Chuyện chưa kể về tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng
Hiếm khi xuất hiện, ông chủ của Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng luôn khiến người khác tò mò về tất cả mọi thứ xung quanh ông.
Khi tôi đặt bút viết bài này, những chiếc xe máy điện VinFast Klara đang lướt trên đường phố; hàng ngàn ô tô thương hiệu Việt đã được khách hàng đặt cọc mua. Trước đó, đầu tháng 10.2018, hai mẫu ô tô đến từ Việt Nam của tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã có màn ra mắt hoành tráng ở Paris Motor Show - sân khấu lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Tháng 12.2018, điện thoại thông minh của Vingroup cũng chính thức ra mắt người tiêu dùng nội địa. Tập đoàn này cũng đang khiến dư luận phát sốt với việc đưa giải đua xe F1 danh giá thế giới về VN... sau ánh hào quang đó, có nhiều chuyện ít người biết về tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng.
Khát vọng làm đẹp cho đời
Một doanh nhân là bạn của ông Phạm Nhật Vượng thời học ở Nga và làm ăn bên Ukraine kể: Khi hoàn thành khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl tại đảo Hòn Tre, Nha Trang (Khánh Hòa), dự án đầu tiên của Tập đoàn Vingroup ở Việt Nam, Vingroup đã mời những người bạn, những doanh nhân, đối tác từ Ukraine, Nga qua Việt Nam chơi. “Gần nửa máy bay hôm đó là để chứa thực phẩm. Bởi trong suy nghĩ của họ, Việt Nam là đất nước bị chiến tranh tàn phá, nghèo, lạc hậu, nên họ mang thực phẩm đi để dự phòng”. Đó là câu chuyện của hơn 2 thập niên trước nhưng cái “suy nghĩ của họ” lại ngấm sâu vào những du học sinh Việt Nam ở Nga ngày ấy. Những ánh mắt dò hỏi, thương hại của sinh viên bản địa trước hình ảnh sinh viên Việt Nam sẵn sàng đạp tuyết, xếp hàng buôn bán vài hộp dầu sao vàng, mấy chiếc quần jeans, áo gió... đã khơi dậy trong lòng các sinh viên Việt Nam khát khao khẳng định mình. Họ khát khao được cống hiến, góp phần giúp đất nước phát triển. Rất nhiều doanh nhân từ Ukraine đã trở về trong tâm thế như vậy. “Những người bạn Nga, Ukraine hết sức bất ngờ khi thấy một resort xinh đẹp, hiện đại như Vinpearl. Họ không thể hình dung, Việt Nam đã phát triển như vậy”, vị này kể. Đoàn khách đã được đón tiếp, thết đãi nồng ấm và chu đáo. Những người bạn Việt Nam không chỉ muốn giới thiệu về một đất nước xinh đẹp, thân thiện, phát triển. Trong lòng họ còn muốn truyền đi một thông điệp, con người Việt Nam cũng giỏi giang, có thể làm được tất cả những gì mà thế giới làm được.
Ông Phạm Nhật Vượng không kể câu chuyện đó nhưng nội hàm triết lý “muốn làm đẹp cho đời” của ông lại bao hàm đầy đủ ý nghĩa đó. Ông phát triển rất nhanh các dự án bất động sản từ du lịch, trung tâm thương mại, khu đô thị... “quan trọng là làm sao cho đẹp, góp phần thay đổi bộ mặt đất nước mình một chút”. Ông miệt mài mở rộng Vinmart, Vinmart + vì xác định hệ thống phân phối là xương sống của nền kinh tế, nếu không nắm được thì hàng hóa Việt khó có chỗ đứng trên sân nhà. Ông xây dựng hệ thống trường học phi lợi nhuận để “ươm mầm tinh hoa”, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sẵn sàng cấp học bổng toàn phần cho những nhân tài của đất nước... Trong suốt quãng đường “làm đẹp cho đời” đó, ông vẫn trăn trở với khát vọng xây dựng thương hiệu Việt được thế giới thừa nhận. Một thương hiệu mà khi nhắc tới, người ta nhận diện ra Việt Nam, như Honda, Toyota, Sony... của Nhật; Samsung, Hyundai của Hàn Quốc.
Hành trình từ khách sạn đến ô tô
Ban đầu, ông Phạm Nhật Vượng chọn Vinpearl, thương hiệu bất động sản du lịch của tập đoàn, trong chiến lược đi ra thế giới. Vingroup đã quy hoạch 9 nước để “cắm cờ Việt Nam”, theo cách nói của ông Vượng, gồm Mỹ, Úc, Canada, Singapore... “Cách đây 50 - 70 năm, Sheraton, Accor cũng bắt đầu từ con số 0 thì tại sao chúng ta lại không làm”, ông nói.
Ông thừa nhận, ở các nước này, tỷ suất lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 4 - 5%, không đủ để trả lãi ngân hàng. Thế nhưng “vì thương hiệu Việt trước đã. Hiện diện ở đó có lợi cho thương hiệu của mình”, ông Vượng nói.
Kế hoạch này đã thay đổi, sản phẩm được chọn là ô tô. Nhưng trước VinFast, ông Vượng đã tính tới bánh kẹo, bia, nước ngọt. Rồi ông lại trăn trở. “Làm những sản phẩm này thì không có cửa để cho một thương hiệu đẳng cấp quốc tế được...”. Đó là thực tế. Đi sau cả thế kỷ, chen vào đã khó, đừng nói đến chuyện cạnh tranh hay định vị thương hiệu Việt trên bản đồ quốc tế. Nhưng tất cả những khó khăn không đủ sức ngăn cản khát vọng của doanh nhân đó. Tấm biển quảng cáo ô tô chạy ngang tầm mắt trên đường từ sân bay về trụ sở Vingroup sau chuyến công tác đã khiến ông nảy ra ý tưởng chọn ô tô. “Trong thời đại công nghệ, công nghiệp thay đổi chóng mặt như thế này thì đó là cửa của mình”, ông nói.
“Cửa” theo giải thích của ông Vượng là cuộc cách mạng xe điện mới bắt đầu khoảng 1 thập niên đã “vẽ lại bản đồ ngành công nghiệp xe hơi”. Mà “vẽ lại” thì cơ hội chia đều cho tất cả và ông không bỏ lỡ cơ hội đó. Khi Vingroup tuyên bố rẽ sang ô tô, thiên hạ bảo điên rồ. Cũng dễ hiểu. Giấc mơ về ngành công nghiệp ô tô đã được Việt Nam lên kế hoạch gần 3 thập niên trước nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Bỗng một ngày đẹp trời, doanh nghiệp tay ngang Vingroup tuyên bố sản xuất ô tô. Đừng đùa. Ô tô đâu phải mì gói, bia, bánh kẹo... có tiền thì nhảy vào làm. Ô tô không chỉ tiền mà rất rất nhiều tiền và rất rất nhiều yêu cầu, điều kiện khác nữa. Đúng là điên rồ. Thế nhưng từ khi tuyên bố cho tới khi hai mẫu ô tô thương hiệu Việt xuất hiện tại triển lãm lớn nhất thế giới về ô tô trong sự kinh ngạc của thế giới chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 năm. Ông Phạm Nhật Vượng đã chính thức ghi tên VinFast vào bản đồ ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Tôi đọc ở đâu đó nhận xét về ông Vượng trong thực hiện các dự án là “tốc độ không giới hạn”. Nhưng không chỉ thực thi, ông cũng là người ra quyết định cực nhanh. Nhiều đại dự án của Vingroup được quyết định trong vài tiếng đồng hồ và hiện đang là những dự án thành công. Những ai làm việc hay từng tiếp xúc với ông Vượng đều biết rõ điều đó. Nhanh và hầu hết chuẩn xác.
Năm 2017, tôi đã tham dự vài buổi ông Phạm Nhật Vượng trực tiếp đào tạo gần 1.000 lãnh đạo của tập đoàn. Ông nói về quản trị, marketing, về những sự việc điển hình xảy ra trong tập đoàn và cách xử lý... Tất cả đều súc tích, dễ hiểu và hết sức thiết thực. Cuộc đào tạo luôn được công bố trước về thời gian. Nếu là 1 giờ thì đúng boong 1 giờ, ông Vượng đứng lên. Chính xác đến từng phút. “Trước khi đào tạo, anh có soạn giáo án không?”. “Soạn chứ. Nói về marketing phải nghiên cứu cả đống sách marketing. Mình có thể nói câu chuyện thực tiễn nhưng từ chuyên môn cũng phải nói cho chuẩn. Phải làm việc một cách nghiêm túc chứ không phải đùa đâu”... Tôi hỏi ông có nghe người ta nói “ở nhà Vinhome, đi học Vinschool, khám bệnh Vinmec... hay không”. Ông bảo ông đang ăn thịt, cá, thực phẩm của các công ty khác sản xuất; sử dụng quần áo, giày dép của những doanh nghiệp khác...
Hiện Vingroup đã trở thành công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam nhưng với ông Phạm Nhật Vượng, tập đoàn này mới chỉ leo lên đỉnh đồi, phía trước vẫn còn rất nhiều núi...
Đồ họa: Duy Quang
Mai Ka
Thanh niên
|