GAS đàm phán với PVN và Vietsovpetro điều chỉnh cách tính lượng khí lấy từ bể Cửu Long
Mới đây, HĐQT Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS, HOSE: GAS) đã thông qua các nội dung chính của bổ sung số 02 Hợp đồng dịch vụ thu gom, nén khí, tiếp nhận, nén khí bể Cửu Long vào bờ vào ngày 10/12/2018 để làm cơ sở đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Liên doanh Vietsovpetro.
Theo đó, việc ký kết bổ sung số 02 Hợp đồng nhằm mục đích điều chỉnh cách tính lượng khí vào bờ phù hợp với hoạt động thực tế tại các giàn nén ngoài khơi, đảm bảo quyền lợi của GAS theo Hợp đồng đã ký.
Được biết, bể Cửu Long bao gồm các mỏ Bạch Hổ, Vòm Bắc, Đồi Mồi, Rạng Đông, Phương Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng… Hệ thống đường ống Cửu Long gồm hệ thống đường ống dẫn khí với tổng chiều dài gần 390 km, công suất thiết kế 2 tỷ m3 khí/năm, nối từ bể Cửu Long vào bờ, xử lý khí tại nhà máy xử lý khí Dinh Cố, đưa khí đến các hộ tiêu thụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ, Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải.
Thời gian qua, GAS đang tích cực phối hợp với các bên liên quan (PVN, PVEP, VSP, Cửu Long JOC, Idemitsu, Rosneft...) để hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án thu gom, đưa khí và sản phẩm lỏng vào bờ như: dự án thu gom khí các mỏ Phong Lan Dại vào năm 2018, Cá Rồng Đỏ vào năm 2019, Sao Vàng – Đại Nguyệt và Sư Tư Trắng – giai đoạn 2 vào năm 2020, Kình Ngư Trắng vào năm 2021, đường ống khí Lô B-Ô Môn vào năm 2022...
Tính đến hết tháng 11/2018, GAS đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm các chỉ tiêu tài chính hợp nhất về tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, tổng doanh thu 11 tháng là 66,316 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 12,592 tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 10,119 tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch năm.
Quốc Thắng
Fili
|