Đấu giá Sàn Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột
Một sàn giao dịch cà phê mới đang được Công ty CP Sở Giao dịch cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột xúc tiến thành lập
Ngày 5-12, ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã đưa khu đất là trụ sở của Sàn Giao dịch cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột đóng tại đường Nguyễn Chí Thanh, TP Buôn Ma Thuột vào danh mục kêu gọi đầu tư.
Sàn Giao dịch cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột đóng cửa Ảnh: CAO NGUYÊN
|
Khu đất này rộng hơn 3 ha với nhiều hạng mục như khu nhà làm nơi giao dịch, nhà kho sẽ được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư theo hướng thành đất thương mại, dịch vụ để đấu giá quyền sử dụng đất. "Tất cả các giá trị về đất, tài sản gắn liền trên đất sẽ được tính chung để làm giá khởi điểm" - ông Hà nói.
Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột được thành lập khoảng 10 năm trước với mục tiêu nâng cao giá trị hạt cà phê cho nông dân, tránh tình trạng thương lái ép giá, vỡ nợ cà phê gây thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, do hoạt động kém hiệu quả nên UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định cổ phần hóa chuyển thành Công ty CP Sở Giao dịch cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) với tham vọng bán cà phê trên các sàn giao dịch lớn ở Anh, Mỹ…
Tuy nhiên, trong quá trình "làm ăn chung", các cổ đông đã xảy ra bất đồng về việc góp vốn và một số vướng mắc khác nên tháng 10-2017, sàn giao dịch cà phê đã bị "khai tử" với khoản lỗ hơn 2 tỉ đồng. Trong đó, UBND tỉnh Đắk Lắk phải bù lỗ cho các nhà đầu tư hơn 800 triệu đồng.
Liên quan đến việc tỉnh Đắk Lắk thu hồi và tính đấu giá khu đất Sàn Giao dịch cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở Giao dịch cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột, cho biết từ cuối năm 2017, khi UBND tỉnh Đắk Lắk chính thức rút vốn khỏi BCCE, công ty đã trả lại tài sản vật chất là khu đất có sàn giao dịch nên việc tỉnh thu hồi, đem đấu giá và chuyển công năng sử dụng là hợp lý.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải khẳng định mục tiêu xây dựng một sàn giao dịch cà phê đúng nghĩa vẫn đang được công ty tiếp tục thực hiện. Nếu sở giao dịch hàng hóa mới được cấp phép hoạt động sẽ kết nối với thị trường quốc tế và giao dịch trực tuyến là chủ yếu. Khi đó, chỉ cần một văn phòng giao dịch của sàn ở Đắk Lắk (thủ phủ cà phê, chiếm 40% sản lượng cà phê cả nước) với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột được hàng chục nước công nhận về chỉ dẫn địa lý.
Còn cà phê vật chất sẽ chứa trong các kho ngoại quan gần cảng bốc dỡ, như các kho ngoại quan rộng hàng chục hecta chứa cà phê của các doanh nghiệp FDI ở Tân Cảng (TP HCM), Bình Dương. Kho ngoại quan có thể phục vụ việc sơ chế, chế biến, đóng gói cà phê cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Khi đó, doanh nghiệp sẽ rất thuận tiện trong việc vận chuyển, làm thủ tục chứng thư hàng hóa xuất khẩu để được ngân hàng cấp tín dụng trong nước hoặc quốc tế… Đắk Lắk hiện có một kho ngoại quan nhưng không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng nếu có sàn giao dịch cà phê vì nhiều yếu tố.
"Mấu chốt trong câu chuyện để sàn giao dịch cà phê hoạt động được không phải khu đất đặt trụ sở mà là tháo gỡ vướng mắc về cơ chế thanh toán, yết giá đồng tiền giao dịch. Đầu tuần tới, đoàn chuyên gia tư vấn của Singapore sẽ làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về việc này, theo hướng kiến nghị giải pháp khả thi trong cơ chế thanh toán" - ông Trần Thanh Hải thông tin.
Cao Nguyên - Thái Phương
Người Lao Động
|