Giữa lúc căng thẳng leo thang, Trung Quốc kêu gọi Mỹ tạo mối quan hệ có lợi cho đôi bên
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong ngày thứ Tư (23/01), Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, Wang Qishan, cho biết cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh “đang gây tổn hại tới lợi ích của đôi bên”.
Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, Wang Qishan
|
Bài phát biểu được nhiều người háo hức chờ đợi của ông Wang Qishan ở Davos diễn ra trước ngày 02/03/2019 – hạn chót để Mỹ và Trung Quốc tiến tới một thỏa thuận thương mại mới.
Washington và Bắc Kinh bị mắc kẹt trong cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” trong vài tháng vừa qua, khi cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bất đồng về nhiền vấn đề.
“Về phần nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ, tôi tin họ đang trong trạng thái không thể thiếu nhau”, ông Wang cho biết. “Đây là một sự thật, chẳng bên nào có thể ổn mà không có bên kia. Vì vậy, kết luận ở đây là cần phải có mối quan hệ tạo lợi ích cho cả đôi bên và cả hai cùng thắng”.
Thỏa thuận đình chiến tạm thời
Diễn đàn Kinh tế Thế giới là nơi tụ họp các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu trên thế giới và lúc đầu, đây được cho là nơi tạo nền tảng để cả hai bên tổ chức đàm phán thương mại. Thế nhưng, Nhà Trắng đột nhiên hủy bỏ chuyến đi của phái đoàn Mỹ tới sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong tuần trước vì tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa.
Vòng đàm phán kế tiếp dự kiến diễn ra vào cuối tháng này, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, tới gặp gỡ các quan chức Mỹ ở Washington.
Trước đó, Mỹ đã áp thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc – và đã đe dọa áp thuế lên phần hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả lại bằng cách áp thêm thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ, nhằm vào các ngành quan trọng về chính trị như nông nghiệp.
Sau bữa ăn tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, vào đầu tháng 12/2018, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tạm thời ngưng leo thang căng thẳng thương mại trong 90 ngày. Trong thời gian đó, họ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại trước hạn chót 01/03/2019.
Ông Trump cho biết sẽ không triển khai kế hoạch nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như dự kiến ban đầu là đầu tháng 1/2019. Hạn chót tháng 3/2018 là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo và có thể dễ dàng thay đổi.
“Làn sóng chống lại toàn cầu hóa sẽ dần bị đào thải”
Ngay sau bài phát biểu của ông Wang, Klaus Schwab – Chủ tịch điều hành của WEF – đã hỏi quan điểm của ông Wang về toàn cầu hóa.
Ông thẳng thừng trả lời: “Hiện giờ, chúng tôi đối mặt với rất nhiều sự mất cân bằng... Và đối với nhóm người cảm thấy sự mất cân bằng, họ đang phản ứng lại theo cách của họ. Tôi tin điều đó là dễ hiểu và không thể tránh khỏi”.
“Đối với những ai hoài nghi về toàn cầu hóa vì những sự mất cân bằng, một khi lợi ích của họ được bảo vệ tốt thì làn sóng chống lại toàn cầu hóa này sẽ bị đào thải”, ông nói thêm.
Trong nhiều thập kỷ qua, hầu hết chuyên gia đều gật gù đồng tình rằng toàn cầu hóa sẽ giúp kích thích tăng trưởng tiền lương và tạo thêm việc làm – không chỉ cho các quốc gia phát triển mà còn cho các quốc gia nghèo hơn trên thế giới.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, làn sóng phản ứng dữ dội toàn cầu hóa từ chủ nghĩa dân túy vẫn đang nổi lên. Điều này khiến nhiều người tỏ ra giận dữ khi công việc của họ bị ảnh hưởng bởi sự tự động hóa, các ngành công nghiệp cũ dần biến mất.
Tuần này, Trung Quốc thông báo nền kinh tế tăng trưởng yếu nhất trong gần 3 năm. Vì thế, nỗi lo sợ về đà giảm tốc toàn cầu lại leo thang và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 và 2020.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|