Mới 'khui" được hơn 10% phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái
Thông tin trên vừa được đại diện Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái cập nhật đến hôm nay (17.12).
Rác độc hại chứa trong phế liệu nhập về TP.HCM. NG.NG
|
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái (Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM) thông tin, liên quan đến hơn 3.000 container hàng tồn đọng chủ yếu phế liệu tại cảng Cát Lái, hiện hội đồng xử lý mới mở được 358 container, chiếm hơn 10% tổng số hàng phế liệu tồn.
Theo ông Nghiệp, công việc của hội đồng là mở kiểm tra, phân loại và mời cơ quan giám định để có báo cáo chi tiết lên Tổng cục Hải quan có hướng xử lý hàng tồn theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng tồn đọng thuộc địa bàn quản lý của hải quan.
“Việc mở kiểm tra diễn ra chậm bởi việc phân loại giám định mất rất nhiều thời gian và được thực hiện cẩn trọng bởi quan điểm của cơ quan hải quan là nếu rác thải buộc chủ tàu tái xuất. Còn hàng phế liệu dùng tái sản xuất được sẽ cho bán đấu giá theo quy định”, ông Nghiệp cho hay.
Ngoài ra, theo Cục Hải quan TP.HCM, trong thời gian qua, hàng nhập khẩu phế liệu của các doanh nghiệp có đầy đủ các giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường do Bộ TN-MT cấp, còn hạn ngạch nhập khẩu, mục đích nhập khẩu về phục vụ sản xuất, có đóng ký quỹ… đều được hải quan cho tháo dỡ hàng xuống tàu, ra khỏi container để các cơ quan kiểm định kiểm tra chất lượng hàng hóa. Sau khi có thông báo kết quả chất lượng của cơ quan quản lý chuyên ngành, hải quan sẽ cho thông quan.
Tính đến ngày 17.12, có 16 container phế liệu được nhập vào cảng biển TP.HCM nhưng cơ quan hải quan không cho dỡ hàng xuống cảng do doanh nghiệp không xuất trình được giấy chứng nhận được phép nhập do Bộ TN-MT cấp.
Sau "siết" nhập khẩu phế liệu, nhiều rác phế liệu được nhập lậu vào Việt Nam. NG.NG
|
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 27/2018, cơ quan hải quan phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể khai không đủ các thông tin doanh nghiệp trên e-Manifest trước khi tàu cập cảng chủ hàng tại Việt Nam đối với phế liệu nhập khẩu. Bao gồm tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số của giấy chứng nhận/giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất...
Thứ hai là phần mô tả hàng hóa phải thể hiện đầy đủ để xác định được loại phế liệu thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất hay không. Đặc biệt, cơ quan hải quan phải có trách nhiệm thông báo cho hãng tàu/đại lý hãng tàu vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh cảng, cơ quan quản lý cảng không cho phép dỡ hàng là phế liệu từ tàu xuống cảng đối với chủ hàng không có trong danh sách tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận/giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Nguyên Nga
Thanh niên
|