Liều thuốc tăng trưởng
Sau khi Thủ tướng Chính phủ kêu gọi ngành ngân hàng (NH) có giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hàng loạt NH thương mại đã có động thái giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 6,5% xuống 6%/năm. Với vị thế thị phần rộng lớn có tính dẫn dắt thị trường, động thái hạ lãi suất của các NH trên có thể kéo theo nhiều NH khác giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Việc giảm lãi suất thể hiện sự đồng hành, chia sẻ của NH với các doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên. Đây như một liều thuốc hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí tài chính nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao hơn năm 2018. Bởi nhóm doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên chiếm tỉ trọng rất lớn, năng lực xuất khẩu của nhóm này cũng chiếm đa số trong tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của nước ta.
Mặt khác, việc NH giảm lãi suất còn thể hiện chủ trương đúng đắn của Chính phủ và NH Nhà nước. Năm 2019 ổn định lãi suất trong bối cảnh trên thị trường quốc tế có xu hướng đi lên, đồng thời hướng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên thay cho dòng vốn đi vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, BOT, BT…
Thế nhưng, lãi suất giảm sẽ làm khả năng sinh lời của NH giảm theo. Vậy bài toán đặt ra là NH phải làm gì để bảo đảm chỉ tiêu lợi nhuận? NH cần quản lý danh mục cho vay sao cho hợp lý, tiếp tục tiết giảm chi phí kinh doanh… để lợi nhuận nếu có sụt giảm cũng không đáng kể. Bên cạnh đó, NH phải giám sát chặt việc cho vay đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng, xin cho vay vốn với lãi suất "mềm" 6%/năm.
Theo quy định hiện nay, đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, các NH không được huy động quá 5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được thả nổi. Còn trần lãi suất cho vay đối tượng ưu tiên là 6,5%/năm.
Tuy nhiên, để kinh tế phát triển bền vững, về lâu dài, chúng ta không nên can thiệp quá sâu lãi suất bằng cách áp dụng trần lãi suất cho vay vì đó là mệnh lệnh hành chính. Thay vào đó, nên để thị trường tự điều tiết bởi lãi suất luôn biến động theo tín hiệu thị trường, tăng hay giảm đều phát xuất từ quan hệ cung cầu tín dụng.
TS Cấn Văn Lực
Người Lao động
|