Sau khi Hòa Phát đánh tiếng mua, Thái Hưng bắt đầu đăng ký bán Gang thép Thái Nguyên
CTCP Thương mại Thái Hưng vừa có thông báo đăng ký bán 18.4 triệu cp CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) trong thời gian rất ngắn chỉ 24-28/12/2018 theo phương thức khớp lệnh nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư.
* Hòa Phát muốn mua Gang thép Thái Nguyên, vậy Thái Hưng tính sao?
Hiện Thái Hưng đang nắm giữ 36.8 triệu cp cp, chiếm 20% vốn TIS với khá nhiều người đại diện phần vốn và nắm giữ chức vụ tại đây. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuấn vừa là Chủ tịch Thái Hưng đồng thời là Chủ tịch TIS; ông Trịnh Gia Tâm - Phó TGĐ Thái Hưng đồng thời là Ủy viên HĐQT TIS; bà Nguyễn Thúy Nga và ông Bùi Quang Hưng cùng là Thành viên BKS TIS.
Ngoài Thái Hưng là cổ đông lớn, hiện Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, UPCoM: TVN) cũng đang nắm 65% vốn của TIS.
Liệu có sự chuyển giao nào không khi mà hồi tháng 9, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã đánh tiếng có ý định mua dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, và bây giờ Thái Hưng lại công bố muốn đăng ký bán bớt vốn?.
Thái Hưng có áp dụng "chiêu bài" mua bán tại TIS như đã từng làm tại CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) hay không?
Cụ thể, Thái Hưng bắt đầu gom VIS vào thời điểm cuối năm 2016 đầu 2017 và đến tháng 5/2018 thì nâng sở hữu lên 65% sau quá trình vừa chào mua công khai vừa gom nhỏ lẻ. Lúc này, thị trường đồn đoán Thái Hưng đang ngày càng bành trướng hoạt động kinh doanh khi song song mua gom cả VIS và TIS cùng lúc.
Tuy nhiên, mọi sự bắt đầu sáng tỏ khi Thái Hưng vừa sở hữu chi phối VIS thì cơ chế "cởi" room ngoại cũng bất ngờ được VIS thông qua. Đây chính là bước dọn đường cho Kyoel Steel nhảy vào dù trước đó, vào cuối năm 2017, tổ chức này đã được Thái Hưng chuyển nhượng 20% vốn VIS.
Ngay sau khi được "thả cửa" room ngoại thì Kyoei Steel liên tục gom vào VIS và đến tháng 8/2018, tổ chức này đã tăng sở hữu lên tới 71.77% vốn VIS đồng thời đưa người vào quản trị ở những vị trí cốt cán như Chủ tịch HĐQT Toshimasa Zako, Tổng Giám đốc Yoichi Hoshino, Phó Tổng Satoshi Oda, Satoshi Sugino, Hidekazu Fukunishi…
Ngược lại, Thái Hưng đến thời điểm này đã giảm sở hữu xuống chỉ còn nắm 20% vốn với 1 thành viên HĐQT tại VIS.
Quan sát biến động cổ phiếu VIS, có thể thấy qua thương vụ này, Thái Hưng đã thu lời không ít khi giai đoạn mua vào chỉ dưới 20,000 đồng/cp, trong khi giai đoạn bán ra có lúc biến động lên 35,000 đồng/cp.
Được biết, Thái Hưng có tuổi đời 25 năm, với sản phẩm thép, phôi thép của Công ty không chỉ tạo dựng được chỗ đứng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mà còn vươn ra nhiều địa phương trong cả nước và thị trường thế giới. Đến nay, Thái Hưng có 12 công ty con và chi nhánh, 2 công ty tham gia góp vốn cổ phần.
Tổng tài sản toàn hệ thống của Thái Hưng đạt khoảng 9,000 tỷ đồng; doanh thu bình quân hàng năm đạt từ 18,000 - 20,000 tỷ đồng… Đặc biệt, trong năm 2018, Thái Hưng tham gia thêm trong ngắn hạn lĩnh vực bất động sản với dự án khu đô thị tại phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) với tổng vốn đầu tư 2,100 tỷ đồng. Thái Hưng đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành top 3 doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm đạt trên 30,000 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu TIS đang có mức giảm khá mạnh trong 1 tháng qua, tới hơn 16%, xuống sát mệnh giá với 10,600 đồng/cp chốt phiên 21/12.
Biến động cổ phiếu TIS trong vòng 12 tháng qua
|
Thái Hương
Fili
|