Ngã trên chấm... vàng!
Ngay đầu năm 2015 tại tòa nhà 17 Bến Chương Dương, quận 1, TPHCM diễn ra một cuộc họp quan trọng giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các ngân hàng. Nội dung là xử lý nợ xấu, và điểm chính là giao chỉ tiêu cho từng ngân hàng bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đại diện NHNN yêu cầu các ngân hàng trong nửa đầu năm 2015 việc bán nợ cho VAMC phải thực hiện được tối thiểu 75%. Quá giờ nghỉ trưa, cuộc họp vẫn chưa kết thúc.
Hấp lực ma mãnh của vàng ngày càng được củng cố. Ảnh: Thành Hoa.
|
Một số ngân hàng tỏ ra lo lắng thực sự vì càng bán nợ cho VAMC nhiều và ngay lập tức, càng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều, tức lợi nhuận sẽ tụt xuống. Ngân hàng được giao chỉ tiêu bán nợ thấp nhất cho VAMC lần ấy là 500 tỉ đồng. Tầm mấy ngàn tỉ đồng thì đa số ngân hàng bị phân bổ. Cái tên ngân hàng nhận được chỉ tiêu bán nợ cho VAMC cao nhất hệ thống lúc bấy giờ là 11.000 tỉ đồng đã khiến nhiều người “té ngửa”: Đông Á.
Một quan chức chi nhánh NHNN TPHCM trao đổi với người viết bài này ngay sau cuộc họp trên, Đông Á đang rất khó khăn, âm quỹ nhiều. Chuyện nghe qua rất khó tin vì cho đến lúc ấy chỉ thấy khách hàng phàn nàn các máy ATM của Đông Á hay hết tiền. Phải đến các máy đặt ở hội sở, chi nhánh mới rút được. Còn báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2012, 2013 của Đông Á bình thường. Báo cáo tài chính năm 2014 thì chưa làm xong, thường phải tháng 3-4 năm sau mới có.
Thời gian sau đó thông tin về Đông Á bắt đầu dồn dập và lan nhanh như điện. Không ai làm ngân hàng không biết Đông Á âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế. Người ta chỉ không biết chính xác con số bao nhiêu và vì sao. Thị trường ngân hàng đoán già đoán non Đông Á cho vay bất động sản, mất tiền. Nhiều người dẫn chứng tòa nhà góc đường Hàm Nghi là do Đông Á và công ty con góp vốn, đồng thời cho khách hàng vay. Mấy năm trước 2015 khi gặp gỡ báo chí dịp cuối năm, ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Đông Á, thừa nhận Đông Á có 10% cổ phần trong tòa nhà ở Hàm Nghi. Ông nói khi khánh thành, trên tầng cao nhất của tòa nhà, sẽ chạy dòng chữ DongABank vòng quanh. Khi ấy, vào ban đêm, đứng ở đâu cũng nhìn thấy.
Đông Á, dĩ nhiên, khiến NHNN “đau đầu” và hàng loạt phương án “giải cứu” được đưa ra. Một trong những phương án là giao cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) hỗ trợ thông qua việc cử người sang tiếp quản và tiếp “vốn”. Trong một báo cáo không phổ biến gửi NHNN thời điểm đó, Đông Á cho biết số lỗ khoảng gần 12.000 tỉ đồng, trong đó hai phần ba có khả năng thu hồi và phần còn lại có thể xử lý tài sản đảm bảo để lấy về. Dư nợ và giá trị tài sản một số dự án được nêu tên. Cũng có đề cập chuyện lỗ do kinh doanh vàng nhưng không đáng kể.
Lãnh đạo BIDV đồng ý tiếp quản Đông Á. Nguyên Phó thống đốc NHNN phụ trách mảng thanh tra, giám sát, ông Nguyễn Phước Thanh, sau cuộc họp của NHNN, đã gần như ký duyệt phương án này. BIDV đã chỉ định hai thành viên cao cấp trong ban tổng giám đốc chuẩn bị sang đảm nhận nhiệm vụ bên Đông Á. Chiều hôm ấy, BIDV và NHNN cùng soạn thảo xong thông báo báo chí, dự kiến sáng hôm sau họp báo. Nhưng sự bất ngờ luôn xảy ra!
Tám giờ tối cùng ngày người viết bài này nhận được cú điện thoại của một nhà đầu tư, từng nhiều năm là cổ đông Đông Á, cho biết BIDV sẽ không tiếp quản Đông Á nữa. Gọi điện cho ông Trần Phương Bình, ông xác nhận NHNN và các cơ quan chuyên môn đã chấp thuận cho Đông Á tự tái cơ cấu theo phương án trình trước đó có chỉnh sửa. Sáng hôm sau khi biết tin, một lãnh đạo của BIDV “tự ái”: “Chúng tôi đâu phải con nít???”.
Từ đấy Đông Á tiến hành một số bước tái cơ cấu, có cả phương án bán 30% cổ phần cho nước ngoài, huy động vốn cổ đông trong nước, nhưng tất cả đều không thành. Trong một cuộc phỏng vấn người đứng đầu ngành ngân hàng hồi đó, ông nói ngắn gọn vấn đề của Đông Á là vàng. Những ngân hàng khác cho vay có thế chấp bằng bất động sản. Ừ thì nhà đất đang xuống giá, nhưng mai mốt nó có thể lên giá lại. Tài sản vẫn còn đó, không biến đi đâu. Vàng thì khác. Vàng mất là hết, không còn gì.
Và ông bật mí đang có một đối tác nội có tiền tươi thóc thật muốn tham gia tái cơ cấu Đông Á. Khi ông nói tên đối tác, người viết bài này nhận ra nó không thể... hợp lý hơn! Đó là một tập đoàn sản xuất lớn, tên tuổi, vừa bán toàn bộ mảng kinh doanh cốt lõi cho nước ngoài, thu được khoảng 8.000 tỉ đồng tiền mặt. Với số tiền tươi lớn như vậy cộng với cơ chế tái cơ cấu, có thể Đông Á sẽ qua được “vận hạn”.
Hỏi nguyên chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng cổ phần có mạng lưới rộng về Đông Á, ông phân tích muốn vào Đông Á phải khảo sát kỹ (due diligence) và xác định được số thiệt hại thật. Nếu Đông Á thiệt hại tầm 10.000-12.000 tỉ đồng và có tài sản đảm bảo thì có khả năng khắc phục được.
Ba tháng sau ông trao đổi lại, cũng rất ngắn gọn: “Không được. Thiệt hại lớn quá”. Đối tác nội kia sau khi nhận được báo cáo khảo sát đã lặng lẽ rút lui.
Bây giờ khi vụ án xét xử sơ thẩm ông Bình và những người liên quan ở Đông Á diễn ra, dư luận mới được biết số liệu chính thức. Tại ngày 31-12-2015 Đông Á lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 25.451 tỉ đồng.
Vàng là thứ kim loại quý hiếm, tài sản giá trị. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hấp lực ma mãnh của vàng ngày càng được củng cố trong ít nhất 5-7 năm kế tiếp. Giới đầu tư tài chính - tiền tệ những tháng năm ấy đã tập trung dành sự chú ý cho các sàn vàng, cho sự kinh doanh vàng tài khoản của ACB và một số người ở ngân hàng này như ông Nguyễn Đức Kiên, mà không hề quan tâm đến Đông Á. Đông Á đã từng là một trong những đầu mối được kinh doanh vàng tài khoản và Đông Á đã sẩy chân vì vàng. Chỉ có điều phạm vi kinh doanh vàng của Đông Á quá khép kín nên người ta ít biết, ít để ý, để rồi khi nó vỡ ra, hậu quả tích lũy lâu ngày trở thành khó đo đếm được.
Hải Lý
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
|