Phí đổi tiền lẻ ‘chợ đen’ lên tới 500%
Cận Tết Nguyên đán 2019, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại nở rộ tại các khu vực đền chùa, các con phố đổi tiền nổi tiếng Hà Nội như Hà Trung, Đinh Lễ…
Tiền lẻ vẫn được đổi công khai ở nhiều đền, chùa tại Hà Nội. Ảnh Ngọc Thắng
|
Theo ghi nhận của phóng viên, tại cổng chùa Hà, một ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), các cửa hàng bán đồ lễ ở cổng mở luôn dịch vụ đổi tiền lẻ. Có khoảng 5 - 6 cửa hàng bán đồ lễ tại cổng và dịch vụ này gần như được thực hiện công khai.
Trong vai người đi lễ cần đổi tiền, ngay lập tức, chúng tôi được chủ các cửa hàng chào mời: “Muốn đổi bao nhiêu, loại tiền nào cũng có”. Mệnh giá tiền được đổi từ 500 - 2.000 đồng với mức phí chung ở các cửa hàng, theo tỷ lệ đối với tờ 500 đồng là 300%, tờ 1.000 đồng và 2.000 đồng là 200%. Khi được hỏi muốn đổi với số lượng lớn, một chủ cửa hàng quả quyết: “Bao nhiêu ở đây cũng đổi, nhưng phải tùy từng hôm, vì gần tết nhu cầu nhiều lắm!”.
Chị T. T. Thơm (ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã thử liên hệ với ngân hàng nhưng không được, đành phải tìm ra các "chợ đen". Tuy mức phí cao nhưng lại nhanh và đổi bao nhiêu cũng có. Càng gần tết, mọi người càng tranh thủ đổi tiền lẻ nhiều, nên phí càng đắt đỏ”.
Tại phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dịch vụ đổi tiền cũng nhộn nhịp không kém. Khách hàng ra vào các cửa hàng đổi tiền rất đông, chủ yếu là đổi ngoại tệ và tiền lẻ để mừng tuổi. Khi được hỏi về mức phí đổi tờ tiền mệnh giá 500 đồng với số lượng lớn, nhiều chủ cửa hàng lắc đầu vì tờ tiền này hiện rất hiếm. Một chủ cửa hàng liên hệ với nguồn cung cấp riêng và báo giá lại với chúng tôi, nếu muốn đổi tờ 500 đồng thì mức phí là 500% và hẹn trước 3 ngày mới có.
Muốn đổi ngoại tệ, nhiều người đã tìm đến phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại đây, tỷ giá để đổi ngoại tệ cụ thể là đồng đô la Mỹ 1 USD đổi được 23.500 đồng. Theo chủ một cửa hàng, tùy từng mệnh giá tiền và số lượng, khách phải đặt trước mới có.
“Dịp tết nhà mình thường đổi tiền 1 USD, 2 USD để mừng tuổi. Vì đổi ở ngân hàng phải chờ lâu và thủ tục phiền hà nên mình thường ra Đinh Lễ để đổi cho nhanh", chị D.T. Sao (ở Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Các đầu mối ở chùa Hà, Hà Trung "chặt chém' phí 300 - 500% cho một tệp 500 đồng. Ảnh Quỳnh Trang
|
Alo “ship” tận nhà
Không chỉ tiền lẻ, nhu cầu tiền mới mừng tuổi khiến các loại tiền mệnh giá 10.000 - 50.000 đồng trở nên khó kiếm hơn tại các điểm giao dịch chính thức như ngân hàng, phòng giao dịch… Song, nếu chấp nhận trả phí thì bao nhiêu cũng có, thậm chí, khách còn được giao tận nhà với chỉ một cú nhấp chuột hay cú điện thoại.
“Anh muốn đổi mấy tệp 10.000 đồng, 20.000 đồng tết về quê mừng tuổi. Phí bao nhiêu em?”, chúng tôi bắt máy hỏi một đầu mối trên trang doitienmoi.vn. “Càng cận tết càng cao anh ạ. Trước thì phí bọn em bình quân 6%, nhưng nay tăng lên 15 - 20%, tuỳ theo mệnh giá. Nếu anh "ok", nhắn địa chỉ em cho người giao đến tận nơi, đảm bảo tiền tươi, mới tinh”, một giọng nữ đầu dây bên kia đon đả đáp lời.
Doitienmoi, doitienle, dichvudoitien… từ các trang website đến facebook, zalo nở rộ như nấm mọc sau mưa. Từ biểu phí, mức giá, loại tiền đều được công khai.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Thị Bình, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết việc đổi tiền “ăn chênh”, không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Với các thông tin quảng bá công khai trên mạng, nếu cơ quan chức năng xác minh được có thực hiện hành vi đổi tiền cũng sẽ bị xử lý.
Ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ, Ngân hàng nhà nước, lưu ý người dân, theo quy định tại Nghị định 96 nếu đổi tiền thu phí, "ăn chênh" là bất hợp pháp. Nghị định 96 của Chính phủ quy định rõ mức xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng.
Năm nay, theo ông Lâm, Ngân hàng nhà nước không in tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân, Ngân hàng nhà nước vẫn cung ứng, đưa vào lưu thông tiền cũ đã được phát hành các năm trước đó.
Quỳnh Trang - Hương Giang - Anh Vũ
Thanh Niên
|