Lộ diện “nhóm quyền lực” đứng sau thương vụ 7.400 tỷ ở Vinaconex
Ông Đào Ngọc Thanh chính là đại diện của An Quý Hưng - đơn vị chi 7.367 tỷ đồng mua lô cổ phiếu thoái vốn của SCIC và trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát Vinaconex...
Đó là thông tin được công bố tại Đại hội cổ đông bất thường của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) ngày 11/1.
Vinaconex đã tiến hành bầu xong các vị trí chủ chốt nhiệm kỳ mới.
|
Công ty TNHH An Quý Hưng - nhà đầu tư đã trúng giá trọn lô 57,71% cổ phiếu tương ứung 7.367 tỷ đồng của SCIC trong đợt đấu giá cuối năm 2018 đã chính thức lộ điện. Theo đó, với tư cách là cổ đông lớn nhất nắm quyền kiểm soát Vinaconex, An Quý Hưng đã cử đại điện là ông Đào Ngọc Thanh tham gia cuộc Đại hội cổ đông bất thường này.
Ông Đào Ngọc Thanh là gương mặt khá quen thuộc trong giới địa ốc Việt. Ông chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana (CSC) và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API). Ông là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng - chủ đầu tư khu đô thị Ecopark.
Tại đại hội, ông Thanh cho biết, mình đến với tư cách nhóm cổ đông của An Quý Hưng, với chuyên ngành xây dựng, ông Thanh nói rằng muốn "tập hợp anh em lại" để làm được điều gì đó cho Vinaconex. Phải làm sao để thương hiệu Vinaconex được treo lên tất cả các toà nhà, như Coteccons…
"Các cổ đông cứ yên tâm, một câu nói không thể đưa Vinaconex vào top 4 công ty xây dựng được mà phải cố gắng rất nhiều. Vinaconex kinh doanh đa ngành nghề nhưng chúng ta phải biến Vinaconex trở thành chủ đầu tư của các khu đô thị lớn. Chúng ta phải xây dựng những khu đô thị kiểu mẫu tầm cỡ quốc tế", ông Thanh nói.
Trong khi đó Nguyễn Văn Đông, Tổng giám đốc An Quý Hưng khẳng định Vinaconex có nhiều tài sản, đầu tư đa ngành nhưng cơ chế nhà nước không thể phát huy hết tiềm năng. Về lâu dài, Vinaconex xác định lĩnh vực xây dựng là trụ cột để làm trụ đỡ phát triển mảng đầu tư.
Đại hội cổ đông bất thường của Vinaconex đã tiến hành miễn nhiệm và bầu cử thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát. Đây là phiên họp đầu tiên kể từ sau thương vụ nhà nước bán vốn thu về gần 10.000 tỷ cuối năm 2018.
Theo đó, cổ đông của Vinaconex có thay đổi như sau: An Quý Hưng nắm 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ giữ 21,3% vốn và Đầu tư Star Invest nắm 7,57% vốn. Ba cổ đông lớn này nắm hơn 87% vốn của Vinaconex.
Đại hội đã thống nhất thông qua đơn từ nhiệm của 7 thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Nguyễn Đức Chi, ông Đỗ Trọng Quỳnh, ông Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Anh Tùng, ông Phạm Văn Hải, ông Lê Đăng Dũng, bà Nghiêm Phương Nhi.
Đồng thời 5 thành viên Ban Kiểm soát cũng bày tỏ ý nguyện từ nhiệm và được thông qua là ông Đặng Thanh Tuấn, bà Kiều Bích Hoa, ông Vũ Hồng Tuấn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang và ông Bùi Anh Vũ.
Về hội đồng quản trị, cổ đông nhất trí bầu ông Đào Ngọc Thanh được làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022. Các thành viên khác gồm ông Thân Thế Hà, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Xuân Đông, Dương Văn Mậu, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Hữu Tới.
Là tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa vào năm 2006, Vinaconex đã đưa cổ phiếu lên sàn HNX vào năm 2008. Với số vốn điều lệ ban đầu năm 2006 là 1.499,8 tỷ đồng, qua 3 lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của Tổng công ty đạt 4.417,1 tỷ đồng.
Theo thông tin từ phía Vinaconex, công ty này đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác.
Bạch Huệ
vneconomy
|