Fed “chấm điểm” kinh tế năm 2018 chính quyền ông Trump
Báo cáo của Fed được xem là “bảng điểm” kinh tế đối với năm tròn đầu tiên ông Trump giữ vai trò người đứng đầu Nhà Trắng...
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.
|
Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ "hụt một chút" mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3% đề ra cho năm 2018 - một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 22/2 đánh giá. Báo cáo này được xem là "bảng điểm" kinh tế đối với năm tròn đầu tiên ông Trump giữ vai trò người đứng đầu Nhà Trắng.
Theo hãng tin Reuters, bản báo cáo phản ánh đánh giá rằng chính quyền ông Trump đạt kết quả tốt xấu đan xen về phương diện kinh tế trong năm ngoái và có khả năng nền kinh tế đang đi lệch hướng. Đến cuối năm, tác dụng của chương trình cắt giảm thuế và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng khác yếu dần, thương mại gây giảm điểm tăng trưởng, và thâm hụt ngân sách liên bang lớn hơn.
Ở mặt tích cực, tình hình tạo công ăn việc làm trong nền kinh tế Mỹ vẫn diễn ra mạnh mẽ.
Fed nói rằng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ năm qua diễn ra vững vàng. Tuy vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là chỉ đạt mức tăng thấp hơn một chút so với 3% - mục tiêu mà Nhà Trắng đề ra để làm dấu mốc cho thành công của các chính sách kinh tế mà ông Trump theo đuổi.
Đầu tháng này, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói kinh tế Mỹ nhiều khả năng đạt mức tăng 3% trong 2018 và giữ được tốc độ tăng như vậy trong phần lớn thời gian của năm 2019 - một dự báo không nhận được sự đồng tình của Fed.
Ngân hàng trung ương Mỹ nói 2018 sẽ là "một sự khởi sắc đáng kể" của kinh tế Mỹ so với những năm gần đây, nhưng đồng thời cùng chỉ ra một loạt trở ngại đối với tăng trưởng, bao gồm sự sụt giảm trong chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng vào cuối năm - một xu thế có thể kéo dài sang 2019.
Số liệu GDP chính thức của Mỹ sẽ được công bố vào tuần tới, muộn hơn so với thường lệ, do ảnh hưởng của đợt đóng cửa Chính phủ kéo dài mới đây.
Ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017 và đến cuối năm đó đã tung ra một loạt chính sách kinh tế có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm chương trình giảm thuế quy mô 1,5 nghìn tỷ USD, tăng chi tiêu chính phủ, và nỗ lực thiết lập một trật tự mới cho hệ thống thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Mỹ.
Nhà Trắng nói rằng các chính sách như vậy sẽ thúc đẩy chi tiêu và đầu tư, giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, và cải thiện cán cân ngân sách thông qua việc tăng nguồn thu từ thuế nhờ tăng trưởng kinh tế để bù đắp cho chương trình giảm thuế.
Fed cho rằng những kỳ vọng này ban đầu đã trở thành hiện thực, nhưng đà tăng của nền kinh tế có vẻ đang yếu dần đi.
Theo báo cáo, sức mạnh của thị trường việc làm Mỹ là điều không thể phủ nhận. Trong nửa cuối năm 2018, bình quân mỗi tháng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm khoảng 220.000 công việc mới. Người lao động trước bỏ nỗ lực tìm việc đã quay trở lại tìm công việc mới và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống ở mọi nhóm dân số.
Tuy nhiên, đến cuối năm, người tiêu dùng Mỹ có khuynh hướng thắt chặt hầu bao và các doanh nghiệp cũng đầu tư ít đi. Cùng với đó, các kế hoạch chi tiêu của doanh nghiệp, niềm tin kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận đồng loạt yếu đi, báo hiệu một năm 2019 có thể không suôn sẻ đối với kinh tế Mỹ.
Thương mại, lĩnh vực đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm, có thể sẽ là nhân tố gây hao hụt tăng trưởng trong cả năm do xuất khẩu suy giảm và nhập khẩu thực tế có vẻ tăng bất chấp việc áp thuế quan.
Về thâm hụt ngân sách liên bang, Fed cho biết mức thâm hụt của tài khóa 2018 là 3,75% GDP, so với mức 3,4% của tài khóa trước.
An Huy
vneconomy
|