Thủ tướng nói về bài học thanh long rớt giá
Lấy chuyện “giải cứu” heo làm bài học sâu sắc cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
“Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa Việt Nam lọt nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất. Riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào nhóm 10 nước của thế giới”.
Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ NN&PTNT ngày 3-1.
Bài học cho ngành nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2018 ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu thế, chuyển đổi cơ cấu ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt kỷ lục hơn 40 tỉ USD.
Theo Bộ trưởng Cường, có được kết quả trên là do ngành nông nghiệp đã chuyển mạnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỉ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi. Đáng chú ý, các địa phương đã chuyển hơn 100.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã được xuất khẩu như thịt heo đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản.
Ngoài ra, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tiếp tục được nâng cao năng lực, chế biến sâu. Trong năm 2018, có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt heo, gia cầm hiện đại với mức đầu tư khoảng 8.700 tỉ đồng được khởi công và khánh thành, sản xuất cung ứng nông sản với chất lượng cao, mức tổn thất nông sản đã giảm đáng kể như lúa gạo đã giảm xuống còn dưới 10%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế cần tập trung khắc phục. Điển hình như cơ cấu nông nghiệp triển khai chưa đồng đều; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng lực quản trị công tác dự báo cung cầu còn bất cập.
Hệ quả là có lúc, có nơi xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ hoặc do nguồn cung thiếu (như thịt heo) nên giá tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người dân.
“Có thời điểm phải giải cứu thịt heo (do cung vượt cầu - PV), sau đó giá thịt heo lại tăng rất cao (do thiếu nguồn cung) là bài học sâu sắc trong công tác chỉ đạo” - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì ngành nông nghiệp khó thành công được. Ảnh: VGP
Còn chậm so với Thái Lan, Campuchia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đổi mới, sáng tạo của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân đã góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. “Nếu như trước đây chỉ có 2% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì đến nay con số này là hơn 50.000, bằng 8% tổng số doanh nghiệp cả nước đầu tư vào nông nghiệp. Không có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì ngành nông nghiệp khó thành công được” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần phải khắc phục. Đó là tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở nên phổ biến, chủ đạo. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém, cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Đáng lo ngại là thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro trong khi năng lực quản trị và công tác dự báo cung cầu thị trường đã có tiến bộ nhưng vẫn còn bất cập. Thủ tướng lấy dẫn chứng: “Trường hợp người dân thu hoạch thanh long ở Bình Thuận vào đúng ngày nghỉ quốc khánh của Trung Quốc dẫn đến không bán được là một ví dụ”.
Thủ tướng cho rằng vấn đề nữa là sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các ngành khác. “Ai làm thị trường, ai làm chất lượng, trách nhiệm làm sao?” - Thủ tướng lưu ý cần xem xét vấn đề nảy sinh đối với ngành nông nghiệp khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Đề cập phương hướng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tăng trưởng nông nghiệp phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42-43 tỉ USD. Việt Nam phải phấn đấu trở thành một trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ, sản xuất tôm lớn của thế giới. “Tôi đề nghị các đồng chí tìm tòi mọi cách, phát huy mọi sáng tạo để thực hiện đạt cao hơn mục tiêu đưa ra” - Thủ tướng nói.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh việc đầu tiên là phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến; làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cả cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu trong nông nghiệp, từ gạo đến tôm, đến giống lúa, cá tra… vì hiện chúng ta còn chậm so với Thái Lan, Campuchia.
Nhấn mạnh việc xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng lưu ý: “Cần chú trọng tiêu chí thu nhập của người dân. Đừng bị bệnh thành tích, chỉ có hình thức mà quan trọng là đời sống của người dân ở các vùng chúng ta xây dựng nông thôn mới như thế nào”.
Theo Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp đã thể hiện là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 3,76% trong năm 2018, được xem là cao nhất trong bảy năm trở lại đây.
Việt Nam khẳng định vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới khi đứng thứ 15 và đã xuất khẩu sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt kỷ lục trên 40 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.
|
MAI HIỀN
Pháp Luật TPHCM
|