn năm trước, nhưng do tốc độ chậm hơn so với nhiều nước, nhất là chỉ số về mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng kết cấu hạ tầng... Kết quả đánh giá qua các năm cũng cho thấy, Việt Nam cần phải cố gắng nỗ lực nhiều nhanh hơn nữa trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt".
Để có thể bước dài hơn, ông Dũng cho biết, Chính phủ xác định rõ cải cách phải thực chất hơn, hiệu quả hơn. Cải thiện môi trường kinh doanh sẽ được đánh giá bằng thang điểm, chỉ số so sánh, cụ thể là cắt giảm được bao nhiêu ngày công, tương đương với đó là bao nhiêu tiền, chứ không phải chỉ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao. Ví dụ, các bộ, ngành phải định lượng, định hóa và biết được các lĩnh vực cải cách đang đạt chỉ số bao nhiêu, để sau này có so sánh là tăng hay xuống hạng.
Khác với các năm trước, ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2019, cùng với Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ ban hành luôn Nghị quyết 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời đổi tên Nghị quyết 19 thành Nghị quyết 02.
Giải thích về việc đổi tên 19 thành 02, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, "Nếu năm 2019, vẫn giữ theo cách làm cũ, mãi đến tháng 5 mới ban hành Nghị quyết 19 thì đầu năm chúng ta cải cách cái gì? Trong khi người dân và doanh nghiệp mong muốn cải cách phải được đốc thúc từng ngày, từng giờ". Nghị quyết 02 đặt mục tiêu phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam thuộc nhóm ASEAN 4. Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh - EoDB (của WB) trong năm 2019 tăng 5 - 7 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF) trong năm 2019 tăng 3 - 5 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) trong năm 2019 tăng 7 - 10 bậc...
Linh Tâm
VNEconomy
|