Thứ Năm, 24/01/2019 09:00

Cổ phiếu buộc rời sàn: Sẽ có thêm những câu chuyện buồn trong năm 2019?

Khi đưa cổ phiếu lên sàn, các doanh nghiệp mong muốn mở ra cơ hội lớn để khẳng định tên tuổi và tiếp cận với kênh huy động vốn tiềm năng. Thế nhưng không phải ai cũng tận dụng được lợi thế này, thậm chí trước nhiều áp lực quy định về tính minh bạch, nhiều đơn vị buộc phải dừng cuộc chơi.

Theo thống kê của Vietstock, trong năm 2018 có 12 doanh nghiệp bị hủy niêm yết, trong đó có 2 doanh nghiệp trên HOSE, 2 doanh nghiệp trên HNX và đến tận 8 doanh nghiệp trên UPCoM. Tổng khối lượng hủy lên đến 400 triệu cổ phiếu. Hết phân nửa số doanh nghiệp hủy là do không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng.

Chuyện buồn của KSA

Đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT) là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh mức độ minh bạch của một doanh nghiệp. CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA) buộc phải hủy niêm yết 93.43 triệu cp kể từ ngày 02/08/2018 để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư vì vi phạm nghĩa vụ CBTT. KSA lên sàn HOSE lần đầu năm 2010 với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 60,000 đồng/cp, đến lúc rời sàn giá chỉ còn 500 đồng/cp. Sau 8 năm trên sàn, cổ phiếu KSA gần như “tàng hình” so với giá trong ngày giao dịch đầu tiên 27/07/2010.

Biến động giá cp KSA từ khi lên sàn đến lúc hạ sàn

Trước đó cổ phiếu KSA đã bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 17/05. Được biết, tính đến hết ngày 02/07/2018, KSA vẫn chưa thực hiện công bố thông tin về BCTC kiểm toán 2017, Báo cáo thường niên 2017, công bố thông tin nghĩa vụ nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước, việc chốt danh sách tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 đồng thời Công ty chưa đưa ra tiến độ cụ thể công bố thông tin các báo cáo nêu trên.

Trước khi bị hủy niêm yết, KSA dính vào khá nhiều vụ lùm xùm trong nội bộ và chủ tịch HĐQT bà Phạm Thị Hinh phải viết tâm thư giải bày trước khi bà đưa đơn từ nhiệm. Cụ thể, bà Hinh tố giác một nhóm đối tượng "đục nước béo cò" nhằm chia rẽ nội bộ Công ty, gây mất đoàn kết, mất phương hướng, niềm tin của các nhà đầu tư để rồi liên kết với một số cá nhân và công ty chứng khoán thu gom cổ phiếu với giá rẻ nhằm chiếm quyền, thâu tóm Công ty như họ đã từng làm với chính cổ phiếu KSA trước đây và một số công ty khác.

Quá nhiều lùm xùm xảy ra trong 2 quý đầu năm 2018 với Công ty thế nên tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan. Riêng trong quý 2/2018, doanh thu thuần giảm tới 96% so với cùng kỳ, chỉ đạt 4.3 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán có cùng mức giảm với doanh thu, ghi nhận 3.7 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm 91%, đạt 324 triệu đồng. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của KSA giảm 74% khi đạt 34.8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ với kết quả 984 triệu đồng.

Hủy niêm yết để sáp nhập hoặc giải thể

Từ khi xuất hiện “công nghệ xe ôm 4.0” của Grab hay Uber, thị phần Taxi Mai Linh giảm đáng kể, dẫn đến nhiều bết bát về kết quả kinh doanh. Sau nhiều thời gian chống chọi đến ngày 29/06, CTCP Mai Linh miền Bắc (MLN) và CTCP Mai Linh miền Trung (MNC) chính thức hủy niêm yết tổng cộng hơn 58 triệu cp để hợp nhất với Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Group).

MLN và MNC sẽ chuyển toàn bộ tài sản, quyền sở hữu và nghĩa vụ hợp pháp sang cho công ty hợp nhất (lấy tên là CTCP Tập đoàn Mai Linh) và chấm dứt sự tồn tại. Công ty hợp nhất sẽ phát hành cổ phần để hoán đổi toàn bộ cổ phần đang lưu hành của các công ty bị hợp nhất và Tập đoàn Mai Linh sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại.

CTCP Hóa Chất Đức Giang - Lào Cai (DGL) cũng hủy gần 100 triệu cp đang niêm yết trên HNX từ ngày 05/09 do sáp nhập vào CTCP Bột giặt và Hóa Chất Đức Giang (HNX: DGC) với tỷ lệ hoán đổi 1:1. Sau thời gian dài đi ngang, cổ phiếu DGL bật tăng mạnh trước ngày hoán đổi, tạo đỉnh xấp xỉ mức 40,000 đồng/cp, tương ứng tăng khoảng 30% từ đáy.

Trường hợp của CTCP Khoáng sản Mangan (MMC) hủy niêm yết với 3.16 triệu cp từ ngày 28/06 do Công ty giải thể. Trước đó tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2017 diễn ra vào ngày 30/10/2017, các cổ đông đã thông qua phương án giải thể MMC và giao toàn quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục có liên quan. Được biết, MMC đã hết giấy phép khai thác, kết thức thời hạn hoạt động và buộc phải làm thủ tục giải thể Công ty. MMC tiền thân là xí nghiệp Mangan được thành lập vào 2001 với vốn chủ sở hữu 8 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là khai thác, chế biến, thu mua quặng Mangan.

Biến động giá của MNC, MLN, BCI, DGL, MMC trước khi hủy niêm yết

Không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng

Có 6 cổ phiếu buộc phải rời sàn do không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng bao gồm: CTCP Đầu tư Xây dựng Thanh Niên (TNY), CTCP Softech (FST), CTCP Thủy điện Sông Chảy 5 (SCH), CTCP Đầu tư Thương mại VNN (VNN), CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) và CTCP Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Ô Tô PTM (PTM).

Theo điểm c, khoản 1, điều 25 của Luật chứng khoán năm 2006, Công ty đại chúng là công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên. Cả 6 doanh nghiệp kể trên đều có số lượng cổ đông dưới 100 nên không đủ tiêu chuẩn là công ty đại chúng.

Song song đó, hầu hết cổ phiếu của công ty bị hủy niêm yết trong nhóm này đều không có thanh khoản, rất hiếm khi có giao dịch khớp lệnh. Có khi cả năm không khớp lệnh bao giờ như SFT hay SCH. Giá trị cổ phiếu đi ngang, khi hủy niêm yết chỉ ở mức cốc trà đá.

Biến động giá của TNY, SFT, SCH, VNN, FSC, PTM trước khi hủy niêm yết

Năm 2019, cổ phiếu nào có nguy cơ bị hủy niêm yết?

Đã có 12 doanh nghiệp chính thức rời cuộc chơi trên TTCK Việt Nam, đâu đó cũng trong năm 2018 một số doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng kiểm soát hoặc hạn chế giao dịch và rồi có nguy cơ hủy niêm yết trong năm 2019.

Liên quan đến vấn đề BCTC, CTCP SDP (HNX: SDP) có BCTC năm 2017 bị tổ chức kiểm toán từ chối ra ý kiến về khoản mục lợi nhuận sau thuế trong kỳ báo cáo lỗ và chuyển từ lãi ở kỳ trước sang lỗ ở kỳ này, hiện cp SDP đã bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch. Tương tự, BCTC bán niên 2018 của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (HOSE: PTC) cũng bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra kết luận khi ghi nhận số lỗ 7.3 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến cuối quý 2/2018 lên mức hơn 21 tỷ đồng, cùng với đó là cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát.

CTCP Đầu tư Thương mại Thủy sản (HOSE: ICF) đang trong diện kiểm soát khi Công ty có khả năng lỗ 3 năm liên tiếp. Cụ thể năm 2016, ICF ghi nhận lỗ gần 32 tỷ đồng, lỗ năm 2017 là 29 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Công ty lỗ hơn 2.4 tỷ đồng.

Không khác ICF, CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (HOSE: PPI) cũng có kết quả kinh doanh gần 3 năm thua lỗ trong năm 2016, 2017 và 9 tháng năm 2018 lần lượt là 37 tỷ đồng, 85 tỷ đồng và 28 tỷ đồng. Kể từ ngày 19/04/2018, cổ phiếu PPI bị đưa vào diện bị kiểm soát.

Như vậy, nếu BCTC kiểm toán năm 2018 của ICF và PPI cho kết quả thua lỗ thì cả hai đơn vị này buộc phải hủy niêm yết theo quy định.

Trường hợp của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) có thể nói “thoát khỏi một bàn thua trông thấy”. Theo BCTC quý 4/2018, AGF ghi nhận lỗ lũy kế 282 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp là 281 tỷ đồng, thuộc đối tượng bị hủy niêm yết nếu BCTC kiểm toán không có gì thay đổi. Song, AGF vừa công bố BCTC kiểm toán 2018 với kết quả lỗ giảm khoảng 11 tỷ đồng so với BCTC trước kiểm toán, đồng nghĩa lỗ lũy kế của Công ty chỉ còn 270 tỷ đồng, chưa vượt vốn điều lệ.

Tuy vậy, với những khó khăn đang đối mặt thì có vẻ như rủi ro về việc hủy niêm yết vẫn còn đeo bám AGF trong năm 2019.

2 doanh nghiệp khác cũng có nguy cơ bị hủy niêm yết do có liên quan đến khoản mục vốn chủ sở hữu là AAM cùng với CMI. CTCP Thủy sản Mekong (HOSE: AAM) có vốn điều lệ đã góp giảm xuống dưới 120 tỷ đồng tính theo giá trị ghi trên BCTC kiểm toán 6 tháng đầu năm 2018 và đang trong diện cảnh báo, còn CTCP CMISTONE Việt Nam (HNX: CMI) có vốn chủ sở hữu của Công ty âm gần 80 tỷ đồng tại ngày 30/09/2018 và đang bị kiểm soát kể từ ngày 25/10/2018.

Kết lại, nhiều nhà đầu tư sẽ lâm vào tình trạng bế tắc, dở khóc dở cười khi nắm giữ cổ phiếu rời sàn nhưng ở một khía cạnh nào đó, sự đào thải là điều tất yếu để thanh lọc TTCK Việt Nam về dài hạn.

Phương Nguyễn

FILI

Các tin tức khác

>   INN: Thông báo chấp thuận niêm yết bổ sung 720,000 cổ phiếu (14/01/2019)

>   POW chính thức xông đất trên HOSE (14/01/2019)

>   NVL: Quyết định thay đổi niêm yết (14/01/2019)

>   VHE chính thức đưa 8.8 triệu cp lên sàn với giá tham chiếu 15,000 đồng/cp (14/01/2019)

>   CTD: Thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (11/01/2019)

>   RAT: Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (11/01/2019)

>   E1VFVN30: Thông báo về việc niêm yết và giao dịch chứng chỉ quỹ ETF thay đổi niêm yết (11/01/2019)

>   VCB: Thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (10/01/2019)

>   FTS: Thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (10/01/2019)

>   May Quốc tế Thắng Lợi sắp lên UPCoM (10/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật