Chủ tịch ANV ước lãi 600 tỷ năm 2018 và hé lộ chiến lược dẫn đầu các thị trường xuất khẩu
“Nam Việt sẽ lãi khoảng 600 tỷ đồng trong năm 2018. Công ty sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và hướng đến thị phần lớn nhất tại thị trường này” – ông Doãn Tới – Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) chia sẻ.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 08/12 tại An Giang, phía đại diện ANV đã cập nhật những con số mới nhất liên quan đến hoạt động kinh doanh 2018, cùng với đó là định hướng chiến lược của Công ty cho những năm tiếp theo.
Về kết quả kinh doanh năm 2018, ông Tới cho biết ANV sẽ đạt khoảng 4,000 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương mức tăng trưởng đến 35.6% so với năm 2017, nhờ vào hiệu quả tốt từ kênh phân phối cuối cùng.
Còn biên lợi nhuận ròng của ANV theo con số hợp nhất là 16.6%, ANV cũng ước Công ty sẽ lãi ròng xấp xỉ 600 tỷ đồng. “Đây là những con số mà khá chắc chắn đã trong tầm tay của Nam Việt. Còn năm 2019, ANV sẽ lãi từ 700 tỷ đồng, đến 2020 chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt con số 1,000 tỷ đồng” – ông Tới khẳng định.
Góc nhìn ngành cá tra và định hướng hoạt động của ANV
Theo chia sẻ của ông Doãn Chí Thiên – Thành viên HĐQT ANV: “Ngành cá tra đang xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu giống do 3 nguyên nhân chính là thời tiết, dịch bệnh và giống của ngành thoái hóa. Thêm vào đó, công đoạn làm giống hiện nay cũng đang rất thủ công. Những yếu tố kể trên dẫn đến việc thiếu con giống, thiếu cá nguyên liệu và hệ quả chung là giá cá tra đỉnh điểm có lúc đã đạt mức kỷ lục 35,800 đồng/kg”.
Về phía ANV, Công ty đang chủ động 100% nguồn cá nguyên liệu đầu vào. Còn nguồn giống, phía đại diện ANV cho biết: “Công ty đang tự chủ 30% tính trong năm 2018, sang 2019 con số này sẽ là 70% và 2020 chúng tôi hướng đến tự chủ 100% giống đầu vào”.
ANV hiện đang có 250 ha mặt nước vùng nuôi, tạo ra khoảng 100,000 tấn cá chế biến hàng năm. Các vùng nuôi của ANV đều đạt những tiêu chuẩn cao nhất. Công ty cũng đang triển khai mở rộng vùng nuôi, gia tăng sản lượng để đảm bảo đầu vào phục vụ các đơn hàng sắp tới.
Chia sẻ thêm về công đoạn ương nuôi giống cá tra, ông Thiên cho biết: “Công đoạn nuôi chia làm 3 phần là nuôi cá bố mẹ - cá bột - cá giống. Về giai đoạn cá bột, ANV đạt tỷ lệ sống là 5% – 15%, trong khi nông dân ở ngoài đang rất khó khăn với tỷ lệ từ 3% – 10%. Về phía giai đoạn từ cá bột lên cá giống thì ANV đạt tỷ lệ 60% – 75%.”
ANV có 4 nhà máy, hiện đang có 3 nhà máy hoạt động, trong đó 1 nhà máy là cho thuê. Theo chia sẻ từ phía đại diện ANV, năng suất tối đa của Công ty có thể đạt đến 1,300 tấn/ngày, hiện ANV chỉ sản xuất 500 tấn/ngày.
Bên trong nhà máy chế biến cá tra của ANV.
|
Năm 2018, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, ANV đã xuất khẩu thành công sang Trung Quốc. Shanghai Fenglei International Trading Co., Ltd (Trung Quốc) là nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của ANV tại thị trường này. Theo chia sẻ từ phía ANV, nhu cầu tại Trung Quốc rất lớn và hiện nay Công ty chỉ đang đáp ứng được 50%, tất cả giao dịch sẽ được thanh toán bằng đồng USD. ANV sẽ hướng tới chiếm thị phần số 1 tại thị trường này.
Thúc đẩy thị trường Trung Quốc, ANV vẫn chăm lo cho các thị trường truyền thống như Mỹ La-tinh, châu Á. Về kế hoạch trở lại Mỹ, ANV dự tính năm 2020 sẽ đi vào thị trường này.
Các kế hoạch chiến lược của ANV
Đại diện ANV cho biết, Công ty sẽ tập trung cải cách, nâng cấp máy móc thiết bị, hệ thống logistic, kho bãi,…Về phía nhà máy thức ăn của ANV, hiện nay không chỉ cung cấp cho nội bộ Công ty mà còn thương mại ra ngoài, lần lượt với tỷ lệ là 80:20. Các nguyên liệu đầu vào thức ăn của ANV là đậu nành nhập từ Argentina, khoai mì từ Campuchia, cám gạo từ Long Xuyên, bột cá từ Vũng Tàu. Năng suất nhà máy thức ăn 380,000 tấn/năm, công nghệ tự động và truy suất từ đầu vào đến đầu ra. Việc tự chủ được thức ăn chăn nuôi giúp ANV tăng biên lợi nhuận ròng ít nhất 10% – 15% so với mua bên ngoài.
Về phía các sản phẩm giá trị gia tăng, đại diện ANV cho biết, Công ty đang thực hiện R&D sản phẩm dầu ăn, bột collagen hiện đang đàm phán và khả năng cao dự án sẽ được triển khai vào 2019. Còn Surimi – sản phẩm giá trị gia tăng, được kỳ vọng đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng thì đã xong dàn máy sản xuất.
Về chiến lược bán hàng, Công ty sẽ mở rộng ra nhiều thị trường và tập trung phân khúc khách hàng cấp cao. Ngành cá tra là ngành rất cạnh tranh, ANV chỉ tập trung vào phân khúc có biên lợi nhuận tốt. Cùng với đó, Công ty ưu tiên hình thức làm ăn được trả trước tiền mặt.
Các thị trường chiến lược của ANV sẽ là Trung Quốc, Trung Đông, Brazil, Thái Lan, ANV hướng đến là nhà xuất khẩu dẫn đầu các thị trường này.
Tăng vốn qua phát hành riêng lẻ để triển khai Dự án vùng nuôi Bình Phú
Với kế hoạch mở rộng thị trường, ANV cũng đẩy mạnh mở rộng diện tích vùng nuôi.
Vừa qua, ANV cũng đã công bố thông tin đầu tư 540 tỷ đồng để góp 100% vốn vào Công ty TNHH MTV Nuôi trồng Thủy sản Nam Việt Bình Phú. Công ty này sẽ thực hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản công nghệ cao để cung cấp nguồn giống cho việc nuôi cá tra.
Hiện tại ANV đang sử dụng 250 ha vùng nuôi (mặt nước).
|
Hiện tại, ANV có tổng cộng 330 ha vùng nuôi (250 ha mặt nước), cung cấp 95,000 tấn cá tra nguyên liệu mỗi năm và công suất này sẽ được nâng lên 120,000 tấn/năm sau khi Nam Việt Bình Phú đi vào hoạt động trong quý 4/2019. Ngoài ra, ANV sẽ được miễn giảm thuế nhờ vào hoạt động nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.
Phía đại diện ANV cho biết, dự án Bình Phú có tổng vốn đầu tư rất lớn. Công ty hiện đã chi 500 tỷ đồng mua 500 ha đất nuôi trồng và hiện chỉ còn thiếu 100 ha theo kế hoạch, đương nhiên đây mới chỉ tính riêng phần đất đai.
Với các kế hoạch phát triển đó, ANV dự kiến sẽ phát hành 30 triệu cp riêng lẻ vào khoảng nửa cuối năm 2019. Phía đại diện Công ty khá tự tin thu về tối đa khoảng 1,500 tỷ đồng qua đợt phát hành này.
Các chi tiết cũng như thông tin chính xác về đợt phát hành sẽ được ANV công bố vào cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Vĩnh Thịnh
FILI
|