Năm 2019, khắc phục căn bản tình trạng kinh tế 4.0 nhưng quản lý 1.0
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành kế hoạch và đầu tư, sáng 16/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đã thành công với năm bản lề và cần hướng tới những năm tiếp theo.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo Bộ trưởng, năm 2019 là năm bứt phá để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Mỗi năm đều có những khó khăn, thách thức và yếu tố thuận lợi riêng nhưng cần kiên định lập trường cải cách, đổi mới, vươn lên, từ đó, sẵn sàng ứng phó với những biến động, củng cố sự vững vàng, độc lập, tự chủ của nền kinh tế để hướng tới mục tiêu thịnh vượng, bền vững.
Nhìn lại năm 2018, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho biết việc đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã cho thấy, nền kinh tế đã có bước phát triển tích cực, từng bước củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước sự thay đổi của kinh tế thế giới.
Việc đạt tốc độ tăng GDP là 7,08% và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tài chính, thương mại thế giới có nhiều biến động, nhiều nền kinh tế tăng trưởng chậm lại là một minh chứng rõ nét.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2019, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại và tác động của căng thẳng thương mại là hiện hữu, xu hướng bảo hộ thương mại và căng thẳng địa chính trị chứa đựng nhiều nguy cơ rủi ro.
Ở trong nước, những tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế tuy bước đầu được giải quyết nhưng vẫn cần nhiều thời gian để khắc phục. Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh đã có nhiều chuyển biến rõ nét nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ, thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp...
Năm 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là năm chuẩn bị hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và bước sang một thập niên mới; đòi hỏi nền kinh tế phải có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa để hoàn thành vượt các mục tiêu đề ra.
Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư đã nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm của năm 2019 là tận dụng bằng được các cơ hội đem lại, dù là nhỏ nhất để phát triển bứt phá.
Đà tăng trưởng kinh tế tích cực đã có được 2 năm qua; các ngành, lĩnh vực, địa phương đang có xu thế tăng trưởng tốt; nhiều quyết sách tiếp tục phát huy hiệu quả. Cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là về công nghệ, kỹ thuật, quản lý và làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu dự báo tiếp tục chảy về khu vực năng động; trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Vì vậy, cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đón nhận có chọn lọc và đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
Cùng đó, tiến trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều dư địa và ngày càng được đẩy mạnh. Niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được củng cố.
"Kiên định mục tiêu, giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm hướng tới đạt được sự phát triển bứt phá không chỉ cho năm 2019 mà còn nhiều năm tiếp theo; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một nước có mức thu nhập trung bình cao, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, tiến bộ và công bằng về xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa cải cách, đổi mới, sáng tạo...," Bộ trưởng khẳng định."
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các cấp, các ngành ra sức thi đua, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đạt kết quả bứt phá trong tất cả các chính sách, giải pháp đã đề ra, tập trung một số bứt phá trọng tâm gồm: phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân.
Theo Bộ trưởng, cần nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tiến trình thực hiện 3 đột phá chiến lược, trọng tâm là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực và cơ cấu đầu tư công; tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả đột phá về hạ tầng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trên nền tảng hiệu quả của hợp tác đối tác công-tư.
Cùng với đó, nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo gắn liền với ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển các mô hình sản xuất thông minh, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu của cả nước, trọng tâm là hai thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0 gắn kết với thị trường quốc tế.
(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế. Song song với đó, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời, khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và "kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0."
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của năm 2019, trên cơ sở tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm 2018 vừa qua, đúc rút kinh nghiệm của giai đoạn trước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho hay trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đổi mới, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng là phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế; chính sách huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, cụ thể hóa các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Thúy Hiền
Vietnam+
|