Chủ tịch Minh Phú: Kế hoạch 2019 lãi gấp đôi, thương vụ phát hành có giá trị 230-250 triệu USD
Chiều ngày 17/01, tại buổi Analyst meeting của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC), Chủ tịch Lê Văn Quang cho biết, năm 2019 Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2,300 tỷ đồng và dự kiến M&A nhà máy để tăng công suất.
* ĐHĐCĐ Minh Phú: “Trên thế giới không ai giỏi hơn MPC về quy trình sản xuất cũng như chế biến, nhưng...”
Ông Lê Văn Quang cho biết, năm 2019 Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2,300 tỷ đồng
|
Năm 2019 nhiều thuận lợi, MPC mạnh tay đặt kế hoạch lợi nhuận hơn gấp đôi
Năm 2018, MPC xuất khẩu đạt 67,440 tấn, tăng 19.55% so năm trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 751 triệu USD, chỉ tăng 7.59% do giá tôm giảm 25%. Sở dĩ giá tôm giảm do nguồn cung dư cầu khi sản lượng của Ấn Độ rất tốt; đồng thời khi chiến tranh thương mại xảy ra thì Trung Quốc tập trung xuất khẩu trước khi bị áp thuế, không chỉ tôm mà các sản phẩm khác. Điều này dẫn đến việc kẹt cảng, hết kho nên chi phí tăng cao.
Về chỉ tiêu tài chính, năm 2018 tổng doanh thu của MPC sơ bộ 2 đơn vị chính là 24,071 tỷ đồng, lãi gộp 2,112 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,208 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1,129 tỷ đồng.
Sau khi đánh giá một số tình hình như lượng tôm nguyên liệu của Việt Nam theo công nghệ cao thì sản lượng và hiệu quả tốt (thậm chí trái vụ vẫn có hiệu quả), lợi nhuận cao nên kích thích người nuôi tôm. Thêm vào đó, do tình hình năm 2018 nguyên liệu giảm nhưng vẫn còn cao, trong khi đó giá tôm giảm nhiều nên một số doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, có doanh nghiệp đã phải đóng cửa nhà máy, ngân hàng không cho vay… Vì thế dù nguồn cung tăng lên, nhưng nhu cầu các nhà máy giảm nên nguyên liệu dồi dào hơn, khiến giá nguyên liệu đầu vào của MPC giảm nên lợi nhuận tốt hơn.
Thêm vào đó, sau khi khảo sát tình hình của các doanh nghiệp Ấn Độ, sau vụ một giá tôm giảm mạnh thì các doanh nghiệp và người nuôi ở đây không có lời, nên trong vụ 2 các doanh nghiệp này treo ao nhiều nên sản lượng nuôi tôm ước tính cả năm không tăng.
Ông Quang cho hay, giá xuất khẩu năm 2019 dự kiến có xu hướng giảm nhưng sẽ không giảm mạnh như năm 2018. Trên cơ sở đó, MPC đặt kế hoạch năm 2019 với tổng sản lượng xuất khẩu 77,400 tấn (tăng trưởng 14.67%), kim ngạch 850 triệu USD, lợi nhuận trước thuế mang về 2,000 tỷ đồng. Còn đối với vùng nuôi, sau khi thử nghiệm công nghệ nuôi 2-3-4, vào mùa khô MPC bắt đầu đẩy mạnh vùng nuôi lên 554 ao với sản lượng ước đạt 11,080 tấn, ước lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế của MPC năm 2019 là 2,300 tỷ đồng.
“Hiện nhà máy của MPC đã hết công suất, để giải quyết vấn đề này, theo tính toán xa hơn, khi có các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào thì MPC dự kiến sẽ M&A nhà máy để tăng công suất” – ông Quang tiết lộ.
Đối với MPC, năm nay xuất vào Mỹ thuận lợi hơn trong đó yếu tố quan trọng là Công ty vĩnh viễn không thuộc diện bị áp thuế chống bán phá giá. Thêm vào đó, bắt đầu từ năm 2018, Mỹ kiện chương trình truy suất nguồn gốc từ nguyên liệu đầu vào rất khắt khe khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ không đáp ứng được, trong khi MPC đã đầu tư làm các phần mềm để đáp ứng được yêu cầu này.
Về cơ hội từ hiệp định CPTPP, ông Quang cho biết, đối với Nhật, Canada đã có hiệp định song phương thuế bằng 0 nên CPTPP không có lợi nhiều về thuế, cơ bản chỉ lợi về thể chế, minh bạch hóa... mà thôi. Còn với châu Âu sẽ giảm được thuế tương đối nên sẽ là cơ hội cho xuất khẩu vào thị trường này.
Giá trị thương vụ phát hành cho đối tác chiến lược khoảng 230-250 triệu USD
Liên quan đến việc phát hành riêng lẻ, MPC hiện vẫn đang rà soát lần cuối cùng, đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược trong việc bán cổ phần và cố gắng chốt lại trước khi diễn ra ĐHĐCĐ sắp tới. Giá trị thương vụ này khoảng 230-250 triệu USD.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 11/2018, ông Quang cho biết, đối tác mà MPC cần thu hút trong đợt phát hành này là bổ sung nguồn vốn và cả giá trị cho Công ty, còn nếu không phải là đối tác chiến lược mà muốn chiếm đa số thì giá phải cao hơn ít nhất 30%. “Hiện tại, đã có nhiều nhà đầu tư chiến lược muốn mua với các tỷ lệ như 35.1%, 30% và 15%, đặc biệt có một nhà đầu tư muốn mua khoảng 35.1% vốn của MPC cộng với 15% của gia đình Chủ tịch nhằm nắm 51% MPC, thậm chí đối tác này còn muốn mua 65% với giá tốt nhưng chưa đạt kỳ vọng của MPC. Mức giá mà MPC kỳ vọng phải cao ít nhất 20-30% thì Công ty mới bán. Ngoài ra, cũng có đối tác muốn mua với điều kiện không bị hạn chế chuyển nhượng.” - ông Quang tiết lộ.
Thanh Nụ
Fili
|