Nhận tin vui về thương mại, các chuyên gia tích cực hơn về kinh tế Trung Quốc năm 2019
Sau hàng loạt những vấn đề khiến nhà đầu tư đau đầu, thì một số thông tin tích cực về kinh tế Trung Quốc dần dần hé lộ.
Khả năng tiến tới một thỏa thuận thương mại (dù là bị giới hạn) với Mỹ cùng với việc tăng cường kích thích kinh tế của Trung Quốc khiến một số chuyên gia lạc quan hơn về triển vọng năm 2019 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Căng thẳng thương mại leo thang là câu chuyện nổi bật trong năm 2018 và dường như đã giáng một đòn vô cùng nặng nề lên cả nền kinh tế và thị trường tài chính của hai quốc gia, trong đó Trung Quốc có vẻ bị tác động mạnh hơn.
Tuy vậy, tình hình đã thay đổi phần nào sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày. Trước đó trong tháng này, cuộc họp thương mại giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh đã diễn ra khá tốt đẹp (bất ngờ kéo dài sang ngày thứ ba) và các cuộc đàm phán kế tiếp vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. Thậm chí, còn có tin Mỹ đang cân nhắc gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc để tiến tới một thỏa thuận. Tất cả những yếu tố trên đã đủ để tạo nên bầu không khí tích cực trên thị trường.
“Điểm đáng chú ý ở đây là cả hai bên đều chịu áp lực để tiến tới một thỏa thuận”, Stefan Hofer, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại LGT Bank ở Hồng Kông, nói với phóng viên trong ngày thứ Ba (21/01), cho rằng đây là “một điều gì đó buộc phải xảy ra”.
Dự báo cơ sở của LGT là cả hai bên sẽ tiến tới một thỏa thuận vào giữa năm 2019, nhưng Hofer cho biết giờ là lúc để nhảy vào thị trường Trung Quốc.
“Tôi nghĩ việc nhà đầu tư tham gia vào thị trường Trung Quốc giờ là khá ổn”, ông cho hay.
Trong một báo cáo ngày thứ Năm (17/01), công ty tư vấn Eurasia Group cho biết họ nhận thấy ngày càng nhiều tín hiệu tiến tới một thỏa thuận sơ bộ trong năm nay. Theo quan điểm của họ, phần lớn chủ yếu là do Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn xoa dịu thị trường và có một chiến thắng trước khi bước vào giai đoạn tái bầu cử năm 2020.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vấn đề thương mại sẽ được giải quyết.
“Cả hai bên chỉ mới đạt bước tiến nhỏ về các vấn đề cấu trúc cốt lõi – trọng tâm trong cuộc xung đột thương mại này”, Eurasia Group lên tiếng cảnh báo.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc căng thẳng thương mại dịu bớt và không áp thêm thuế sẽ đánh dấu một bước đột phá lớn. Cùng với đó, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế tại Trung Quốc cũng góp phần tạo ra một triển vọng tươi sáng hơn.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|