Thứ Năm, 13/12/2018 11:00

Những rục rịch tại ASM đang cho thấy điều gì?

Người nhà Chủ tịch Lê Thanh Thuấn đang muốn tăng sở hữu ASM lên trên 51% ngay sau khi ASM vừa tăng sở hữu “con cưng” IDI lên trên 51%... Những động thái này tại ASM đang cho thấy điều gì khi mà thời gian qua cả hai cổ phiếu này đã tạo ra không ít con sóng?

Được thành lập từ năm 1997, ASM trưởng thành trong 2 cuộc khủng hoảng kinh tế lớn năm 1997 và 2008 với không ít khó khăn và thách thức. Những năm sau đó, nền kinh tế trong nước đang dần hồi phục thì ASM cũng có những bước tiến xa, nhất là việc chính thức lên sàn HOSE vào ngày 18/01/2010.

Trong suốt thời gian đầu giao dịch, ASM là một trong những cổ phiếu nóng khi khối lượng giao dịch tăng cao, có thời điểm giá đẩy lên đến 80,000 đồng/cp.

Tuy nhiên, "niềm vui lớn chẳng tày gang", vận đen kéo đến với ASM vào đầu năm 2011 khi xuất hiện cùng lúc tin đồn Công ty sắp phá sản, rồi mâu thuẫn trong Ban lãnh đạo cùng việc một cổ đông lớn bán ra tới 1.5 triệu cp… khiến cổ phiếu ASM không ngừng rớt giá.

Giá cổ phiếu của ASM từ khi lên sàn ngày 18/1/2010 đến nay

Tham vọng đa ngành

ASM ban đầu là một doanh nghiệp nhỏ với ngành nghề chính là thi công xây lắp công trình tại các tỉnh miền Tây. Không dừng lại ở đó, ASM nhanh chóng định hướng trở thành Tập đoàn đa ngành.

Những năm 2002 – 2003, ASM thực hiện “phát súng” mở đầu cho công cuộc thành Tập đoàn đa ngành khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và dịch vụ. Từ đó, trên dưới 100 dự án bất động sản, du lịch, trung tâm thương mại hay cao ốc văn phòng do ASM làm chủ đầu tư trải dài qua 12 tỉnh thành trong cả nước được công bố.

Rồi trong năm 2003, ASM mở rộng thêm lĩnh vực mới là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản bằng việc thành lập IDI. Cũng trong chuỗi mở rộng ngành, ASM đầu tư vào lĩnh vực du lịch, hiện đã chi phối và kiểm soát 3 công ty du lịch chủ yếu khai thác khu resort Sao Mai Bà Rịa - Vũng Tàu (73 phòng nghỉ và 26 Bungalow), khu cư xá Agifish và các văn phòng cho thuê.

Đến năm 2016, ASM phát triển thêm lĩnh vực năng lượng sạch với 2 dự án điện mặt trời tại An Giang có tổng công suất hơn 340MW đang được hoàn tất các thủ tục đầu tư và các dự án tiếp theo tại Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ được triển khai sau đó.

Đến nay, ASM hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, thủy sản, lương thực thực phẩm, du lịch, xây dựng, đầu tư tài chính, năng lượng sạch và xuất khẩu lao động.

Đi cùng với những biến chuyển đó, ASM cũng đã có 8 lần tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên cũng đáng lưu ý, đến thời điểm hiện tại, trong cơ cấu cổ đông lớn của ASM thì đều là 4 thành viên trong gia đình, không có sự góp mặt của người ngoài. Và sắp tới, con trai Chủ tịch Lê Thanh Thuấn đang muốn tăng sở hữu lên trên 51% ASM mà không cần phải chào mua công khai khiến thị trường thêm phần thắc mắc bởi hiện tại ông Tuấn Anh chỉ sở hữu hơn 7.9 triệu cp ASM, tương ứng với tỷ lệ 3.27%.

Dịch chuyển nguồn thu từ bất động sản sang cá tra

Trong những năm đầu hoạt động, ASM gặt hái nhiều kết quả khả quan và có lẽ 2010 là một năm đại thắng lợi khi 3 chỉ tiêu biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận ròng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Bất động sản từng là nguồn thu chủ lực, đóng góp phần lớn cho ASM. Thời điểm bất động sản đang ở đỉnh cao, ASM tung ra hàng loạt các dự án, một số dự án nhóm đất nền mà ASM khai thác như khu dân cư Bình Thạnh Trung (60 tỷ đồng), TTTM Lấp Vò (154.4 tỷ đồng), khu dân cư Sao Mai Bắc QL 91 (104.79 tỷ đồng), khu dân cư Hội An (42.5 tỷ đồng), khu TMDV bến xe Châu Đốc (43.7 tỷ đồng), khu dân cư Bến Tre (76.88 tỷ đồng), khu dân cư công viên Ngọc Hầu, Châu Đốc (78.1 tỷ đồng), khu dân cư Cà Mau (529 tỷ đồng),… Một số dự án mà ASM thực hiện xây dựng nhà ở, căn hộ như khu đô thị cao cấp Bình Khánh 3 (425 tỷ đồng), khu đô thị cao cấp Sao Mai Bình Khánh 5 (634 tỷ đồng), khu đô thị cao cấp Sao Mai (99.25 tỷ đồng),…

Ngoài ra, ASM còn chuẩn bị xây dựng khu đô thị mới Sao Mai Xuân Thịnh với các phân khu nhà ở, khu thương mại – dịch vụ, công viên, khách sạn 5 sao, trường học, chợ, khu thể thao… nổi bật là Bệnh viện quốc tế Sao Mai có quy mô 500 giường, vốn đầu tư 1,500 tỷ đồng.

Phối cảnh Bệnh Viện Quốc tế Sao Mai trong Dự án KĐT mới Sao Mai - Xuân Thịnh Thanh Hóa.

Hiện tại ngành bất động sản có dấu hiệu chững lại thì ngành cá tra bắt đầu khởi sắc, vì thế nguồn thu của ASM trong năm 2018 có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu như trong năm 2017 doanh thu bất động sản đạt mức 465 tỷ đồng, gấp gần 5.5 lần so với doanh thu cá xuất khẩu, thì 9T/2018, doanh thu cá xuất khẩu đạt đến 1,775 tỷ đồng, gấp 5 lần so với doanh thu từ bất động sản.

Cơ cấu nguồn thu của ASM trong năm 2017 và 9T/2018
Vòng ngoài: 9T/2018
Vòng trong: Năm 2017

Nguyên cớ cho sự chuyển dịch là do năm 2018 chẳng mấy ưu đãi với bất động sản khi tín dụng cho bất động sản thắt chặt và lãi suất cao, người dân có thu nhập thấp không đủ khả năng mua dù họ có nhu cầu thật sự. Thêm vào đó, tại một số địa phương, bắt đầu có sự cạnh tranh trong phân khúc nền đất mà lâu nay Công ty đang đầu tư.

Châu Á đang là thị trường lớn nhất với tỷ trọng hơn 64% doanh thu IDI, đây cũng là thị trường được dự đoán là điểm sáng của ngành cá tra Việt Nam trong thời gian tới. Ở khu vực Nam Mỹ, IDI đang chiếm thị phần lớn nhất tại Mexico với 13.5%. IDI cũng chiếm 12.2% thị phần ở Colombia và 4% thị phần ở Brazil. Tại châu Âu, năm 2017, IDI xuất khẩu tăng hơn gấp đôi so với năm 2016, đạt hơn 5.6 triệu USD. Đối với Mỹ, hiện IDI chỉ xuất khẩu các sản phẩm không chịu thuế bán phá giá như cá nguyên con, cá cắt khúc.

Về lĩnh vực thủy sản, khi nhà máy chế biến thức ăn đi vào hoạt động, IDI chủ động được lượng cá, nguyên liệu đáp ứng hầu hết tất cả các yêu cầu đơn hàng… Hiện tại, diện tích tự nuôi cá và nuôi liên kết của IDI đạt gần 240 ha (40 ha tự nuôi và 200 ha liên kết) đảm bảo cơ cấu nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đông lạnh đạt khoảng 90 - 95% so với nhu cầu nguyên liệu của năm 2018. Về sản xuất, IDI có 2 nhà máy chế biến với công suất 450 tấn/ngày.

Nhờ đó, trong năm 2018, IDI được xem như là “gà đẻ trứng vàng” khi mang lại nhiều lợi nhuận cho ASM khiến đơn vị này mạnh tay gom cổ phiếu IDI để hợp nhất báo cáo tài chính. Tính đến đầu tháng 12, ASM đang nắm giữ hơn 93 triệu cp, tương ứng với 51.23% vốn điều lệ IDI.

Tình hình kinh doanh của IDI trong vài năm gần đây

Nợ vay, tồn kho cao… có là điểm khó cho ASM?

Tình hình tài chính của ASM đã khởi sắc qua các năm, bức tranh lợi nhuận đang đà tăng cao, cơ cấu tài sản cũng mở rộng. Lũy kế 9 tháng năm 2018, doanh thu thuần của ASM đạt mức 5,149 tỷ đồng, tăng 250% so với cùng kỳ, thực hiện hơn 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt mức 1,111 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần cùng kỳ năm trước và vượt 24% kế hoạch năm. Còn lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 957 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm trước.

Tất nhiên cũng cần phải lưu ý, nguồn thu đột biến của ASM một phần nhờ vào việc gom thêm 429 tỷ đồng cho khoản mục doanh thu tài chính trong việc đánh giá lại khoản đầu tư vào IDI và thanh lý tài sản từ CTCP Du lịch An Giang.

Về cơ cấu tài sản – nguồn vốn, so hồi đầu năm, tài sản của ASM “phình” lên gấp đôi ở mức 11,130 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho của ASM lên tới 2,134 tỷ đồng, tăng hơn 812 tỷ đồng so hồi đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 2,874 tỷ đồng, trong đó, hơn 1,196 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn khách hàng. ASM cũng phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 53.3 tỷ đồng, trong khi đầu năm không ghi nhận.

Sau khi thâu tóm IDI, cùng với doanh thu tăng mạnh thì ASM cũng phải đối mặt với tình trạng các khoản phải thu và hàng tồn kho tăng mạnh. Việc doanh thu tăng, song các khoản phải thu tăng theo là một trong những yếu tố bất thường tại nhiều doanh nghiệp, tạo nên rủi ro với nợ khó đòi trong dài hạn.

Về nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 48% ở mức 5,386 tỷ đồng. Riêng về khoản mục nợ phải trả của ASM, vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn chiếm tỷ lệ khá lớn với 77%. Tập đoàn hiện đang nợ nhà cung cấp 408 tỷ đồng cả ngắn và dài hạn, một số nhà cung cấp lâu đời của ASM bao gồm CTCP Seatecco, Công ty TNHH MTV Toàn Cầu, Công ty TNHH Jiangsu Muyang Holdings,…

Tình hình dòng tiền của ASM

Dòng tiền qua các năm của ASM khá “gập ghềnh” trong giai đoạn 4 năm gần đây, đáng lưu ý vào năm 2017 có pha “ngược dòng” so với 9T/2018, dù ghi nhận doanh thu và có lợi nhuận song dòng tiền kinh doanh lại ở mức âm gần 330 tỷ đồng, trong khi đó dòng tiền đầu tư và dòng tiền tài chính lại ghi nhận dương lần lượt 160 tỷ đồng và 211 tỷ đồng. Xét cho thời kỳ gần đây, lũy kế đến tháng 9 năm 2018, dòng tiền kinh doanh ở mức 935 tỷ đồng, tỷ số dòng tiền kinh doanh/doanh thu thuần là 38%. 

Dù cho bức tranh về kinh doanh đang có điểm sáng thì hiện tại trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ASM không được đánh giá cao khi chỉ ở mức mệnh giá.

Sau 20 năm hoạt động, ở tuổi sung sức của thanh niên, ASM liệu có khiến nhà đầu tư đủ tin tưởng với những chỉ số tài chính, những phương cách định hướng trong thời gian tới hay không?

Phương Nguyễn

FILI

Các tin tức khác

>   E1VFVN30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 05/12/2018 (06/12/2018)

>   TTE: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền (06/12/2018)

>   GMC: Nghị quyết HĐQT về kết quả bầu Chủ tịch và các Thành viên, bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc (06/12/2018)

>   ICF: Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Kế toán trưởng (06/12/2018)

>   TIP: Đề nghị chấp thuận gia hạn công bố BCTC năm 2019 (06/12/2018)

>   GMC: Nghị quyết và biên bản ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 (06/12/2018)

>   VFC: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018 (06/12/2018)

>   VLC: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018 (06/12/2018)

>   PTB: Thông báo về việc nhận chuyển nhượng 98% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Văn Phú - Mineral (06/12/2018)

>   MWG: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 19 (06/12/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật