Thứ Năm, 06/12/2018 08:36

Cổ phiếu nào thường mang “quà Giáng sinh” đến với nhà đầu tư?

Bước vào tháng 12, thời điểm các doanh nghiệp niêm yết ra sức để góp thêm những con số cuối cùng vào kết quả hoạt động kinh doanh cả năm. Tháng 12 cũng là thời điểm không ít nhà đầu tư ngó nghiêng bảng điện đặng chốt lời để còn ăn Tết tây hay có lẽ tạm thời đóng vị thế để tranh thủ kiếm những khoản kết chuyển lỗ thuế cho các năm sau.

Cùng Vietstock điểm qua những cổ phiếu tăng và giảm liên tục trong tháng 12 giai đoạn 3 năm từ 2015 – 2017.

Mùa Giáng sinh tại HOSE

Trong giai đoạn 3 năm từ 2015 – 2017, theo dữ liệu từ Vietstock, sàn HOSE có cả thảy 14 cổ phiếu tăng điểm liên tục trong tháng 12.

Danh sách cổ phiếu sàn HOSE tăng liên tục vào tháng 12 giai đoạn 2015 - 2017

Danh sách “bảng vàng” tháng 12 này có sự góp mặt của 2 “ông lớn” là VCBMSN. Tại thời điểm 30/11/2018, VCB và MSN có giá 55,400 đồng/cp và 80,000 đồng/cp, tương ứng mức tổng vốn hoá thị trường lần lượt lên đến 199,316 tỷ đồng và 93,052 tỷ đồng. Thị giá từng cổ phần VCB và MSN cũng đạt mức tăng trưởng kép* gần 23.3% và 21.2% trong 3 năm qua tính đến thời điểm 30/11/2018.

Cùng với đó là sự chung vui của nhóm công ty có vốn hoá xếp sau như GEX, SBTPPC, LDG, IDI, VNG,...

Đáng chú ý, TTF - Cổ phiếu liên tục làm phiền lòng nhà đầu tư những năm qua cũng hiện diện trên “bảng vàng” tháng 12 với các mức tăng thị giá tương đối đều đặn trong cả 3 năm xét đến. Tuy nhiên, chỉ “quà Giáng sinh” là không đủ để làm vui lòng cổ đông TTF. Mức tăng trưởng TTF trong tháng 12 ghi nhận giảm dần đều trong 3 năm qua. Ngoài ra, TTF cùng với SRC là 2 cổ phiếu duy nhất thuộc nhóm kể trên có thị giá tăng trưởng kép âm trong giai đoạn từ 30/11/2015 - 30/11/2018, lần lượt 49.8% và 12.6%. Hoạt động kinh doanh của 2 doanh nghiệp này cũng vấp phải nhiều khó khăn; TTF vẫn đang loay hoay giải quyết những tồn đọng trong quá khứ, kết quả kinh doanh của SRC thì đang bị đè nặng bởi áp lực cạnh tranh gay gắt.

VNG, TTF, SBT, theo thứ tự, là 3 cổ phiếu đem lại hiệu suất lợi nhuận lớn nhất cho nhà đầu tư vào tháng 12 giai đoạn 2015 – 2017, lần lượt đạt tổng hiệu suất 96.6%, 52.2%, 42.6%.

Một điểm đáng chú ý đối với nhóm cổ phiếu “bảng vàng” là đa phần có khối lượng giao dịch trung bình trong tháng 12/2017 tăng vọt so với tháng 12/2016. Cổ phiếu có mức cải thiện lớn nhất là IDI khi ghi nhận thanh khoản gần 2.05 triệu cp trung bình mỗi phiên trong tháng 12/2017, tăng đến 535% so với con số cùng kỳ 2016. Xếp sau IDI lần lượt là MSN, TDC, VNG, VCB với mức tăng 405%, 397%, 241%, 210%.

Ở chiều ngược lại, theo dữ liệu của Vietstock, sàn HOSE có tất cả 22 cổ phiếu giảm điểm vào tháng 12 trong cả 3 năm qua 2015 – 2017.

Danh sách cổ phiếu sàn HOSE giảm liên tục vào tháng 12 trong giai đoạn 2015 - 2017

Không khó để nhận thấy HAR là người thắng cuộc của “giải mâm xôi vàng tháng 12” với các mức giảm vào mỗi tháng cuối của năm 2015, 2016, 2017 lần lượt là 29%, 34%, 17.1%. Giả định một nhà đầu tư chỉ nắm mỗi HAR vào tháng 12 trong cả 3 năm qua và thoái vốn giữ tiền trong các tháng còn lại, thì số vốn ban đầu của anh ta sau khi qua 3 “mùa đông” chỉ còn lại chưa đến 40%.

Tuy vậy, trong nhóm cổ phiếu gieo sầu tháng 12 trong 3 năm vừa qua, PAC, CHP, HDC, DGW là 4 cổ phiếu vẫn có thị giá đạt mức tăng trưởng kép dương trong giai đoạn 30/11/2015 – 30/11/2018.

Diễn biến giá cổ phiếu PAC, CHP, DGW, HDC giai đoạn từ 30/11/2015 - 30/11/2018

Nổi bật về mức tăng trưởng kép giai đoạn 3 năm tính đến 30/11/2018 chính là PAC, lên đến 32.6%. Tuy nhiên thực tế là mức giá 43,200 đồng/cp hiện nay (kết phiên 30/11/2018) chỉ ngang với mức giá vào khoảng tháng 6/2017, cổ phiếu PAC không hề tăng trưởng trong suốt gần một năm rưỡi. Nguyên nhân có lẽ phần nào xoay quanh vấn đề lợi nhuận của PAC chững lại trong năm 2017 sau giai đoạn 2015 – 2016 tăng trưởng đều đặn. Luỹ kế 9 tháng 2018, PAC đạt doanh thu gần 2,297 tỷ và lãi ròng trên 107 tỷ đồng, tăng 11.4% và 5.6% so với cùng kỳ 2017.

Thăng trầm nhất phải kể đến DGW, cổ phiếu này đổ đèo không lâu sau ngày chào sàn do hoạt động kinh doanh đi xuống. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đầu 2017, cổ phiếu DGW bắt đầu chu kỳ tăng giá được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực từ hoạt động kinh doanh. Sang 2018, luỹ kế 9 tháng, DGW đạt mức tăng trưởng doanh thu và lãi ròng lần lượt lên đến 62.6% và 37.9% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 12 “buồn nhiều hơn vui” tại HNX

Tại sàn HNX, tháng 12 có lẽ là tháng buồn nhiều hơn vui, trong 3 năm qua, chỉ có 3 cổ phiếu tăng điểm liên tục vào tháng 12 giai đoạn 2015 – 2017, về phía chiều giảm lại có sự góp mặt của 12 cái tên.

Danh sách cổ phiếu sàn HNX tăng và giảm liên tục vào tháng 12 giai đoạn 2015 - 2017

Trong 3 cổ phiếu xanh đều tháng 12 tại sàn HNX, HHG là cổ phiếu duy nhất làm buồn lòng cổ đông khi thị giá có mức tăng trưởng kép âm đến 37.1% trong giai đoạn từ 30/11/2015 – 30/11/2018.

Chiều ngược lại, trong nhóm “gieo sầu tháng 12” trên HNX hiện diện 3 cổ phiếu có thị giá đạt mức tăng trưởng kép dương trong giai đoạn 3 năm tính đến ngày 30/11/2018 là TNG, SHB, VGC, với các con số tăng trưởng kép dương lần lượt 13.1%, 9.2%, 31.6%.

Đối với TNG, sau con sóng của cổ phiếu dệt may vừa qua, cổ phiếu này hiện có giá 17,500 đồng/cp (kết phiên chiều 30/11/2018). Về mặt hoạt động kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu 2018, TNG đạt doanh thu 2,728 tỷ đồng và lãi ròng 130.5 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 47.6% và 47.8% so với cùng kỳ năm 2017.

Về phía 2 cổ phiếu SHB và VGC, ngoài những điểm chung như đều giảm vào tháng 12 trong giai đoạn 2015 – 2017, đều có tăng trưởng kép dương trong giai đoạn 3 năm tính đến 30/11/2018; mức thị giá tại ngày 30/11/2018 của SHB và VGC cũng đều đã giảm sâu so với mức đỉnh lập được trong năm 2018 lần lượt đến 45.6%, 39.1%.

Chú thích:

* Chỉ xét trên nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân hơn 10,000 cp/phiên.

*Tăng trưởng kép trong bài tính theo khung thời gian năm.

Vĩnh Thịnh

FILI

Các tin tức khác

>   05/12: Đọc gì trước giờ giao dịch? (05/12/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 05/12 (05/12/2018)

>   HNX: Bản công bố thông tin của CTCP Tập đoàn CIENCO 4 (C4G) (04/12/2018)

>   SAB chính thức nới room ngoại 100% sau 1 năm về tay người Thái (04/12/2018)

>   Đề xuất cho nhà đầu tư ngoại 'mua bán khống' chứng khoán (04/12/2018)

>   Chiến lược thị trường chứng khoán tháng 12/2018: Tốt xấu đan xen (05/12/2018)

>   04/12: Đọc gì trước giờ giao dịch? (04/12/2018)

>   Tiền đang về lại với Large Cap? (03/12/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 04/12 (04/12/2018)

>   NLG: Quyết định của Cục thuế TP.HCM về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế (03/12/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật