Vàng thế giới tăng hơn 1% tuần qua bất chấp đà suy yếu trong phiên
Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (21/12), rút khỏi đỉnh 6 tháng nhưng vẫn khép lại tuần qua với đà tăng mạnh, khi đà lao dốc gần đây của thị trường chứng khoán – vốn càng tồi tệ hơn do thông điệp chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – đã giúp thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 2 lùi 9.80 USD (tương đương 0.8%) xuống 1,258.10 USD/oz, nhưng vẫn tăng 1.4% trong tuần qua, dữ liệu từ FactSet cho thấy. Hợp đồng này đã xóa gần hết đà tăng 0.9% để khép phiên ngày thứ Năm (20/12) tại mức 1,267.90 USD/oz – mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 25/06/2018.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay gần như đi ngang tại mức 1,259.34 USD/oz.
Mặc dù giá vàng đã tăng mạnh trong vài tháng gần đây, vọt hơn 5% từ đầu quý 4 đến nay, thì kim loại quý vẫn mất gần 4% từ đầu năm đến nay.
Frank Holmes, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc đầu tư tại U.S. Global Investors, nhận định: “Với việc Mỹ có lãi suất thực rất cao và vàng không đem lại lợi suất, vàng đã giảm trong bối cảnh đồng USD tăng. Tuy nhiên, nhìn chung, tôi đã rất bất ngờ rằng vàng vẫn khởi sắc rất tốt giữa lúc đồng USD mạnh”.
Vào ngày thứ Sáu, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tiến 0.7% khi các hợp đồng vàng tương lai chốt phiên, nhưng vẫn giảm 0.5% trong tuần qua. Dẫu vậy, chỉ số này vẫn tăng trong quý 4 và trong năm nay.
“Kim loại quý đã thể hiện mối quan hệ nghịch chiều mạnh mẽ với đồng USD trong suốt năm 2018, và mối tương quan này đang diễn ra trong ngày hôm nay”, David Madden, Chuyên gia phân tích thị trường tại CMC Markets, nói trong một lưu ý nghiên cứu.
Từ đầu quý đến nay, vàng đã có thành quả vượt trội so với chỉ số S&P 500, khi chỉ số này đã lao dốc 16% kể từ cuối tháng 9/2018.
Các tài sản có rủi ro đã chao đảo trong tuần này, bao gồm chịu ảnh hưởng từ giá dầu thô cùng với việc Dow Jones và S&P 500 đang ở chế độ bị bán tháo sau khi Fed nâng lãi suất chuẩn thêm 0.25% lên phạm vi 2.25-2.5%. Tuy nhiên, cơ quan này hiện dự báo nâng lãi suất 2 đợt trong năm 2019, mà không phải 3 đợt như đã dự báo trước đó trong tháng 9/2018, và vẫn dự báo chỉ có 1 đợt nâng lãi suất vào năm 2020.
Bên cạnh đó, trong phiên ngày thứ Sáu, vàng đã suy yếu sau khi dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng nhanh hơn thu nhập trong tháng 11. Thước đó tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cũng đạt 98.3 trong tháng 12, cao hơn dự báo 97.2 từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của MarketWatch.
Ngoài ra, GDP quý 3 tại Mỹ đã tăng 3.4%, thấp hơn một chút so với dự báo tăng trưởng GDP đạt 3.5%. Trong khi đó, số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tăng 0.8% trong tháng 11, trùng khớp với dự báo từ các chuyên gia kinh tế.
Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 3 lùi 1.1% xuống 14.702 USD/oz, nhưng vẫn tiến 0.4% trong tuần qua. Hợp đồng đồng giao tháng 3 mất 0.8% còn 2.674 USD/lb, qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong tuần lên 3.2%.
Hợp đồng paladi giao tháng 3 sụt 2.8% xuống 1,158.70 USD/oz và giảm 1.1% trong tuần qua. Hợp đồng bạch kim giao tháng 1 gần như đi ngang tại mức 795.80 USD/oz. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 1.3%.
Diễn biến giá vàng giao ngay 3 phiên vừa qua
Nguồn: Kitco
|
Diễn biến giá vàng giao ngay trên sàn New York
Nguồn: Kitco
|
An Trần
Fili
|