Thứ Sáu, 21/12/2018 20:00

59 ngàn lao động bị nợ 1.003 tỷ đồng bảo hiểm, trách nhiệm thuộc về ai?

Đó là chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng ) gửi đến Thủ tướng, và đã có hồi âm...

Tính đến 30/9/2018 tổng số tiền nợ bảo hiểm là 1.003 tỷ đồng với 59 ngàn lao động.

Tại phiếu chất vấn, đại biểu Thuý nêu, tính đến 30/9/2018 tổng số tiền nợ các loại bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động (bị rút giấy phép kinh doanh), đang chờ giải thể, phá sản, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn, doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh là 1.003 tỷ đồng với 59 ngàn lao động.

Việc nợ bảo hiểm xã hội, theo đại biểu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, có thể  gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội, khiếu kiện kéo dài, đình công tập thể, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo...

Về vấn đề này, khoản 7 điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động.

Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 năm Luật có hiệu lực thi hành nhưng Chính phủ vẫn chưa có biện pháp xử lý đối với 1.003 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội nói trên để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho 59.000 lao động.

Đại biểu Thuý đề nghị Thủ tướng cho biết: nguyên nhân của việc chậm trễ nói trên, trách nhiệm thuộc về ai? bao giờ Chính phủ sẽ có biện pháp xử lý để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động, khoản nợ này có được xem là nợ công không?

Văn bản trả lời chất vấn cho biết, thực hiện quy định tại khoản 7 điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Cụ thể, quy định cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn còn chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được đóng riêng cho từng người lao động để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất) hoặc ghi nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp hoặc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp mới.

Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; kiến nghị Quốc hội bổ sung tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung vào các giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, tăng cường tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy cho thấy thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp triển khai thực hiện, qua đó đã từng bước hạn chế được tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, số nợ đã giảm hơn so với những năm trước; quyền lợi của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được giải quyết kịp thời hơn, Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, theo văn bản trả lời thì việc bảo đảm quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Về xây dựng chính sách bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các phương án và xây dựng văn bản quy định bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định bảo đảm đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gặp vướng mắc do Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và Luật Ngân sách nhà nước đều không quy định nội dung chi đối với trường hợp này nên vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Mặt khác, thông lệ quốc tế cũng không quy định đối với các trường hợp này.

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội trên thiết bị di động nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội tới người lao động.

 Đồng thời tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam (số người lao động, thời gian nợ và tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của từng người cụ thể) để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện (tránh tạo ra tiền lệ để các doanh nghiệp khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động) và đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và các luật khác có liên quan.

Thủ tướng cũng khẳng định Luật Quản lý nợ công chỉ điều chỉnh các quan hệ liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Chủ thể nợ bảo hiểm xã hội mà đại biểu đề cập là doanh nghiệp (người sử dụng lao động) nên khoản nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp không phải quan hệ vay nợ nên không thể xác định là nợ công.

 

HÀ VŨ

VNECONOMY

Các tin tức khác

>   Vì sao chưa bỏ trần lãi suất? (11/12/2018)

>   Bảo hiểm chi tiền tỷ bồi thường xe ngập nước ở Đà Nẵng (11/12/2018)

>   Sẽ xem xét, khởi tố doanh nghiệp chây ì nợ BHXH (04/12/2018)

>   Bảo hiểm bồi thường ra sao cho xe ngập nước do bão Usagi? (26/11/2018)

>   Bảo Việt 3 năm liên tiếp trong Top 10 Doanh nghiệp bền vững xuất sắc nhất Việt Nam (23/11/2018)

>   Tập đoàn Bảo Việt được vinh danh giải Quản trị Công ty khu vực ASEAN (22/11/2018)

>   Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim: Phải truy đóng 330 triệu đồng BHXH cho NLĐ (22/11/2018)

>   Những câu hỏi về bảo hiểm xã hội và ALCII (16/11/2018)

>   "Chi phí chia nhỏ, an toàn vẹn nguyên" - Chương trình ưu đãi mua bảo hiểm trả góp với lãi suất 0% của Bảo hiểm Bảo Việt (05/11/2018)

>   Bảo Việt lập “hattrick” giải thưởng tại Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2018 (03/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật