Thứ Năm, 10/01/2019 15:35

Nhịp đập Thị trường 10/01: HOSE giật mình, HNX run rẩy

Nhà đầu tư có lẽ lại lo lắng thêm một lần nữa khi VN-Index suy giảm nhanh chóng khi bước vào phiên chiều, tất nhiên là do Largecap sàn HOSE “đạo diễn”. Nhìn xa hơn, sự suy giảm trở lại ở 1 số chỉ số chứng khoán lớn của châu Á như Hang Seng, Kospi cũng tác động tâm lý nhà đầu tư, nhưng có lẽ không lớn.

Đến khoảng 13h40, chỉ số đã rơi vào vùng đỏ. May thay, nhóm Largecap lại nổi lên những nhân tố cũ mà mới, như ROS, GAS, CTG… Đến sát đợt ATC, đến lượt MWG, VHM, VIC… vùng lên, tiếp tục đỡ chỉ số và giúp VN-Index đóng cửa tăng 0.15% lên 898.3 điểm. Chỉ số nhóm VN30 tăng mạnh hơn chút, đạt 857.95 điểm. Một điều thú vị khác là VN-Index tăng nhưng số cổ phiếu giảm giá trên sàn này lại nhiều gấp rưỡi số tăng giá, cho thấy mức độ phụ thuộc rất lớn của chỉ số vào Largecap, nhất là nhóm VN30.

Diễn biến HOSE khiến sàn HNX thủng đáy. Chỉ số HNX-Index cắm sâu dưới tham chiếu và không thể hồi được như trên sàn HOSE, đóng cửa giảm 0.35% tại 101.78 điểm. Lúc này có lẽ sàn HNX mới thấy thiếu Largecap (sàn này chỉ có vài mã có quy mô vốn hóa tương đương Largecap sàn HOSE).

CTG không chỉ là cổ phiếu nổi bật không chỉ riêng nhóm ngân hàng, mà còn của cả sàn HOSE. Lượng khớp lệnh hôm nay cũng cao hơn 20% so với ngày hôm qua. Tuy nhiên những đại gia ngân hàng có yếu tố nhà nước khác như VCB, BID khác lại giảm giá. VCB mới công bố thông tin với mức giá bán cho cổ đông nước ngoài nhỉnh hơn 1 chút so với thị giá, nhưng giá hôm nay lại còn giảm thêm 1.4% về 55,000 đ/cp, chưa kể bất chấp nước ngoài mua ròng và tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm qua.

Nhóm Bất động sản có chuyển biến tốt hơn trong phiên chiều, với nhiều sắc xanh như PDR, SJS, VCG… đặc biệt SJS đã bất thần tăng tốc lên tới 6% chỉ trong vòng 30 phút cuối phiên, bao gồm cả 15 phút ATC.

HVN vẫn mải miết tăng dù ACVVJC đang có dấu hiệu đi ngang. Có lẽ game chuyển sàn đang tác động lên giá cổ phiếu HVN gần đây. Hôm nay HVN tăng giá 1.1%, và là phiên thứ tư liên tiếp tăng giá.

Giá cổ phiếu VNM chững lại dù công ty mới công bố ước tính lãi ròng quý 4 vào 2,277 tỷ đồng, tăng 30.5% so với cùng kỳ năm trước. Khối ngoại vẫn đang mua ròng ở đây, với tỷ trọng lên đến 80% (bao gồm cả khớp lệnh lẫn thỏa thuận).

Trong nhóm nhiệt điện, NT2 đang tăng tốc. Cổ phiếu này đang tạo ra một đồ thị kỹ thuật khá đẹp, vượt mức kháng cự 26,000 đ/cp để quay lại đỉnh cao 29,500 hồi đầu năm ngoái.

11h30: Lên rồi!

Kể từ khoảng 10h, VN-Index bắt đầu leo dốc liên tục cho đến cuối phiên sáng, dừng tại con số đẹp 898.89 điểm (+0.21%). Một phần nguyên nhân có lẽ đến từ diễn biến trên các sàn chứng khoán lớn châu Á, khi Hang Seng, Kospi đều quay đầu tăng điểm. Riêng Nikkei 225 vẫn giảm 1.3% nhưng mức giảm đó có lẽ thành “thói quen”.

Nhóm VN30 hết níu rồi lại kéo VN-Index. CII và ROS hầu như vẫn giảm ổn định, nhưng KDC chỉ còn giảm 0.4%. Ngược lại, có đến 20 mã tăng, dẫn đầu là CTG (+3.3%), tiếp theo là HSG (+3.1%) và REE (+2.8%). Tuy nhiên, nếu tính từ mốc 10h, thì công lao kéo Index phải kể đến những mã như FPT, PLX, MSN, VHM… GAS vẫn giữ nguyên mức tăng 2.1%.

Diễn biến của VN-Index, tất nhiên ảnh hưởng tốt lên HNX-index. Chỉ số chính sàn HNX sau khi rớt về dưới 101.8 điểm thì cũng tăng trở lại, vượt lên trên tham chiếu và dừng chân nghỉ trưa ở mức 102.16 điểm, tăng nhẹ 0.02%. Riêng UPCoM-Index vẫn loay hoay trên tham chiếu nhưng không tạo được con sóng gì, và nghỉ trưa ở 53.06 điểm, tăng nhẹ 0.1%.

Thị trường nửa cuối phiên sáng nay đón nhận tin tốt xấu đan xen, và đều không có gì chắc chắn. Tin tốt là Pyn Elite, 1 quỹ ngoại khá đình đám gần đây, đang có 1,000 tỷ chờ giải ngân, nhưng không ai biết khi nào mới giải. Tin xấu là tổ chức nghiên cứu kinh tế vĩ mô trong nước là VEPR dự báo một số rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên nhận định này cũng còn cần nhiều thời gian để kiểm chứng. Hơn nữa, chứng khoán bắt đầu vào mùa công bố BCTC quý 4, trong đó riêng bất động sản hay có tính mùa vụ cao và được kỳ vọng lớn, do đó tin xấu từ VEPR có lẽ cũng khó tạo thành uy hiếp nào lên giá cổ phiếu.

Nhóm dầu khí có phân hóa mạnh hơn vào cuối phiên. GAS tuy giữ vững phong độ ở mức tăng 2.1% nhưng PVS đã chuyển từ xanh sang đỏ, còn PVD cũng nhờ hồi phục mới xanh trở lại. Tăng giá mạnh nhất là PVX, +10% nhưng với thị giá chỉ có vỏn vẹn 1,000 đ/cp.

Trong nhóm xây dựng dân dụng, HBC tiếp tục tăng 4% phiên thứ hai, trong khi CTD vẫn đi ngang. Có lẽ HBC tăng giá là nhờ vào góc độ kỹ thuật.

REE dường như đang được nhà đầu tư… nhớ trở lại. Vốn luôn được đánh giá là “hàng” cơ bản tốt, kín room ngoại, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bền vững, nhưng diễn biến giá REE lại rất thăng trầm theo thị trường và định giá luôn ở mức thấp. Tuy nhiên sáng nay REE đột ngột nổi lên với mức tăng 2.8%, vọt lên trên đường bình quân MA 1 tháng.

NTL có vẻ đang quay trở lại đường đua lên đỉnh cũ 20.

10h15: Lẩn quẩn quanh tham chiếu

VN-Index vẫn đang dao động quanh tham chiếu, nhưng phần lớn thời gian đầu phiên sáng nay nhuốm sắc đỏ, do nhóm VN30 phân hóa. Nhóm Mid Cap và Small Cap vẫn giữ được sắc xanh. Dù sao đi nữa, diễn biến chỉ số chính sàn HOSE cũng tác động lên 2 sàn HNX và UPCoM, thậm chí sàn HNX còn diễn biến tiêu cực hơn.

Trong nhóm VN30, GAS tăng ổn định trên 2%, nhưng CTG đã nổi lên từ mức giảm đầu phiên, giờ tăng 2.7%. Ngược lại, KDC, ROS và CII vẫn đứng đầu bảng giảm giá, thậm chí mức giảm mạnh hơn đầu phiên.

Trong nhóm ngân hàng, các mã vốn hóa lớn vẫn giảm nhẹ (trừ CTG), còn mã vốn hóa nhỏ lại tăng. CTG tăng 2.7% dù khối ngoại vẫn bán ròng, nhưng điều quan trọng hơn là khối lượng giao dịch đang có chiều hướng tăng nhanh hơn hôm trước. Không loại trừ đến cuối phiên sáng nay, khối lượng giao dịch có thể đuổi kịp cả ngày hôm trước.

HVN tuyên bố hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ lên 14,183 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên đây không phải là thông tin giúp giá cổ phiếu này tăng gần 10% từ cuối năm trước đến nay. Hiện tại, có lẽ nhà đầu tư vẫn kỳ vọng nhiều nhất vào “game” chuyển sàn của cổ phiếu này. Sáng nay, lượng khớp HVN không nhiều, nhưng đó không phải là chỉ báo xấu.

Ông Lê Tuấn Anh, con trai Chủ tịch HĐQT ASM thông báo đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu ASM. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 14/1 đến 12/2/2019. Thông tin này công bố sau khi cổ phiếu ASM đã có 3 phiên tăng liên tiếp gần 7%, tuy nhiên tin này có vẻ như không giúp giá ASM duy trì mức tăng khủng nói trên. Lưu ý rằng không chỉ ASM, IDI (1 công ty con của ASM) cũng trải qua 3 phiên trần (gần 7% mỗi phiên) và sáng nay vẫn tăng 5%.

HVG đang xin Vietcombank giãn thời hạn thanh toán khoản vay 620 tỷ đồng trong 8 năm, nhưng điều lý thú là cổ phiếu này chính là mã tăng giá mạnh nhất sàn HOSE kể từ đáy ngắn hạn ngày 03/01 đến nay với tổng mức tăng đến cuối ngày hôm qua là 25.6%. Ở Việt Nam, đúng là “liều ăn nhiều”.

Mở cửa: Rung lắc ngay từ sớm

VN-Index sáng nay tăng rất nhẹ so với tham chiếu, nhưng sau đó lại có dấu hiệu giật quanh mức này. Trên sàn HOSE, 2 chỉ số phụ nhóm midcap và smallcap tăng nhưng VN30-Index giảm, cho thấy nhóm Large Cap đang níu chỉ số. KDC, ROS đang giảm mạnh nhất trong VN30 nhưng mức giảm chỉ hơn 2%. Ngược lại, GAS đang dẫn đầu nhóm cổ phiếu tăng giá, với mức tăng hơn 2%, theo sau là 1 cổ phiếu dầu khí khác là PLX.

Trung Quốc đã sớm công bố một số nội dung mang tính tích cực về cuộc gặp cấp thứ trưởng với Mỹ trong 3 ngày vừa qua. Nhìn chung, cuộc gặp này đang đưa ra những dấu hiệu suôn sẻ trước thềm gặp gỡ cấp cao hơn vào cuối tháng này ở Davos (Thụy Sĩ). Đây là tin tốt lành giúp chứng khoán Mỹ tăng nhẹ đêm qua. Tuy nhiên sáng nay một số chỉ số ở các thị trường chứng khoán lớn châu Á như Nikkei 225, Shanghai, Kospi… đang giảm nhẹ. VN-Index không nhất thiết phải “theo”, bởi tính từ “đáy” gần nhất 03/01 đến nay, chỉ số đã tăng hơn 2.1% và có vẻ như đang khởi động tốt cho 1 vòng tăng giá. Dù vậy, vẫn cần theo dõi kỹ hơn diễn biến sáng nay.

Nhóm ngân hàng đang có sự phân hóa với những mã lớn nhất đang giảm giá nhẹ như VCB, CTG hay BID. Đây có thể là động thái chốt lời sớm, khi các doanh nghiệp ngân hàng sớm tiết lộ kết quả làm ăn trong năm qua 2018 với tăng trưởng tích cực.

Cổ phiếu BID vẫn có vẻ ổn dù có tin cựu Phó tổng bị bắt. Giá cổ phiếu BID sáng nay mở cửa ngang tham chiếu với lệnh đặt nhỏ giọt.

Có vẻ dầu khí là tâm điểm sáng nay, khi một loạt ông lớn như GAS, PVD, PVS, OIL… tăng giá. Dù đêm qua giá dầu thế giới giảm nhẹ, nhưng tính từ đầu năm, giá dầu cả Brent lẫn WTI đã hồi hơn 10%, đem lại kỳ vọng lạc quan hơn cho ngành dầu khí. Ngoài ra, bên cạnh ngân hàng và BĐS, các doanh nghiệp dầu khí cũng rất được mong chờ sớm công bố kết quả kinh doanh cả năm.

Hoàng Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Chứng khoán phái sinh 10/01: Khối ngoại ngừng bán ròng (09/01/2019)

>   Vietstock Daily 10/01: Lấy lại sắc xanh (09/01/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 09/01: Kết phiên trong sắc xanh (09/01/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 09/01: Basis thu hẹp (08/01/2019)

>   Vietstock Daily 09/01: Tiếp tục tích lũy (08/01/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 08/01: Thu hẹp đà giảm (08/01/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 08/01: Hồi phục ngắn hạn (07/01/2019)

>   Vietstock Daily 08/01: VN-Index khó vượt 900 điểm (07/01/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 07/01: Dừng sát mốc 890 điểm (07/01/2019)

>   Vietstock Weekly 07-11/01/2019: Hình thành giai đoạn tích lũy? (06/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật