Giá tiêu thấp kỷ lục, nông dân điêu đứng khi vào vụ thu hoạch
Thời điểm sau Tết Nguyên đán, nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bước vào vụ thu hoạch rộ.
Nông dân thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
|
Tuy nhiên, giá tiêu đang xuống thấp kỷ lục, trong khi đó, giá nhân công thu hoạch tiêu tăng cao khiến nông dân điêu đứng.
Gia đình ông Nguyễn Tấn Linh, thôn Hiệp Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức có 1ha tiêu đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Vụ tiêu năm nay vườn tiêu của gia đình đạt năng suất khá cao với tổng sản lượng hơn 4 tấn. Niềm vui được mùa chưa trọn thì giá tiêu lại ở mức thấp kỷ lục, 45.000-46.000 đồng/kg.
Hiện tình trạng thiếu nhân công thu, hái tiêu diễn ra khá "nóng" trên địa bàn huyện Châu Đức. Theo ông Lê Quý Thịnh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, diện tích trồng tiêu của huyện khoảng 7.400ha; trong đó, khoảng 6.000ha đến thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến khoảng 10.000 tấn.
Năm nay, giá tiêu xuống thấp khiến nhiều người trồng tiêu thua lỗ nặng nguyên nhân bởi giá hồ tiêu thế giới giảm mạnh, lượng tiêu tồn kho trong nước và tại Bà Rịa-Vũng Tàu còn khá nhiều. Theo dự báo, giá tiêu trên địa bàn tỉnh sẽ giữ ở mức thấp trong thời gian tới.
Ông Thịnh cho biết: “Ngoài tình trạng giá xuống thấp kỷ lục, hiện trên địa bàn huyện thiếu trầm trọng lao động thu, hái tiêu thời vụ, gây khó khăn lớn đối với người trồng tiêu. Nguyên nhân bởi nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn ra các thành phố lớn, trở thành công nhân cho công ty, xí nghiệp. Việc “người người, nhà nhà trồng tiêu” khiến lượng nhân công cần trong mùa thu hoạch tiêu tăng đột biến, không đủ lao động để cung cấp."
Trước tình trạng trên, Huyện ủy huyện Châu Đức đã có văn bản 2385-V/HU ngày 13/2/2019 hỗ trợ nhân dân thu hoạch tiêu; trong đó, chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức lực lượng hỗ trợ, giúp các hộ thu hái tiêu. Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện rà soát diện tích, sản lượng và lựa chọn các hộ phù hợp, giúp thu hoạch tiêu.
Theo ông Thịnh, lượng tiêu thu hoạch giúp người dân chỉ ở mức rất nhỏ so với sản lượng tiêu của huyện Châu Đức và đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề này chỉ được giải quyết khi có giải pháp đồng bộ. Trước hết, sử dụng khoa học công nghệ, áp dụng máy móc vào sản xuất, nhất là khâu thu hoạch và chế biến được chú trọng. Vấn đề lao động nông nghiệp có xu hướng giảm mạnh, huyện đã tuyên truyền, xây dựng mô hình chuyển đổi sang các loại hình nông nghiệp đem lại hiệu quả cao nhưng tốn ít nhân công lao động.
Các xã, thị trấn được hỗ trợ thực hiện 39 mô hình thuộc 14 loại hình nông nghiệp; trong đó, tập trung vào mô hình tốn ít diện tích, nhân công lao động như trồng nấm, trồng dâu nuôi tằm, nuôi thỏ, nuôi gà trống thiến... để thay thế diện tích hồ tiêu bấp bênh. Hiện một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả tốt và thời gian tới sẽ tính đến phương án duy trì, mở rộng.
Theo khảo sát, không chỉ riêng Châu Đức khan hiếm lao động khi bước vào thu hoạch tiêu, tại các địa phương có diện tích tiêu lớn như huyện Xuyên Mộc cũng trong cảnh tương tự. Hiện giá nhân công hái tiêu tại địa bàn huyện Xuyên Mộc dao động từ 180.000-200.000 đồng.
Tuy nhiên, hầu hết các chủ vườn tiêu đều không tìm được nhân công. Nhiều vườn phải trải lưới hết 100% diện tích vườn tiêu để chờ tiêu chín rộ rụng xuống, sau đó người trồng gom hạt về. Đây là giải pháp tình thế nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cây tiêu, cây sẽ phải "vắt kiệt sức" nuôi trái, ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.
Hiện diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 13.000ha; trong đó, hơn 10.000ha đang cho thu hoạch.
Hoàng Nhị
Vietnam+
|