Chứng khoán toàn cầu sẽ “thê thảm” nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế Trung Quốc?
Một tờ báo của nhà nước Trung Quốc khẳng định trong một bài báo đăng ngày thứ Ba (19/02) rằng Mỹ đang phải đối mặt với áp lực từ việc giải quyết cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, bởi vì nếu những cuộc đàm phán thất bại, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ phải gánh những hậu quả nặng nề.
Ngày thứ Ba (19/02) vừa qua, chỉ số S&P 500 tăng điểm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lần nữa nói rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn cần thêm thời gian để tìm cách giải quyết việc tăng thuế quan. Hiện tại, hạn chót tăng thuế là vào ngày 01/03/2019, và phái đoàn Trung Quốc hiện đang ở thủ đô Washington (Mỹ) để tiếp tục vòng đàm phán thương mại mới trong tuần này (18/02).
“Những tuyên bố của ông Trump đã đặt thị trường chứng khoán của Mỹ lên lò lửa, vốn đang đạt mức cao nhất trong vòng hai tháng trở lại đây, và cũng làm tăng áp lực lên ông Trump và người của ông trong việc kết thúc đàm phán với Trung Quốc”, tờ Global Times cho biết.
Ông Trump thường xuyên lấy hiệu suất tốt của thị trường chứng khoán Mỹ để làm thước đo cho thành công của ông, mặc dù ông hay giữ im lặng khi cổ phiếu Mỹ rớt giá.
Tờ Global Times trích dẫn thêm từ một chuyên gia phân tích giấu tên rằng nếu cả hai bên không đạt được thỏa thuận và người của Trump “áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng những biên pháp quyết liệt hơn” thì khi đó, “thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ phải đối mặt với một “cú chấn động””.
“Để có thể tránh “con sóng cả”, người của ông Trump có vẻ sẽ phải chịu nhiều áp lực”, tờ Global Times nhận định. “Nhìn chung, vào thời điểm cuộc đàm phán thương mại kết thúc, Mỹ và Trung Quốc sẽ có chung một tâm trạng”.
Những căng thẳng thương mại leo thang trong năm 2018 khi ông Trump quyết định áp dụng thuế quan lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi phía Bắc Kinh cũng đáp trả lại bằng lượng thuế quan lên 110 tỷ USD hàng hóa đến từ Mỹ. Những vấn đề cần giải quyết ở đây là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và những lời khiếu nại về cách mà Trung Quốc đối xử với các công ty nước ngoài. Sự mất cân bằng được cho là xuất phát từ những khoản trợ cấp làm biến dạng thị trường, việc ép phải chuyển giao các công nghệ chuyên môn và việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do Trung Quốc gây ra.
Trong cuộc họp thượng đỉnh G20 năm 2018, ông Trump đã đồng ý với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình rằng sẽ không tăng thuế quan nếu cả hai bên thống nhất được giải pháp cho những vấn đề nêu trên trong vòng 90 ngày.
Nhưng thời hạn ngày 01/03/2019 đang đến gần, vẫn chưa thấy tiến triển đáng kể nào của cuộc đàm phán được công khai.
Trong khi đó, Trung Quốc đang gặp rắc rối với nền kinh tế giảm đà tăng trưởng và có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn đến từ việc cắt giảm lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ. Ông Ting Lu, Trưởng ban Kinh tế Trung Quốc tại Nomura, phát biểu trong một báo cáo cuối tuần qua (17/02) rằng đà tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc có thể chậm lại trong tháng 3/2019, đặc biệt là khi việc “vội vã” nhập hàng trước khi thuế quan tăng dừng lại.
Chỉ số S&P 500 tăng lên đến 10.9% tính từ đầu năm tới nay, trong khi đó Shanghai Composite tăng được hơn 10%.
Trân Võ (Theo CNBC)
Fili
|