Kiểm toán Nhà nước: Danh mục đầu tư của SCIC chưa hợp lý Danh mục đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) theo Kiểm toán Nhà nước là chưa hợp lý với gửi tiền có kỳ hạn là chủ yếu. Trong khi ấy, các khoản SCIC tự đầu tư bị đánh giá là hiệu quả thấp. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) | Đây là nội dung trong kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2017 của SCIC. Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện cuộc kiểm toán trên từ 3/7 đến hết 31/8. Hiệu quả thấp Theo báo cáo tại ngày 31/12/2017 tổng giá trị đầu tư bằng nguồn của SCIC là hơn 40.199 tỷ đồng, trong đó đầu tư ngắn hạn là 26.714 tỷ đồng, chiếm 66,5% tổng giá trị đầu tư, đầu tư dài hạn là 13.485 tỷ đồng chiếm 33,5% tổng giá trị đầu tư. Kiểm toán Nhà nước đánh giá, mặt làm được là SCIC đã ban hành quy trình ra quyết định đầu tư. Các dự án đầu tư đều được tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư theo thẩm quyền. Tuy nhiên, với tồn tại, cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC chưa hợp lý, chủ yếu là hoạt động gửi tiền có kỳ hạn. Cụ thể, tiền gửi có kỳ hạn là hơn 18.703 tỷ đồng, bằng 70% tổng mức đầu tư ngắn hạn. Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, lợi ích của SCIC thu được chủ yếu từ cổ tức của một số ít doanh nghiệp SCIC nhận bàn giao như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), FTel, Vinaconex,... Trong khi ấy, tỷ suất lợi nhuận của các đơn vị khác đều thấp. Theo thống kê, có 61/122 doanh nghiệp không có lợi nhuận, cổ tức được chia trong năm 2017 (tương ứng với số vốn đầu tư SCIC đang quản lý là 1.593 tỷ đồng). Nguyên nhân các doanh nghiệp không được chia cổ tức trong năm 2017 là do một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ (29/60 đơn vị), một số doanh nghiệp có lãi nhưng thấp nên doanh nghiệp không chia cổ tức (9/60 đơn vị). Cũng có trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký kinh doanh (2/60 đơn vị) hoặc tỷ lệ vốn của SCIC thấp nên không quyết định được việc chia cổ tức (17/60 đơn vị). Kiểm toán Nhà nước đánh giá: Các khoản SCIC tự đầu tư hiệu quả thấp, tỷ suất sinh lời năm 2017 là 6,4% trên giá trị vốn đầu tư. Theo đánh giá, chủ yếu lợi tức từ khoản đầu tư như trái phiếu Chính phủ (330 tỷ đồng), trái phiếu MB Bank (101 tỷ đồng), Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (26,8 tỷ đồng). Trong khi ấy, nhiều khoản đầu tư hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả. Cụ thể như một số khoản đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện đã không mang lại hiệu quả như phương án ban đầu. Ví dụ, SCIC góp vốn vào Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng với tổng giá trị đầu tư là 489 tỷ đồng từ năm 2009, cổ tức đã nhận được từ năm 2013-2017 là 135 tỷ đồng. Hoặc, góp vốn vào Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh với tổng giá trị đầu tư là trên 571 tỷ đồng từ năm 2009. Từ thời điểm đầu tư đến nay SCIC mới nhận được cổ tức với mức 5% tương đương với 25,7 tỷ đồng (cổ tức năm 2012). Theo báo cáo của SCIC, nguyên nhân chủ yếu là do các dự án thi công chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng, khi đi vào hoạt động gặp sự cố kỹ thuật nhiều. Tại 2 công ty nhiệt điện này, SCIC đã triển khai việc bán vốn nhưng không có nhà đầu tư quan tâm và đăng ký tham gia mua cổ phần. Đầu tư bất động sản, vốn bị tồn đọng Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, SCIC đầu tư, góp vổn mua cổ phần của một số công ty kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chậm triển khai trong thời gian dài dẫn tới số tiền đầu tư của SCIC bị tồn đọng nhiều năm, gây lãng phí vốn. Ví dụ như việc góp vốn vào dự án của Công ty cổ phần Đầu tự và Dịch vụ Thăng Long, SCIC đầu tư hơn 110 tỷ đồng từ năm 2008 để triển khai dự án xây dựng cao ốc, văn phòng, căn hộ tại khu đất số 6 Thăng Long (phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, tới nay, dự án chưa triển khai. Với dự án này, SCIC dùng quyền sử dụng đất để hợp tác, góp vốn với các đối tác để thành lập pháp nhân thực hiện dự án. Tuy nhiên thủ tục góp vốn, chuyển quyền sử dụng đất sang pháp nhân mới gặp nhiều khó khăn, không thực hiện được từ 2009 đến nay dẫn đến dự án không thể triển khai. Tương tự, báo cáo kiểm toán cũng dẫn việc góp vốn vào dự án của Công ty cổ phần Đầu tư SCIC - Bảo Việt. Cụ thể, SCIC góp 199 tỷ đồng từ năm 2007 đến nay, để hợp tác với Bảo Việt Nhân Thọ thực hiện dự án "Tháp Tài chính" trên khu đất địa chỉ 220 Trần Duy Hưng, quận cầu Giấy, Hà Nội. Tới nay, dự án cũng chưa triển khai. "Nguyên nhân do tỷ lệ góp vốn giữa SCIC và Bảo Việt Nhân Thọ là 50-50 nên không bên nào có quyền quyết định. Ngoài ra, do tình hình bất động sản trầm lắng, do các bên trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chiều cao dự án để đảm bảo yếu tố hiệu quả đầu tư," báo cáo ngành kiểm toán nêu lên. SCIC cũng đã góp vốn vào dự án của Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam với số tiền 49,5 tỷ đồng từ năm 2015. Các bên đã trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án lên Chính phủ từ tháng 4/2016 nhưng chưa được xem xét, phê duyệt. Đến năm 2017, SCIC được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thoái vốn khỏi dự án Xuân Dũng Vietnam+
|