Thứ Tư, 16/01/2019 08:26

Thủy sản, đồ gỗ, dệt may rộng cửa đi thế giới

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với VN kể từ ngày 14.1 và nhiều mặt hàng từ VN xuất khẩu sẽ được giảm thuế ngay về 0%.

Thịt ngoại vào VN sẽ được giảm thuế. Ảnh: Đ.Ngọc Thạch

Nhiều mặt hàng xuất khẩu thuế về 0%

Ngay khi CPTPP có hiệu lực, các mặt hàng cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều của VN khi xuất khẩu vào các nước thành viên sẽ được miễn thuế ngay (trừ Mexico áp dụng theo lộ trình). Đặc biệt, với Canada, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đồ gỗ nội ngoại thất, gạo… của VN đều được xóa bỏ thuế quan; 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép được hưởng thuế suất 0%.

Hay những sản phẩm trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định VN - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua... hoặc giày da lần đầu tiên được nước này giảm dần thuế nhập khẩu.

Ông Trần Việt Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhận định hiệp định này sẽ giúp làm tăng lượng đơn hàng cho doanh nghiệp (DN) gỗ của VN. Nhưng chính điều đó cũng tạo ra thách thức khi sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt. Vì vậy DN phải có những bước chủ động ứng phó, trong đó công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầu tư vào công nghệ để giảm lệ thuộc vào lao động.

Các khâu như thiết kế - khả năng R&D phải nâng tầm, thiết kế phải phù hợp cho sản xuất máy móc để có giá thành tốt nhất, mẫu mã phải đẹp và phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ. Một thách thức nữa là cộng đồng gỗ Việt cam kết với cộng đồng quốc tế việc sử dụng gỗ hợp pháp để xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước và các DN phải tuân thủ nếu muốn hàng được chấp thuận thâm nhập vào thị trường các nước.

Riêng đối với hàng dệt may, 42,9% kim ngạch xuất khẩu có xuất xứ từ VN vào Canada được giảm ngay về thuế 0% và số còn lại sẽ có thuế 0% vào năm thứ 4 sau khi hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, hàng dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong các nước nội khối CPTPP. Đây là một thách thức rất lớn để hàng dệt may VN có thể được hưởng thuế suất 0%.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, khẳng định CPTPP tạo thêm cơ hội mở thị trường mới cho các DN dệt may, đặc biệt các DN trong lĩnh vực vali - túi xách hay sản xuất quần áo trẻ em vào Canada hay Mexico. Từ đó cũng tạo ra hiệu ứng lan tỏa ở một số thị trường truyền thống khác. Nhưng thị trường hàng dệt may của Canada hay Mexico không phải quá lớn nên sẽ không tác động nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của VN trong thời gian đầu. Đó là chưa kể, quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi cũng là một “rào cản” mà không nhiều DN của VN có thể đáp ứng được ngay để mở rộng xuất khẩu.

Người Việt được mua sữa, thịt ngoại giá rẻ?

Ở chiều ngược lại, VN cũng xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 - 10 năm.

Tuy nhiên theo phân tích từ Bộ Công thương, trong CPTPP chỉ có 3 đối tác mới là Canada, Mexico và Peru nhưng các nước này không xuất khẩu nhiều vào VN. Trong khi đó, các nước như Nhật Bản, Úc, Chile, Malaysia... đều đã có các hiệp định thương mại song phương với VN nên việc xóa bỏ thuế không lớn.

Hay một số sản phẩm nông sản mà các nước CPTPP có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà nhưng với hai mặt hàng này, VN áp dụng lộ trình thực hiện giảm thuế tương đối dài (một số chủng loạt thịt gà trên 10 năm) nên sức ép trong thời gian đầu cũng sẽ không lớn.

PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, phân tích điểm yếu lớn nhất của nông nghiệp VN là chăn nuôi vì giá thành chăn nuôi của VN đang cao hơn mức bình quân của thế giới. Chính vì vậy, các sản phẩm thịt ngoại sẽ vào VN nhiều hơn khi thuế nhập khẩu được giảm dần.

Điều này trước mắt là bất lợi lớn với người chăn nuôi nhưng về lâu dài và nhìn vấn đề ở góc độ tích cực nó sẽ giúp VN từng bước cải thiện ngành chăn nuôi trong nước bằng việc áp dụng các tiến bộ của thế giới. “Hay như lĩnh vực rau quả, chúng ta hiện xuất khẩu khá lớn (khoảng hơn 3 tỉ USD) nhưng chủ yếu xuất qua Trung Quốc. Nay cơ hội thị trường mở ra sẽ giúp hàng hóa mở rộng sang nhiều nước khác. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng rau quả của thế giới cũng đang vào VN ngày càng nhiều và sắp tới sẽ còn nhiều hơn với giá cả cạnh tranh hơn. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng lợi”, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi nói.

Mai Phương - Chí Nhân

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Tỷ lệ nợ công của Việt Nam ngày càng giảm mạnh (16/01/2019)

>   Doanh nghiệp Nhà nước góp vốn có mức thưởng Tết bình quân cao nhất (15/01/2019)

>   Tổng cục đường bộ: 'Giữ nguyên BOT Cai Lậy và giảm phí' (15/01/2019)

>   Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp 'chết đứng như Từ Hải' vì mỗi ngành một Luật (15/01/2019)

>   Việt Nam đang cần phải vượt qua những rào cản nào để thu hút khối ngoại? (15/01/2019)

>   Ngày 28/1 tòa Hà Nội xét xử hai cựu thứ trưởng Bộ Công an (15/01/2019)

>   Các nước giảm thuế thế nào với Việt Nam? (15/01/2019)

>   20 cảng biển lớn nhất thế giới (15/01/2019)

>   Robot đe dọa việc làm của người lao động (15/01/2019)

>   Sân bay Đức có đình công, Vietnam Airlines lùi giờ bay (14/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật