Thứ Năm, 17/01/2019 10:49

Nhiều trạm BOT muốn thu phí lại

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay chủ trương sẽ thu phí trở lại ở trạm thu phí BOT Cai Lậy nhưng hiện chưa chốt phương án cụ thể.

Ngày 16-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết cấp có thẩm quyền chưa có quyết định cuối cùng về phương án xử lý đối với trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình.

Giữ nguyên vị trí trạm

Tuy nhiên, theo ông Huyện, phương án được Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đang hướng tới là vẫn giữ nguyên vị trí trạm thu phí BOT Cai Lậy và tiến hành miễn, giảm phí qua trạm. Đây cũng là một trong 2 phương án mà Bộ GTVT trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Chủ trương là sẽ phải thu phí trở lại. Tuy nhiên, hiện chưa chốt phương án xử lý cụ thể. Có lẽ sau Tết Kỷ Hợi sẽ quyết định thời điểm thu phí và phương án xử lý cũng như thu phí tại trạm BOT Cai Lậy như thế nào" - ông Huyện cho hay.

Với dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp mở rộng Quốc lộ (QL) 3 đoạn Km75 đến Km100, Tổng cục Đường bộ sẽ làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để xem xét giảm giá, tính lại phương án tài chính trên cơ sở mở rộng đối tượng giảm giá và tăng vùng miễn, giảm, kéo dài thời gian thu phí. Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ cùng nhà đầu tư rà soát lại lưu lượng, các điều kiện an toàn giao thông, phương án kết nối rồi thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đang bị giới tài xế phản đối vì đặt ở Hà Nội nhưng thu phí cho dự án BOT xây dựng QL2 (đoạn tránh TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), ông Huyện cho biết do mức phí thấp (10.000 đồng/lượt với ôtô con) nên dự án này còn hơn 400 tỉ đồng mới đủ hoàn vốn. Hiện Tổng cục Đường bộ đang đàm phán với nhà đầu tư, làm việc với UBND TP Hà Nội để có phương án cho trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài.

"Với các dự án BOT như Thái Nguyên - Chợ Mới, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Bộ GTVT đều đã báo cáo tổng thể với Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT làm việc với địa phương và nhà đầu tư dự án. Hiện nay, các trạm BOT này cũng chưa thể chốt được kế hoạch thu phí trở lại mà mới chỉ đang làm việc với địa phương và nhà đầu tư" - ông Huyện thông tin.

Đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa đầu tư theo hình thức BOT vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: THANH TUẤN

Qua trạm, mất phí oan?

Trong khi đó, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Công an tỉnh, UBND TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Hiệp hội Ôtô Thanh Hóa để tham vấn ý kiến về phương án thu phí dịch vụ, trong đó có việc tiếp tục sử dụng trạm thu phí tại thị xã Bỉm Sơn (Km286+397, QL1) nhằm thực hiện hoàn vốn đầu tư tuyến đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa theo hình thức BOT, để sở này có cơ sở tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Bộ GTVT.

Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây (đường tránh phía Tây) TP Thanh Hóa khởi công vào tháng 8-2015 theo hình thức BOT, dài 6 km, tổng kinh phí đầu tư là 1.014 tỉ đồng, do liên danh Công ty CP Bitexco và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng Công ty Xây dựng đường thủy, Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Hồng Hà, Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh làm nhà đầu tư. Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa là doanh nghiệp dự án. Theo phê duyệt, tuyến đường được đưa vào sử dụng từ tháng 12-2017 nhưng đã chậm đến cuối năm 2018.

Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào dự án Xây dựng QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa, theo hình thức hợp đồng BOT và sử dụng trạm thu phí tại Km286+397 trên QL1 (thị xã Bỉm Sơn) cách tuyến đường này khoảng 40 km, để hoàn vốn cho dự án. Thời gian hoàn vốn là 13 năm 8 tháng.

Dù Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa mới có văn bản gửi các cơ quan, ban ngành và Hiệp hội Ôtô Thanh Hóa xin tham gia ý kiến phương án thu phí nhưng rất nhiều nhà xe, doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đã không đồng tình với phương án sử dụng trạm thu phí BOT đặt trên tuyến QL1 tại thị xã Bỉm Sơn, bởi phương tiện của họ hầu như không đi qua tuyến đường này, thậm chí không vào tới TP Thanh Hóa bao giờ nhưng khi qua trạm vẫn mất phí oan.

Theo báo cáo của Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa, ngày 6-12-2018, Bộ GTVT đã họp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bên đã thống nhất lựa chọn phương án tiếp tục sử dụng trạm Bỉm Sơn (Km286+397 QL1) để hoàn vốn tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa, bởi đặt trạm thu phí trên đường tránh phía Tây để hoàn vốn là không khả thi, do theo hướng Bắc - Nam các phương tiện có thể lựa chọn đi theo 3 tuyến (QL1 qua trung tâm TP Thanh Hóa, theo tuyến tránh phía Đông và phía Tây). Vì thế, nếu đặt trạm thu phí trên tuyến phía Tây thì các phương tiện sẽ sử dụng 2 tuyến còn lại, do không mất phí. Hơn nữa, trên tuyến tránh phía Tây chủ yếu thu hút các phương tiện từ các huyện phía Tây theo hướng QL45 và QL47 đi về phía Bắc và Nam. Tuy nhiên, chỉ trong phạm vi tuyến tránh phía Tây đã có tới 16 vị trí giao cắt nên các phương tiện có thể sử dụng để tránh mất phí.

Theo đó, phương án sẽ thu phí 15.000 đồng/lượt/xe con (các phương tiện khác chưa thấy nhắc đến), có chế độ miễn, giảm phí cho người dân khu vực lân cận trạm và không tăng phí trong suốt quá trình khai thác.

Chưa rõ ngày trạm hoạt động chính thức

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Phòng Kế hoạch Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, cho biết sở này đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa giao chủ trì làm việc với các đơn vị liên quan lấy ý kiến để tham mưu cho UBND tỉnh có ý kiến trả lời Bộ GTVT. "Hiện sở đang lấy ý kiến của các sở, ngành và vừa gửi thông báo, tài liệu. Hiện chưa biết ý kiến các ngành thế nào, khi nào có báo cáo, tổng hợp cụ thể chúng tôi sẽ thông tin" - ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, hiện chưa rõ ngày trạm thu phí hoạt động chính thức, vì sau khi UBND tỉnh có phương án gửi Bộ GTVT thì bộ còn phải trình Thủ tướng, khi đó sẽ làm phương án thu cụ thể. "Bộ GTVT cũng yêu cầu nhà đầu tư tính kỹ các phương án từ đặt trạm thu phí đến việc giảm phí, tỉnh Thanh Hóa cũng có ý kiến về việc miễn, giảm phí cho các phương tiện quanh khu vực trạm, trong phạm vi bán kính ra sao..." - ông Việt thông tin thêm.

 

Đã có kế hoạch thu phí trở lại BOT Cai Lậy

Sáng 16-1, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty BOT Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết đã có kế hoạch thu phí trở lại ở BOT Cai Lậy. Dự kiến thời gian thu lại là qua Tết nguyên đán. Nhân sự, phương án thu phí lại đã chuẩn bị xong. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể và tuyên truyền cho đợt thu phí này sẽ được Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang họp thống nhất, sau đó BOT sẽ có buổi họp báo trước khi thu phí lại.

Phương án thu phí lại là giữ nguyên vị trí trạm thu phí hiện tại, tiếp tục giảm giá chung (giảm khoảng 30%) cho tất cả các phương tiện qua trạm so với ban đầu. Cụ thể, phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) giảm từ 25.000 đồng/xe/lượt xuống còn 15.000 đồng. Đây là mức thu thấp nhất trong tất cả dự án BOT trên QL1 hiện nay. Đồng thời, mở rộng phạm vi miễn, giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận. Chẳng hạn, đối với thị xã Cai Lậy sẽ áp dụng miễn, giảm thêm xã Long Khánh và phường 2; đối với huyện Cái Bè giảm thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội... Theo tính toán, với phương án này, thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 13 năm (trước đây dự kiến hơn 7 năm). Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Đến nay, tỉnh chưa họp với Bộ GTVT và thời gian thu phí lại cũng chưa nắm được. Tuy nhiên, trước khi thu phí lại cũng có họp báo để công bố thông tin và phương án".

Trước đó, BOT Cai Lậy khi đưa vào thu phí đã liên tục bị tài xế phản ứng bằng nhiều cách vì cho rằng đặt sai vị trí trạm thu phí. Bộ GTVT trình Chính phủ giảm phí nhưng vẫn không thu được và phải tạm ngưng thu phí hơn 1 năm qua.

M.Sơn

Văn Duẩn - Thanh Tuấn

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Nút thắt dòng tiền ở Dự án NMNĐ Thái Bình 2 (17/01/2019)

>   Gã khổng lồ Amazon nhảy vào Việt Nam: Ai hưởng lợi? (17/01/2019)

>   Chánh án TAND Tối cao: Xử nghiêm vụ án Vũ "nhôm" để thu hồi tài sản (16/01/2019)

>   Yêu cầu xử lý tập thể, cá nhân vi phạm ở tuyến metro số 1 (16/01/2019)

>   Vinasun và Grab cùng kháng cáo bản án sơ thẩm (16/01/2019)

>   Hầu hết dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam đều là "rác" (16/01/2019)

>   CPTPP bắt đầu đi vào thực thi tại Việt Nam: Mừng nhiều, lo không ít (16/01/2019)

>   Khởi tố, bắt cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma (16/01/2019)

>   Bộ GTVT ủng hộ ứng dụng gọi xe công nghệ (16/01/2019)

>   Rủi ro gì từ dòng vốn Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam? (16/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật