Thứ Sáu, 25/01/2019 20:45

Tư duy thoái vốn nhìn từ Dung Quất

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR-UpCom), đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2018, theo đó BSR thua lỗ kỷ lục trong quí cuối cùng của năm tới 1.027 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế cả năm giảm mạnh so với cùng kỳ, chỉ còn 3.572 tỉ đồng. Như vậy lợi nhuận năm 2018 của BSR giảm 4.138 tỉ đồng so với năm 2017 và thấp hơn cả mức đạt được của năm 2016.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.Ảnh: TTXVN

Giải thích cho khoản thua lỗ quí 4 và mức lợi nhuận thấp cả năm, BSR nêu nguyên nhân giá dầu thô thế giới giảm mạnh trong quí cuối cùng của năm 2018. Do giá đầu vào cao vì nhà máy lọc dầu phải duy trì một lượng dầu thô tồn kho để chế biến ra sản phẩm, trong khi giá sản phẩm giảm ngay, khiến giá vốn cao hơn giá bán, gây thua lỗ. Có thời điểm giá dầu thô biển Bắc (Brent) còn cao hơn giá xăng dầu thành phẩm, làm hiệu quả kinh doanh của Dung Quất suy sụt.

Trên sàn thị giá cổ phiếu BSR hiện xoay quanh 13.000 đồng, giảm 58% so với mức đỉnh và giảm 43,5% so với giá IPO thành công cách đây một năm. Nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng cổ phiếu này kể từ khi BSR đăng ký giao dịch trên UpCom. Hầu hết những nhà đầu tư mua cổ phiếu khi công ty IPO cho đến nay đều “thủng túi” và chưa có bất cứ một tín hiệu nào đảm bảo giá cổ phiếu BSR sẽ biến động thuận lợi hơn trong tương lai.

Ngành tài chính sợ trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước, cho nên tư tưởng “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” đang tồn tại trong cổ phần hóa, thoái vốn.

Đây không phải lần đầu tiên cổ phiếu BSR thử thách tâm lý nhà đầu tư. Cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm ngoái, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên, nguyên một phó tổng giám đốc, nguyên kế toán trưởng của BSR bị khởi tố bắt tạm giam. Rồi chuyện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất kiến nghị không ít lần để được giảm thuế, nếu không sẽ phải đóng cửa... Các kiến nghị này có từ năm 2015-2016, trước thời điểm công ty cổ phần hóa và IPO.

Tuy nhiên BSR đã chọn đúng thời điểm để IPO khi thị trường chứng khoán đang “hừng hực”, cận kề 1.100 - 1.200 điểm nên giá IPO thành công cao hơn hẳn giá khởi điểm. Ngoài ra giờ đây giới đầu tư có quyền băn khoăn về mức lợi nhuận sau thuế tăng đột biến của Bình Sơn năm 2017 trước thời điểm IPO. Kết quả kinh doanh của công ty trước IPO (năm 2016) và sau IPO (năm 2018) ở mức chênh lệch rất xa so với những gì đạt được của năm 2017. Phải chăng lợi nhuận năm 2017 đột biến là để thu hút nhà đầu tư tham gia mua cổ phần công ty?

Sau IPO, Bình Sơn vẫn chưa chốt được nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục lộ trình cổ phần hóa. Nhìn từ doanh nghiệp này, có thể thấy được phần nào toàn cảnh bức tranh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước năm 2018. Theo kế hoạch, năm ngoái phải hoàn tất cổ phần hóa 85 đơn vị, nhưng đến hết tháng 11-2018 mới chỉ thực hiện được 12 doanh nghiệp. Việc thoái vốn còn chậm trễ hơn. Và nếu như không có đợt IPO Tổng công ty Dầu, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty Điện lực dầu khí hồi đầu năm và việc bán 3% cổ phần Vietcombank cho nước ngoài vào ngày cuối năm (ngày 29-12-2018), thì việc thoái vốn, cổ phần hóa của cả năm còn “thê thảm” hơn nữa.

Có thể nói kết quả thoái vốn, cổ phần hóa năm 2018 chỉ ra đây là mảng yếu nhất trong hoạt động của nền kinh tế. Lãnh đạo các doanh nghiệp phải cổ phần hóa năm ngoái nhưng đã làm chậm hoặc không hoàn tất cho rằng sự suy giảm của thị trường chứng khoán tác động tiêu cực tới việc bán cổ phần. Lý do này là có nhưng không phải duy nhất.

Người ta luôn đổ lỗi cho chứng khoán mỗi khi cổ phần hóa, thoái vốn không suôn sẻ. Thực ra năm 2017 thoái vốn đạt chỉ tiêu đề ra là nhờ hai thương vụ bán cổ phần Nhà nước ở Sabeco và Vinamilk. Nay vấn đề cưỡng chế thuế ở Sabeco đang gây phản ứng lo ngại từ phía nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại. Vinamilk vừa qua cũng bị truy thu thuế tuy số tiền không lớn.

Quản lý, phát triển thị trường chứng khoán là nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Cổ phần hóa, thoái vốn cũng thuộc lĩnh vực do Bộ Tài chính điều hành. Đáng lẽ cải cách doanh nghiệp nhà nước phải được đặt ngang hàng với thu ngân sách nhà nước, nhưng dường như ngành tài chính chỉ chú trọng đến thu thuế, mà chưa dành sự chú ý đúng mức cho cổ phần hóa, thoái vốn. Lý do chủ yếu của việc cổ phần hóa ì ạch nằm ở khâu xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là giá trị quyền sử dụng đất, những tranh chấp về đất đai và công nợ dây dưa cộng với giá khởi điểm IPO thường quá cao so với mặt bằng giá cổ phiếu trên sàn. Nói một cách khác, ngành tài chính sợ trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước, cho nên tư tưởng “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” đang tồn tại trong cổ phần hóa, thoái vốn.

Suốt bao năm nay, thoái vốn nhà nước vẫn mang nặng tính thụ động. Những thời điểm chứng khoán phục hồi, VN-Index đi lên, Nhà nước ngay lập tức dồn dập mang hàng ra bán. Nhà nước hành xử ở vị trí nhà đầu tư, không phải ở vai trò người quản lý, điều hành và ở một khía cạnh nhất định nào đó, nhà tạo lập thị trường. Cổ phần hóa, thoái vốn không chỉ để Nhà nước bán được doanh nghiệp với giá cao nhất, thu nhiều nhất cho ngân sách, mà quan trọng là để thay đổi quản trị doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả kinh doanh. Mục tiêu ấy phải là đích đến cuối cùng và tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn phải được thực hiện đúng kế hoạch, không thể mãi kéo giãn như sợi dây thun. Muốn thế phải thay đổi tư duy cải cách doanh nghiệp nhà nước, mà nơi bắt đầu là Bộ Tài chính.

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   HOSE: Thông báo đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk (25/01/2019)

>   Cổ phần hóa doanh nghiệp: Tài sản nhà nước thất thoát đủ kiểu (25/01/2019)

>   Năm 2019 cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng phải bứt phá (18/01/2019)

>   Ngân hàng quốc doanh và “mô hình chân tường” cổ phần hóa (13/01/2019)

>   Bộ Nông nghiệp “thúc” các đơn vị trong ngành khẩn trương tái cơ cấu (11/01/2019)

>   Dự kiến thu hơn 405 tỷ đồng từ đấu giá trong tháng 1/2019 (11/01/2019)

>   Đấu giá trọn lô Cấp thoát nước Ninh Bình với giá khởi điểm 252 tỷ đồng (11/01/2019)

>   Hoàn thành phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trước ngày 15/1 (09/01/2019)

>   Chủ tịch SCIC: ‘Tự nhiên chúng tôi ngồi mát ăn bát vàng sao được’ (07/01/2019)

>   HOSE: Thông báo danh sách các công ty chứng khoán thành viên làm đại lý đấu giá cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM năm 2019 (04/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật