Thứ Sáu, 22/02/2019 14:11

'Chiêu lạ' của bia Sài Gòn khi về tay người Thái

Từ khi người Thái nắm phần lớn cổ phần tại Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB), hàng loạt thay đổi từ nhân sự, kinh doanh khiến nhiều người hoang mang.

Sabeco có nhiều động thái "lạ" trong hoạt động. Ngọc Dương

Hàng trăm lao động Việt nguy cơ mất việc

Công ty TNHH một thành viên thương mại Bia Sài Gòn (Satraco) vừa thông báo kết quả chào giá cạnh tranh dịch vụ vận tải đường bộ năm 2019.

Theo đó, Công ty cổ phần vận tải và giao nhận Bia Sài Gòn (Sabetran, SBC), đơn vị vận chuyển bia Sài Gòn từ trước tới nay chỉ còn được vận chuyển hàng tại các nhà máy Bia Sông Lam, Bia Nghệ An, Bia Hà Tĩnh, Bia Quảng Ngãi, Bia Quy Nhơn, Bia Đắk Lắk, Bia Nguyễn Chí Thanh, Bia Củ Chi và kho An Sương, còn các nhà máy khác thì không. Điều này khiến sản lượng thực hiện của Sabetran giảm trên 50% so với lượng thực hiện trong nhưng năm trước và nguy cơ mất việc đang khiến hàng trăm nhân viên của công ty này lo lắng.

Điều này cũng dễ hiểu. Từ một tổ xe của bia Sài Gòn, đến nay Sabetran đã trở thành công ty cổ phần với số lượng phương tiện vận tải hàng đầu với vài trăm đầu xe, trong đó có các dòng xe đầu kéo container, xe chuyên dụng (xe rồng), xe tải thùng trên 13 tấn và xe tải nhỏ. Đại diện Sabetran cho biết, là đơn vị vận chuyển các sản phẩm của Sabeco thời gian qua, công ty luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh của Sabeco. Chính vì vậy, việc bị cắt giảm sản lượng vận chuyển là "điều bất thường", làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của Sabetran. Đặc biệt điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ khiến hàng trăm lao động của công ty phải nghỉ việc.

Thực tế kể từ khi tiếp quản điều hành Sabeco từ tháng 4.2018, việc thay đổi nhân sự cấp cao cũng như ở các mảng hoạt động chủ chốt từ sản xuất, phân phối, marketing, cung ứng, logistic... đã được người Thái tiến hành hàng loạt. Điều này được cho rằng nhằm "tái cơ cấu" để tăng hiệu quả hoạt động của công ty. Tuy nhiên theo Báo cáo tài chính năm 2018, Sabeco bị sụt giảm lợi nhuận sau thuế so với năm 2017. Lũy kế cả năm, Sabeco tăng doanh thu 5% lên 36.035 tỉ đồng, trong đó tăng trưởng có doanh thu bia và bao bì vật tư, trong khi các mảng còn lại bao gồm nước giải khát, rượu… sụt giảm. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm, nhưng bù lại phát sinh thêm chi phí tài chính và giảm lãi tại công ty liên doanh - liên kết nên lợi nhuận sau thuế giảm đến 11%, chỉ còn 4.400 tỉ đồng.

Trợ giá triệt hạ "đối thủ"?

Không chỉ thay đổi nhân sự, giảm sản lượng vận chuyển khiến hàng trăm lao động của công ty vận chuyển Sabetran có khả năng mất việc, Sabeco còn muốn có hành động "dìm" thương hiệu bia Sagota.

Cụ thể trước Tết Nguyên đán 2019, một số đại lý bán bia tại khu vực miền Tây đã bày tỏ sự hoang mang khi Công ty cổ phần thương mại Bia Sài Gòn - Sông Hậu (công ty con của Sabeco) đã hỗ trợ hơn 379 triệu đồng (chưa gồm thuế VAT) cho các đại lý bán giảm giá bia Sagota của Công ty cổ phần tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây. Cụ thể, công ty này đề nghị các đại lý giảm giá bán bia Sagota Lager ra thị trường thấp hơn giá gốc đến 40.000 đồng/két. Đồng thời yêu cầu không nhập thêm bia Sagota nhằm giảm sự hiện diện của Sagota trên thị trường. Nếu điểm bán nào chấp nhận, Công ty cổ phần thương mại Bia Sài Gòn - Sông Hậu hỗ trợ phần chênh lệch. Một số nhà quan sát cho rằng đó là cách để loại đối thủ cạnh tranh và thiết lập vị thế độc quyền trên thị trường.

Đáng nói, Công ty cổ phần tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây vốn từng được xem là công ty con của Sabeco nhưng nay chỉ còn là công ty liên kết. Tỷ lệ sở hữu của Sabeco tại công ty này khoảng 22% vốn điều lệ.

Năm 2018 Sabeco đã bị sụt giảm lợi nhuận. Ngọc Dương

Thị phần của Sabeco đang dần dần sụt giảm, từ mức 46,7% vào năm 2012 thì ước tính cuối năm 2018 chỉ còn 39%. Theo Bộ Công thương, ngành bia đạt mức sản lượng tiêu thụ hơn 4,67 tỉ lít trong năm 2018, tăng 7% so với cùng kỳ. "Anh cả" Sabeco đã tăng trưởng kém hơn ngành sau hơn nhiều năm dẫn đầu.

Trong khi đó, bia Chang của tập đoàn Thaibev - cổ đông ngoại đang sở hữu cổ phần chi phối tại Sabeco - đã được đẩy mạnh để đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam thông qua những màn chào sân ấn tượng từ 2 năm qua. Tập đoàn này đã không giấu mục tiêu trong vòng 5-10 năm tới đưa bia Chang phủ kín thị trường Việt Nam. 

Thị phần của Sabeco sụt giảm sẽ là cơ hội cho các loại bia khác chen chân vào thị trường, trong đó có bia Chang của người Thái. Liệu việc giảm sản lượng, dìm đối thủ trong nước có phải là động thái để "ông chủ" mới tại Sabeco từng bước thực hiện được mục tiêu thay thế bia Việt?

Mai Phương

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   VPBS: Thông báo giấy phép điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán (thay đổi tên gọi công ty) (22/02/2019)

>   ORS: Báo cáo thường niên năm 2018 (22/02/2019)

>   PRC: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ năm 2019 (22/02/2019)

>   SAF: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (22/02/2019)

>   MCF: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (22/02/2019)

>   GEG: Nghị quyết Hội đồng quản trị (22/02/2019)

>   BOT: Nghị quyết Hội đồng quản trị (22/02/2019)

>   ABI: Nghị quyết Hội đồng quản trị (22/02/2019)

>   CKD: Báo cáo thường niên 2018 (22/02/2019)

>   GLW: Nghị quyết Hội đồng quản trị (22/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật