Khó đạt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 Mặc dù còn đến hai năm nữa mới đến hạn cho con số phát triển 1 triệu doanh nghiệp, nhưng ngay từ lúc này, nhiều ý kiến cho rằng khá khó để đạt được con số này vào năm 2020 và đó thực sự là mục tiêu đầy thách thức. Nhiều đại biểu quốc hội đều thấy rằng, tình hình thực hiện mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 vẫn là rất khó khăn. | "Chúng ta thấy gần đây doanh nghiệp tăng trưởng rất nhanh, năm nay dự kiến là khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập, tăng 2,5%, tuy nhiên con số giải thể có thể cũng tăng cao", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, "sắp tới Chính phủ tiếp tục có rất nhiều giải pháp xung quanh phát triển doanh nghiệp". Vẫn nhiều hy vọng Giải thích về tình hình doanh nghiệp giải thể tăng cao, ông Dũng nêu ra 4 nguyên nhân. Thứ nhất, theo quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải của những doanh nghiệp yếu, không còn khả năng tồn tại thì sẽ bị loại khỏi để thay vào những doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển. Thứ hai, nhìn thẳng vào thực tế thì thấy việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất đang rất khó khăn đối với các doanh nghiệp, như tiếp cận về vốn, công nghệ, đất đai, lao động, đầu vào chi phí logistic ta đang còn rất khó. Việc các doanh nghiệp hoạt động sau một thời gian thành lập không hoạt động hiệu quả và tự rút lui khỏi thị trường cũng có nguyên nhân từ đây. Thứ ba, từ tháng 4 vừa qua các địa phương tập trung vào công tác rà soát số liệu của doanh nghiệp. Từ trước đến nay đã có tổng hợp nhưng không đầy đủ, lần này làm quyết liệt hơn thì số đã giải thể từ mội vài năm trước chưa được tổng hợp, lần này đã được tổng hợp tương đối đầy đủ nên kết quả đã tăng cao so với con số của các năm trước. Thứ tư, có hiện tượng một số doanh nghiệp trục lợi chính sách, thành lập nhưng không hoạt động gì mà chỉ để buôn bán hóa đơn... Với câu hỏi, "mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có khả năng đạt được không?", tuy cho rằng có khó khăn, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng nếu tích cực phấn đấu, vẫn có thể đạt được. Đến ngày hôm nay, đang có 702.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Còn hai năm nữa, mục tiêu là phải có thêm khoảng 300.000 doanh nghiệp. Muốn có kết quả đó, theo ông Dũng, phải triển khai hỗ trợ đầy đủ các chính sách, các chương trình của doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa và dễ dàng tiếp cận với các thị trường yếu tố đầu vào như tôi đã báo cáo. Đó là vốn, đất đai, công nghệ, lao động. Khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích phát triển một số doanh nghiệp lớn trong nước làm đầu tàu lôi kéo, tạo sức lan tỏa. Đặc biệt phải tháo gỡ được các khó khăn và giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Thủ tục đang còn rườm rà, còn vô cảm và đang làm mất rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Dũng cho biết. Gần như bất khả thi? Về hộ kinh doanh, hiện nay đang có 5,2 triệu hộ kinh doanh, nhưng việc chuyển sang doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Vừa qua Chính phủ đã có một số giải pháp và sắp tới Chính phủ cũng đã và đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng chế độ kế toán riêng cho các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Xây dựng một cơ sở đại lý thuế để tư vấn và cung cấp các dịch vụ kế toán cho các hộ kinh doanh... Những giải pháp này chắc chắn đều hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chuyển đổi một cách dễ dàng hơn sang doanh nghiệp. "Với tất cả những chính sách hỗ trợ chuyển hộ kinh doanh sang doanh nghiệp cũng như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng tình hình của doanh nghiệp có lẽ phấn đấu cũng sẽ đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020", ông Dũng nói. Nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng như nhiều đại biểu quốc hội đều thấy rằng, tình hình vẫn là rất khó khăn. Ông Thanh nhận định, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong năm 2018. Đại biểu Vũ Tiến Lộc, cũng là Chủ tịch VCCI nhớ lại mười mấy năm trước, khi còn tại nhiệm thì cố Thủ tướng Phan Văn Khải, vị Thủ tướng của Luật Doanh nghiệp đã đưa ra mục tiêu là nước ta phải có 500 ngàn doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Đến nay đã phải trễ hạn tới 6 năm để thực hiện mục tiêu này. Nhưng dù vậy, một câu hỏi vẫn phải đặt ra là liệu mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ có hay không thêm một lần lỡ hẹn? "Vào thời điểm này, sau nhiều nỗ lực để xây dựng quốc gia khởi nghiệp và đã nói rất nhiều về cuộc cách mạng 4.0 nhưng cũng mới chỉ có khoảng 700 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động và để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp sau 2 năm nữa, nhiệm vụ gần như là bất khả thi", ông Lộc khẳng định. "Bất khả thi về tốc độ thành lập các doanh nghiệp mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại không muốn lớn, trong khi xét về bản chất kinh tế thì khu vực này đã là doanh nghiệp và đang đóng góp tới 30% GDP và đây chính là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng doanh nghiệp". Linh Tâm VNEconomy
|