Định danh 300 hành vi gây phiền hà, tiêu cực của cán bộ hải quan
Ngành hải quan đã định danh, định dạng 300 hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực để làm cơ sở giám sát cán bộ, công chức trong nội bộ ngành.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu tại hội nghị
|
Đó là thông tin được ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nêu tại hội nghị công bố báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 8/1.
Tham gia cuộc khảo sát năm 2018 có 3.061 doanh nghiệp, trong đó 46% từ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, 33% thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 17% từ các doanh nghiệp nhà nước. 45% doanh nghiệp trả lời hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất nhập khẩu, 36% là các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu; tỷ lệ các doanh nghiệp dịch vụ logistics và đại lý hải quan lần lượt là 2% và 1%.
Chi phí, trong đó có chi phí ngoài quy định (thường được gọi là phí bôi trơn) luôn được coi là gánh nặng của doanh nghiệp Việt Nam.
Ở cuộc khảo sát này, có 52% doanh nghiệp cho biết không bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định.
Có 34% doanh nghiệp không biết có bị phân biệt đối xử hay không. Chỉ có 15% doanh nghiệp cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu (năm 2015 là 31%).
Trong số các doanh nghiệp nhận thấy bị phân biệt đối xử, hình thức phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục (93%). Ngoài ra, 69% phản hồi cho rằng doanh nghiệp có thể bị gây khó khăn trong lần làm thủ tục sau. Các hình thức phân biệt khác bao gồm yêu cầu giấy tờ, chứng từ không theo quy định (48%) và thái độ không văn minh lịch sự (41%).
Khảo sát năm 2018 tiếp tục thu thập phản ánh của doanh nghiệp về đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của cán bộ, công chức hải quan tương tự như khảo sát năm 2015.
5 tiêu chí được sử dụng để đánh giá cán bộ, công chức hải quan là: văn minh, lịch sự; thực hiện đúng thẩm quyền; công tâm, tận tụy; coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác; và nhanh chóng, chính xác khi giải quyết công việc.
Khảo sát 2018 cho thấy phần lớn doanh nghiệp đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương và tác phong làm việc của công chức ở mức bình thường, dao động từ 51% đến 56% ở cả 5 tiêu chí.
Song điểm tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của công chức hải quan năm 2018 ở mức cao/rất cao đã tăng đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2015.
Cụ thể, năm 2018 có 46% doanh nghiệp đánh giá công chức hải quan văn minh, lịch sự khi tiếp xúc (năm 2015 tỷ lệ này là 34%). 45% doanh nghiệp cho biết công chức hải quan thực hiện đúng thẩm quyền (năm 2015 là 38%). 39% doanh nghiệp nhận thấy cán bộ hải quan công tâm, tận tụy khi thi hành công vụ ở mức cao/rất cao (năm 2015 là 30%).
37% đánh giá cao/rất cao về cán bộ hải quan "coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác" (năm 2015 là 32%) và 37% đánh giá cao/rất cao về cán bộ hải quan "nhanh chóng, chính xác khi giải quyết công việc" (năm 2015 là 30%).
Phát biểu tại hội nghị, ông Cường nhấn mạnh sự quan tâm đến chi phí ngoài quy định của cộng đồng doanh nghiệp và cho biết ngành hải quan đặc biệt quan tâm đến việc chống phiền hà, sách nhiễu tiễu cực trong nội bộ.
Ngành đã rà soát và đang triển khai một loạt giải pháp, như quy định thanh tra kiểm tra, đã định danh, định dạng 300 hành vi gây phiền hà sách nhiễu tiêu cực để làm cơ sở giám sát, ông Cường cho biết.
Giải pháp tiếp theo được ông Cường đề cập là giảm kiểm tra bằng thủ công, trang bị hệ thống camera trực tuyến từ Tổng cục xuống chi cục, theo đó thì từ Tổng cục có thể nhìn được cấp dưới thực thi công vụ thế nào.
Vẫn theo vị Phó tổng cục trưởng thì ngành hải quan đã mô tả 183 vị trí việc làm và sẽ tiếp tục đánh giá lại thực trạng để sắp xếp phù hợp hơn.
Kết quả của khảo sát được công bố hôm nay cũng mừng nhưng chưa vui vì còn một số nơi còn có tiếng này tiếng khác với dân, với doanh nghiệp ông Cường nói.
Nguyên Vũ
VNEconomy
|