Cải cách hành chính phải làm triệt để
Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh muốn đột phá trong cải cách hành chính thì cán bộ phải biết bức xúc khi thấy dân đợi lâu, để từ đó tìm ra giải pháp rút ngắn thời gian một cách hiệu quả
Chiều 19-2, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2018. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Xử nghiêm cán bộ giải quyết hồ sơ trễ hạn
Đánh giá tổng quan về CCHC năm 2018, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Công Hùng cho biết công tác này tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ban Thường vụ Thành ủy, chỉ đạo sâu sát của UBND TP, đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Năm 2019, 100% quận, huyện ở TP HCM sẽ tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp qua mạng để kịp thời xử lý Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đi vào cụ thể, ông Hùng cho hay tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên cổng thông tin một cửa điện tử của TP đạt trên 90%. Bình quân các quý năm 2018 đều đạt tỉ lệ trên 99% hồ sơ được giải quyết đúng hạn. Đến tháng 12-2018, tổng số dịch vụ công trực tuyến là 767 dịch vụ, tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đạt 38%. Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hùng cho hay vẫn còn một số đơn vị, thủ trưởng chưa xác định được tầm quan trọng trong công tác CCHC; chưa xử lý triệt để các vi phạm của công chức, viên chức, đặc biệt là các công chức, viên chức có thiếu sót, vi phạm và tham mưu, xử lý giải quyết hồ sơ bị trễ hạn.
Theo ông Hùng, tỉ lệ hồ sơ trễ hạn được kéo giảm còn dưới 1% nhưng do số lượng hồ sơ của TP tiếp nhận và giải quyết rất lớn nên số lượng hồ sơ trễ hạn vẫn còn cao. Điều này gây bức xúc cho người dân. Như năm 2017, số lượng hồ sơ tiếp nhận là 14 triệu, tỉ lệ đúng hạn là 99%, tỉ lệ trễ hạn là 1%, tương đương 140.000 hồ sơ. Hồ sơ trễ hạn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, lý lịch tư pháp… "Hồ sơ trễ hạn là do lãnh đạo phòng chưa kiểm tra triệt để, người đứng đầu cơ quan chưa kiên quyết xử lý và giải pháp giải quyết chưa triệt để" - ông Hùng nhìn nhận. Ông Hùng cho hay trong năm 2019, TP tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ 6 nhiệm vụ CCHC, trong đó lấy yếu tố con người làm trọng tâm để thực hiện đột phá gắn với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, cơ chế phân cấp, ủy quyền.
Liên quan đến việc thực hiện thư xin lỗi người dân, doanh nghiệp trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Võ Sĩ thông tin năm 2018, trong số 68.281 hồ sơ giải quyết trễ hạn, có 61.276 hồ sơ đã được thực hiện thư xin lỗi và 7.005 hồ sơ chưa thực hiện thư xin lỗi. Trong thời gian tới, ông Sĩ cho rằng sẽ có hình thức xử lý nghiêm (kiểm điểm, luân chuyển công tác) đối với cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần mà không có lý do chính đáng.
Nhiều cách làm hay
Trong năm 2018, tại TP nổi lên nhiều "điểm sáng" về CCHC. Là đơn vị có tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến cao, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết từ tháng 10-2016, quận bắt đầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 20 thủ tục, thuộc 6 lĩnh vực. Đến nay, đã có 61 thủ tục trực tuyến mức độ 3 và 13 thủ tục trực tuyến mức độ 4. "Qua 2 năm triển khai, tỉ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng. Cụ thể, cuối năm 2016, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 chỉ đạt hơn 4% thì đến năm 2018 đạt hơn 51%; mức độ 4 là gần 99%" - ông Thinh thông tin. Chia sẻ kinh nghiệm, ông nói bên cạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ là việc tuyên truyền, vận động sâu, rộng trong nhân dân thông qua việc gửi đến mỗi hộ gia đình một tờ bướm; thành lập 130 tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại 130 khu phố và 10 tổ tại UBND 10 phường.
Còn tại quận 1 - nơi được đánh giá là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện khảo sát sự hài lòng của người dân, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng nói từ năm 2011, UBND quận triển khai thí điểm Hệ thống điện tử khảo sát ý kiến khách hàng đến liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận. Ông Dũng nhìn nhận việc này đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi nhận thức và tạo hình ảnh đẹp của cán bộ công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ từ quận đến phường. Nhờ vậy, năm 2016 là 98% hài lòng, 2017 là gần 99% hài lòng, năm 2018 là trên 99% hài lòng.
Về phía sở - ngành, Sở Xây dựng sẽ công khai thông tin các dự án bất động sản. Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho hay sở đã xây dựng, tổ chức công khai pháp lý của các dự án bất động sản đến người dân, doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của sở. Cụ thể là thông tin các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn như số lượng dự án, tổng số lượng nhà ở, diện tích sàn; danh mục các nhà ở xã hội; dự án có nhà ở hình thành trong tương lại đủ điều kiện bán, cho thuê, mua, được huy động vốn…
Những đề nghị cấp bách
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh một trong những thành tựu đáng chú ý năm qua là TP bắt đầu có những sản phẩm của đô thị thông minh được sử dụng có lợi cho người dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn chỉ ra công tác CCHC vẫn còn 5 hạn chế, trong đó có việc Văn phòng UBND TP không công bố thời hạn giải quyết các hồ sơ.
Trong hơn 35 phút phát biểu, Bí thư Thành ủy TP dành khá nhiều thời gian để nói về chuyện đột phá trong CCHC. Ông cho rằng đột phá đầu tiên là phải làm triệt để, đồng bộ và tăng tốc. Để làm được điều này, Văn phòng UBND TP phải vào cuộc; 100% quận, huyện triển khai hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân trực tuyến qua điện thoại và có đánh giá sự hài lòng của người dân; kết nối với các phường xã để giao ban trực tuyến, trên cơ sở đó kết nối camera an ninh từng phường xã; nâng tỉ lệ dịch vụ công trực tiếp mức 3-4 từ 20% lên 30%-40%.
Đột phá thứ hai là phải sâu sắc và chạm đến con tim của công chức, trái tim của người dân. "Tôi rất xúc động và bất ngờ khi ở phường 4, quận Tân Bình có để sẵn những cái kính cận thị, viễn thị để lỡ người dân quên kính không ký văn bản được thì lấy đeo vô mà ký. Cái đó chỉ làm được khi cái tâm của người công chức nghĩ đến người dân" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói và yêu cầu khi thấy dân đợi lâu, cán bộ phải biết bức xúc, tìm giải pháp để dân bớt khổ.
Đột phá thứ ba theo Bí thư Thành ủy là lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo của mình. Cuối cùng, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu nhiều giải pháp đột phá CCHC, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp mở rộng dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua mạng. Bí thư Thành ủy TP cũng cho biết năm 2019, Ban Thường vụ giám sát 19 đầu việc UBND TP, trong đó có 4 đầu việc liên quan đến CCHC.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết trong năm 2019, 100% quận, huyện sẽ thực hiện tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp qua mạng để xử lý kịp thời. Đặc biệt, TP sẽ xây dựng khung kiến trúc để đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Để dân không hài lòng, cán bộ mất thu nhập tăng thêm
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, đánh giá hiệu quả CCHC trước hết là đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp cũng như đánh giá trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị, đánh giá hiệu quả hoạt động của từng cán bộ, công chức. Từ đó xem xét tăng thu nhập cho cán bộ, công chức một cách chính xác, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Quốc hội.
"Không bao giờ có câu chuyện, cán bộ công chức bị người dân đánh giá không hài lòng hoặc hài lòng không cao mà được chi thu nhập tăng thêm. Cũng không bao giờ có chuyện tỉ lệ hài lòng của đơn vị càng ngày càng thấp hơn mà được đánh giá để tăng thu nhập. Chuyện này UBND TP sẽ có giám sát cụ thể" - Phó Chủ tịch UBND TP cam kết.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tại hội nghị, 29 sở - ban - ngành và chủ tịch 24 quận - huyện đã ký cam kết với Thành ủy, UBND TP HCM quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ CCHC năm 2019.
|
PHAN ANH
Người Lao động
|