Giật mình với nhập khẩu trong chăn nuôi
Là nước nông nghiệp nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành chăn nuôi lên tới gần 6 tỉ USD trong 11 tháng của năm 2018.
Sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đạt gần 2,3 tỉ USD trong 11 tháng qua. Nguồn: Đào Ngọc Thạch
|
Chưa kể nhiều thời điểm tại thị trường nội địa, người nuôi gà, heo... điêu đứng vì thịt rớt giá, cạnh tranh không nổi với hàng nhập.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, một trong những điểm sáng của ngành chăn nuôi là giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 508 triệu USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm (10 tháng) đạt 25,3 triệu USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017; xuất khẩu các sản phẩm từ trâu đạt 2,76 triệu USD, giảm trên 50%; bò và heo 37 triệu USD giảm 48% so với cùng kỳ năm 2017... Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng, sữa) lên tới gần 2,27 tỉ USD trong 11 tháng năm 2018.
Báo cáo không đề cập con số cụ thể về nhập khẩu của nhóm ngành chăn nuôi nhưng cho biết lĩnh vực này thâm hụt thương mại lên đến 1,76 tỉ USD. Thực tế, chúng ta đang nhập khẩu rất nhiều các mặt hàng thực phẩm. Ở phân khúc cao cấp, VN nhập khẩu nhiều nhất là thịt bò từ Mỹ, Úc, Canada... Bên cạnh đó là một lượng phụ phế phẩm chăn nuôi như gà thải loại từ Hàn Quốc, thịt vụn, xương heo, bò, trâu, nội tạng gia cầm, heo từ... EU, Mỹ và một số thị trường khác. Trong sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, các sản phẩm chế biến dạng như thịt xông khói, xúc xích chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đang có chiều hướng gia tăng nhanh. Tính trung bình mỗi tháng VN chi gần 210 triệu USD để nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Nguyên nhân nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng mạnh thời gian qua là do giá heo hơi trong nước luôn ở mức cao, có thời điểm lên đến 56.000 - 57.000 đồng/kg, hiện vẫn còn khoảng 50.000 đồng/kg. “Tuy giá heo hơi đã giảm so với trước, song mức giá trên vẫn được đánh giá là cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Điều này sẽ gây bất lợi cho thị trường thịt heo thương phẩm trong nước vì giá thịt heo nhập khẩu đang thấp hơn”, báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nhận định.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, thâm hụt thương mại xuất nhập khẩu của nhóm ngành chăn nuôi 11 tháng năm 2018 lên đến 1,76 tỉ USD.
|
Không chỉ nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 11 tháng năm 2018 cũng tăng tới gần 20% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 3,56 tỉ USD. Bên cạnh đó, nhập khẩu các nguyên phụ liệu khác của ngành chăn nuôi cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 như: nhập 9,5 triệu tấn bắp với giá trị đạt gần 2 tỉ USD, tăng 32% về khối lượng và tăng 40,5% về giá trị; nhập 1,64 triệu tấn đậu nành trị giá 704 triệu USD, tăng 11% về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Những con số này là rất lớn nếu đặt cạnh giá trị xuất khẩu gạo trong cùng thời gian này chỉ là 2,9 tỉ USD. Nên nhớ, đây là năm mà lĩnh vực xuất khẩu gạo được mùa được giá.
Xem lại định hướng ngành chăn nuôi
Theo TS Nguyễn Quốc Vọng, giảng viên ĐH RMIT, chúng ta không có lợi thế nếu chuyển sang trồng các loại cây như bắp hoặc đậu nành để giải quyết bài toán thức ăn chăn nuôi. Chính vì vậy, nhập khẩu sẽ có lợi hơn. Nhưng vấn đề là làm sao giải quyết sự lạc hậu, kém hiệu quả của ngành chăn nuôi.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, phân tích: “Điểm yếu lớn nhất của ngành chăn nuôi mà cụ thể là chăn nuôi heo chính là con giống. Chúng ta không có giống heo tốt để cho chất lượng thịt cao và đặc biệt năng suất của heo nái thấp. Chính vì vậy mà trong tổng đàn heo của cả nước tỷ lệ heo nái rất cao so với bình quân chung của thế giới. Lượng heo nái này đã chiếm một tỷ lệ đáng kể thức ăn chăn nuôi và làm chi phí giá thành tăng. Bên cạnh đó, ở các nước người ta chăn nuôi theo mô hình trang trại nên tối ưu hóa được chi phí. Còn VN vẫn phổ biến với mô hình gia đình, gia trại. Chính vì chúng ta lạc hậu nên dư địa phát triển còn lớn và tận dụng chứ không nên từ bỏ”.
Để giải bài toán này và tránh tụt hậu ngày càng nhanh và xa, theo PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, chỉ có doanh nghiệp mới đủ sức đầu tư bài bản về giống cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật của ngành. Chính vì vậy, nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, khuyến khích thực hiện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân. Khi tổ chức thành hệ thống như vậy sẽ giảm được chi phí và dễ dàng trong khâu truy xuất nguồn gốc hơn so với cách chăn nuôi đại trà hiện nay.
Chí Nhân
Thanh Niên
|