Nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong năm 2019 Khép lại năm 2018, tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN) | Tuy nhiên một số chỉ tiêu kinh tế vẫn chưa đạt được, trong khi dự báo năm 2019 sẽ là năm sẽ có nhiều thách thức lớn đối với Thành phố có số dân hơn 13 triệu người. Một năm nhiều thách thức Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong năm 2018, Thành phố trải qua nhiều khó khăn, thách thức lớn như đón và làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, giám sát từ các cơ quan Trung ương; trong đó có nhiều vụ việc rất phức tạp, kéo dài từ các nhiệm kỳ trước, vô cùng khó khăn trong quá trình giải quyết như Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu công nghệ cao (quận 9), dự án Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi), khu đất 8-12 Lê Duẩn, khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1)... “Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp thành phố nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới; tuy nhiên cũng có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính. Cũng do diễn ra nhiều cuộc thanh tra, điều tra, truy tố nên ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư, chưa kể sự phối hợp giữa các cơ quan và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức cơ quan nhà nước của thành phố,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ. Mặt khác, việc tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT theo Công văn số 3515 ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính, đã gây đình trệ quá trình đàm phán, tiến độ thực hiện nhiều dự án trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng của thành phố. Một số dự án trọng điểm, quy mô lớn của thành phố thi công chậm do vướng thủ tục pháp lý, cơ chế thanh toán, xác nhận về giải ngân vốn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của thành phố như tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), tuyến metro tuyến số 2 (Bến Thành-Tham Lương)... Tính đến ngày 31/10/2018, cả bảy dự án sử dụng nguồn vốn vay lại của Chính phủ chỉ giải ngân được 102 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch (4.884 tỷ đồng). Cùng với đó, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị chậm so với kế hoạch nên nguồn thu từ cổ phần hóa theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội chưa thực hiện được nên chưa có nhiều nguồn vốn đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng của thành phố. Vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng Tuy trải qua nhiều khó khăn, thách thức kể trên nhưng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đà tăng trưởng. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết năm 2018 thành phố đạt và vượt 17/20 chỉ tiêu, hai tiêu chí chưa đạt (thu ngân sách và thành lập mới doanh nghiệp) và một tiêu chí sẽ đánh giá vào giữa năm 2019 (chỉ số cái cách hành chính). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2017, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 13,2%; khách quốc tế đến thành phố đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,1%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,07 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ)… Mặc dù vậy thu ngân sách nhà nước của Thành phố năm 2018 đạt 369.621 tỷ đồng, đạt 98,1% dự toán; trong đó, thu nội địa 234.677 tỷ đồng, đạt 91,6% dự toán. Hồ Bán nguyệt trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN) | Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách là do năm 2018 giao dự toán khá cao. Thu từ khu vực kinh tế đạt 147.875 tỷ đồng, mặc dù tăng 15% so với cùng kỳ, nhưng cũng chỉ đạt 89,5% dự toán. Ngoài ra nhiều yếu tố khách quan cũng tác động đến nguồn thu như vướng mắc về thủ tục, doanh nghiệp có phần e ngại đầu tư nên nguồn thu từ tiền sử dụng đất giảm, tác động của các hiệp định thương mại tự do, chính sách nhập khẩu ô tô, xăng dầu, chia sẻ hàng hóa với cảng Cái Mép-Thị Vải ở Vũng Tàu, cảng tổng hợp ở Bình Dương... nên nguồn thu từ xuất nhập khẩu cũng giảm đáng kể. Đối với việc thành lập mới doanh nghiệp, năm 2018, Thành phố cấp phép thành lập mới 44.126 doanh nghiệp, chưa đạt kế hoạch 46.000 doanh nghiệp. Nguyên nhân là do số lượng hộ cá thể chuyển lên doanh nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra do người dân e ngại việc phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, hoạt động quản lý doanh nghiệp phức tạp hơn đồng thời chi phí kinh doanh tại thành phố ngày càng trở lên đắt đỏ. Ngoài ra, còn phải kể đến xu hướng hiện nay trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các doanh nghiệp dần chuyển đổi sang mô hình kinh doanh theo chuỗi (hệ thống cửa hàng, hệ thống siêu thị), từ đó hình thành các doanh nghiệp lớn, cạnh tranh thị phần với các doanh nghiệp nhỏ. Thương mại điện tử nở rộ cũng làm giảm số lượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bán lẻ truyền thống. Thi đua nước rút Nhận định về bối cảnh năm 2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố sẽ có những thuận lợi song cũng đối mặt với không ít thách thức. Tuy nhiên, Đảng bộ thành phố xác định đây là năm tăng tốc, quyết liệt, là thời cơ để thành phố thi đua nước rút, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu 5 năm 2016-2020, xác định năm 2019 là năm cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tiến hành rà soát các chương trình đột phá, bám sát thực tiễn và có giải pháp phù hợp,” Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng bước sang năm 2019, bên cạnh những thuận lợi thì nền kinh tế thành phố cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn đan xen. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế của Việt Nam nói chung; trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố xem đây là sự kiện cần phải được tập trung theo dõi để có những biện pháp phù hợp trong quản lý, điều hành kinh tế. Từ năm 2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực vừa là thời cơ, cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu của thành phố. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ đẩy mạnh truyền thông để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin và hiểu sâu hơn, vận dụng vào quá trình hoạt động sản xuất-kinh doanh, phục vụ mục tiêu phát triển thành phố. Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, thành phố xác định một số công việc trọng tâm như tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong cải cách hành chính, đẩy nhanh việc thực hiện đề án đô thị thông minh, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 54 của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,3-8,5% trong năm 2019, thực hiện bảy chương trình đột phá, đảm bảo tiến độ cụ thể theo kế hoạch giai đoạn 2018-2020. Thành phố sẽ triển khai hiệu quả, đúng quy trình, quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai theo phương châm đấu giá quyền sử dụng đất. Khai thác tối đa nguồn lực tài chính đầu tư công; theo dõi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công từ đầu năm, kiên quyết không để xảy ra tình trạng có cơ quan, đơn vị giải ngân đầu tư công có tỷ lệ ít hơn 90% so với số vốn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ khẩn trưởng triển khai đề án phát triển hệ thống logistics, xây dựng thành phố trở thành trung tâm mua sắm-thương mại, trung tâm tài chính-ngân hàng-bảo hiểm, trung tâm dịch vụ bất động sản ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Trần Xuân Tình Vietnam+
|