Chứng khoán Châu Á đỏ lửa đầu phiên sau báo cáo thương mại ảm đạm hơn dự báo từ Trung Quốc
Chứng khoán châu Á giảm mạnh vào đầu phiên ngày thứ Hai (10/12) sau khi Trung Quốc công bố số liệu thương mại yếu hơn rất nhiều so với dự báo hồi cuối tuần trước.
Tính tới lúc 9h40 ngày thứ Hai (10/12 – giờ Việt Nam), thị trường Trung Quốc – vốn được nhà đầu tư theo dõi sát sao vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung – nhuốm sắc đỏ vào đầu phiên. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite hạ 19.01 điểm (tương ứng 0.73%), còn Shenzhen Composite lùi 0.75%.
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 377.53 điểm (tương ứng 1.45%) khi cổ phiếu Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông giảm 1.23%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 9h40 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Số liệu thương mại ảm đạm trong tháng 11/2018
Cuối tuần trước, Trung Quốc vừa công bố báo cáo xuất-nhập khẩu yếu hơn dự báo rất nhiều – một điều báo trước về sự suy giảm của nhu cầu toàn cầu và nội địa, đồng thời làm gia tăng xác suất Bắc Kinh có thể thực hiện thêm biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
Dựa trên số liệu công bố trong ngày thứ Bảy (08/12), kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc tháng 11/2018 tăng trưởng 5.4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với dự báo tăng trưởng 10% từ cuộc thăm dò của Reuters. Con số này cũng là mức thấp nhất kể từ đợt giảm 3% trong tháng 3/2018. Dữ liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc cho thấy tăng trưởng xuất khẩu đến tất cả đối tác thương mại lớn của Trung Quốc đã giảm tốc mạnh.
Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu đạt 3%, thấp nhất kể từ tháng 10/2016 và chỉ đạt một phần nhỏ của con số dự báo 14.5% từ cuộc thăm dò của Reuters. Kim ngạch nhập khẩu quặng sắt giảm lần thứ hai, phản ánh nhu cầu tái nhập kho tại các nhà máy sản xuất thép đang suy giảm khi biên lợi nhuận thu hẹp.
“Số liệu thương mại tháng 11/2018 của Trung Quốc không đạt kỳ vọng ở khoảng cách khá xa”, các chuyên viên phân tích từ Commonwealth Bank (Australia) cho biết trong một báo cáo buổi sáng.
“Tăng trưởng xuất khẩu yếu hơn phản ánh tăng trưởng toàn cầu chậm hơn và sự phai nhạt của tác động nhập hàng trước từ các nhà nhập khẩu Mỹ để né tránh thuế quan”, họ nhận định.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 468.81 điểm (tương ứng 2.16%), còn Topix hạ 1.72%.
Cổ phiếu Japan Display rớt 10.61% sau khi công ty cho biết họ không định giảm sản xuất bảng điện thoại thông minh trong tháng 12/2018. Trước đó, có thông tin cho rằng Japan Display đang định giảm bớt quy mô sản xuất.
Cổ phiếu của công ty thiết bị điện tử Pioneer lao dốc 28.41% sau khi bị thâu tóm bởi Baring Private Equity Asia.
Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lùi 20.01 điểm (tương ứng 0.96%), trong đó cổ phiếu của ông lớn sản xuất chip điện tử SK Hynix rớt 2.4%.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 sụt 109.1 điểm (tương ứng 1.92%) trong đó phần lớn lĩnh vực đều nhuốm sắc đỏ.
Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – rớt 2.43% khi cổ phiếu Big4 ngân hàng rớt mạnh. Cụ thể, cổ phiếu ANZ trượt hơn 3%, Commonwealth Bank (Australia) giảm 2.6%, Westpac mất 3% và National Australia Bank lùi 2.4%.
Trung Quốc phản đối kịch liệt vụ bắt Giám đốc Huawei
Trung Quốc đã triệu đại sứ Mỹ tại nước này là ông Terry Branstad để tranh luận về vụ bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) Meng Wanzhou của tập đoàn công nghệ Huawei.
Trong ngày thứ Bảy (08/12), Đại sứ Canada John McCallum cũng bị triệu vì vụ bắt giữ bà Meng và Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Canada sẽ đối mặt với “các hậu quả nghiêm trọng” nếu bà Meng không được trao trả tự do.
Huawei là một trong những công ty sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên thế giới và đang chịu áp lực từ phía Washington. Công ty này bị áp lệnh hạn chế bán thiết bị viễn thông ở Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.
Ngoài chuyện ảnh hưởng tới lĩnh vực công nghệ, vụ bắt giữ này còn tác động tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|